Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận). Ảnh: media.quochoi.vn
Đô thị hóa nhanh, thoát nước chưa bảo đảm
Sáng 4-6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ bảy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) nêu, một trong những nguyên nhân gây ngập úng tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn là các công trình bê tông, khu dân cư lấn chiếm ao, hồ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nêu, một trong những nguyên nhân gây ngập úng tại các đô thị là do hệ quả của quá trình đô thị hóa, mật độ xây dựng gia tăng nhưng chưa bảo đảm hệ thống thoát nước.
“Chúng ta mới chỉ chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển đô thị, chủ yếu về hạ tầng, dịch vụ, dân cư mà chưa tính sâu, sát về định hướng lâu dài, trong đó có thoát nước”, Bộ trưởng nêu thực trạng. Do đó, cần nghiên cứu quy hoạch, xây dựng đô thị một cách đồng bộ và bài bản, nâng cấp hệ thống thoát nước ở các đô thị, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cùng tham gia trả lời cuối phiên chất vấn sáng nay. Ảnh: media.quochoi.vn
Cùng trả lời về nội dung này, cuối phiên chất vấn sáng nay, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, tình trạng ngập lũ, ngập úng đô thị hiện nay diễn ra rất phức tạp.
Trên cơ sở nhận diện các nguyên nhân, Bộ đặt ra nhiều giải pháp thực hiện như tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước, xử lý nước thải, như: Luật Quy hoạch đô thị nông thôn, Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý phát triển đô thị và và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị để đảm bảo công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải đô thị; tiếp tục rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương triển khai quy hoạch, các quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị.
Rà soát, bảo đảm an toàn hệ thống hồ, đập nhỏ
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên). Ảnh: media.quochoi.vn
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) nêu, cả nước có trên 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, bao gồm 6.750 hồ thủy lợi với nhiều hồ, đập nhỏ, phần lớn được xây dựng từ những năm 1970-1980 trong điều kiện kinh phí, kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng thiếu an toàn hệ thống hồ, đập nhỏ.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc sửa chữa, nâng cấp và cải tạo cần thời gian và nguồn lực rất lớn. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát lại các hồ, đập để đảm bảo việc giữ nước, tích trữ nước, phục vụ sản xuất bền vững cũng như an ninh nguồn nước.
Đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: media.quochoi.vn
Cho rằng phần trả lời của Bộ trưởng “chưa hoàn thiện theo yêu cầu đặt ra”, đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang) tranh luận. Đại biểu nêu, từ 2010 đến nay, cả nước đã xảy ra 75 sự cố vỡ đập và hồ chứa thủy lợi, 14 sự cố an toàn hồ đập, nên mong muốn Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ khắc phục nguy hiểm, mất an toàn hồ đập trong thời gian tới.
Về nội dung này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng phối hợp trả lời. Bộ trưởng cho biết, theo phân cấp, Bộ đang trực tiếp quản lý 5 hồ lớn và 25 hồ được Bộ phân cấp cho các địa phương quản lý.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: media.quochoi.vn
Đến thời điểm này, các hồ an toàn, đang được thường xuyên theo dõi, quản lý. Đối với 900 hồ lớn, vừa, nhỏ đã phân cấp các địa phương quản lý, nguồn lực đầu tư theo luật ngân sách của địa phương.
Tuy nhiên, đối với một số địa phương nguồn lực hạn chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp cụ thể hơn. Bộ trưởng đề nghị các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đề xuất duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn hồ đập do địa phương quản lý…
Phục hồi các dòng sông “chết”
Nội dung về quản lý các nguồn phát thải, xả thải, nước thải hay các dòng sông “chết” được nhiều đại biểu quan tâm. Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang) về giải pháp quản lý tốt nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cũng như nước thải sinh hoạt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thừa nhận thực trạng xử lý nước thải còn hạn chế, đặc biệt là nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, nước thải cụm công nghiệp làng nghề.
Xử lý vấn đề này cần có những giải pháp tổng thể về nguồn lực, lộ trình, sự quan tâm của các địa phương, bộ, ngành… Về thể chế, chính sách, Bộ trưởng cho rằng, cần có hợp tác công tư - để đảm bảo nguồn xã hội hóa; ban hành đơn giá dịch vụ hợp lý để doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy xử lý nước thải; tăng cường công tác quan trắc giám sát…
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: media.quochoi.vn
Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khánh thành Trung tâm Tổng hợp xử lý dữ liệu và quan trắc kết nối với tất cả các địa phương và các vùng, nguồn xả thải lớn; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường.
Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về phục hồi các “dòng sông chết” do ô nhiễm trầm trọng, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, các sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu.. đang ô nhiễm nặng. Các dòng sông “chết” vừa do ô nhiễm, vừa không có dòng chảy.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. Ảnh: media.quochoi.vn
Thời gian qua, các địa phương và Bộ đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp xử lý nhưng chưa cải tạo hiệu quả vì các khu công nghiệp và làng nghề tiếp tục xả thải ra các dòng sông này cũng như chưa đủ nguồn lực xử lý.
Bộ trưởng cho rằng, các địa phương phải chung tay xử lý nước thải một cách đồng bộ. Giải pháp căn cơ là phải giữ được nước, có nước chảy tự nhiên với lưu lượng nước lớn, điều hòa được dòng chảy.
Bảo Hân - Hà Nội mới