Nhu cầu việc làm tăng trở lại

20/05/2020 15:05

Kinhte&Xahoi Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các đơn vị, doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh khiến thị trường lao động có nhiều chuyển biến tích cực.

Tìm việc online

Gắn bó với một doanh nghiệp chuyên kinh doanh thiết bị điện tử từ những ngày đầu thành lập, chị Nguyễn Hồng Lĩnh không thể ngờ mình lại rơi vào cảnh thất nghiệp nhanh như thế. Theo chị Lĩnh từ khi xuất hiện dịch, tình hình kinh doanh của công ty ảm đạm trông thấy, một số nhân viên được công ty cho nghỉ tạm thời, số còn lại đều phải giảm lương để duy trì công việc.

Ảnh minh họa

Đến đầu tháng 3, dịch bùng phát, khó để trụ vững nên công ty đã phải cho hầu hết nhân viên nghỉ việc, chỉ giữ lại một vài nhân viên chuyên để duy tu, bảo dưỡng máy móc cho khách hàng. Cuộc sống gia đình vẫn phải duy trì nên chị bắt buộc phải tìm việc khác.

Chị Lĩnh cho biết, sau khi thất nghiệp, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Tại đây, chị được tư vấn đăng ký tuyển dụng việc làm online và ngay sau đó, chị đã tìm được công việc mới. “Tôi không nghĩ mình lại được tuyển dụng ở thời điểm này. Có thể do người lao động ít đi tìm việc nên tôi lại thành người may mắn. Trong mùa dịch Covid-19, so với tìm việc trực tiếp, tìm việc online giúp hạn chế đến chỗ đông người, tiếp xúc với nhiều người, tránh được rủi ro lây dịch bệnh”, chị Lĩnh chia sẻ.

Dù công ty phải cắt giảm một nửa nhân sự, thế nhưng anh Nguyễn Tiến Dũng cũng không phải ở nhà quá lâu. Bắt đầu từ tháng 3, công ty cắt giảm nhân sự nhưng cũng chỉ một tuần sau đó, anh đã tìm được công việc mới. “Được tư vấn về tìm việc online tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tôi đã tìm được một công việc mới với chuyên ngành kế toán chỉ một tuần sau đó. Việc kết nối online do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội liên kết doanh nghiệp với người lao động. Phỏng vấn online tiết kiệm cho lao động rất nhiều thời gian và công đi lại”, anh Dũng cho biết.

Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất nhiều đến thị trường lao động. Bên cạnh các đơn vị, doanh nghiệp cắt giảm nguồn lực lao động thì cũng có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và sử dụng lao động.

Vẫn có nhiều doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng

Hiện nay, thị trường lao động đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu lạc quan. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hơn 10.000 chỉ tiêu, tập trung ở các lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi dịch Covid-19. Đối tượng tuyển dụng tập trung chủ yếu trong các ngành nghề: Kinh doanh, cơ khí điện, điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật,… Một số doanh nghiệp tuyển dụng với số lượng lớn. Chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh, người lao động có thể tham gia phỏng vấn trực tuyến với nhà tuyển dụng. Thay vì chuẩn bị nhiều bộ hồ sơ, ứng viên chỉ cần chụp hồ sơ gửi đến hòm thư điện tử của nhà tuyển dụng. Có hàng nghìn đầu việc đang chờ đợi ứng viên.

Còn theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 đến 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động. Như vậy, thị trường việc làm được kỳ vọng sẽ khởi sắc trong tương lai gần.

Cũng nhằm ứng phó với dịch bệnh và giúp người lao động ở nhà vẫn có thể tìm được việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết đang nghiên cứu để nâng cấp sàn giao dịch việc làm hiện có thành trang web Việc làm quốc gia. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trước mắt, trang web sẽ nghiên cứu để góp phần giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong điều kiện tránh tụ tập đến các Trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ; đồng thời tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động trong lúc đang bị giãn việc, ngừng việc,... do dịch bệnh Covid-19. Trang web sẽ kết nối: Sàn giao dịch việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn ngành nghề, trường nghề,… để có thể thích ứng với bối cảnh hiện nay.

Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search (Tập đoàn nhân sự Navigos), cho rằng, dịch Covid-19 tác động trong những khoảng thời gian nhất định và ảnh hưởng đến một số ngành nghề nhất định chứ không phải toàn bộ thị trường lao động, nên vẫn có thể lạc quan về cơ hội phục hồi của thị trường lao động trong thời gian tới.

Bà Mai phân tích, bên cạnh một số ngành nghề giảm tuyển dụng do dịch Covid-19, một số ngành khác lại có nhu cầu tuyển dụng tăng. Điển hình như, dịch bệnh nên người dân tăng cường mua sắm trực tuyến khiến các doanh nghiệp chuyển đổi hành vi mua sắm tại điểm bán sang đẩy mạnh phát triển các nền tảng mua sắm online, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến phát triển thương mại điện tử tăng. “Thời điểm này, quan trọng nhất là phải giữ gìn sức khỏe của cá nhân và cộng đồng theo đúng quy tắc phòng chống dịch bệnh của nhà nước. Người lao động nên tận dụng thời gian thấp điểm trong công việc để phát triển và nâng cao kiến thức, kỹ năng, đặc biệt thông qua học tập trực tuyến. Đối với lao động mất việc có thể chủ động tìm kiếm công việc mới thông qua website tuyển dụng trực tuyến”, bà Mai chia sẻ.

Theo ông Kazuki Kunimoto - CEO freeC (nền tảng tuyển dụng HRTech), dịch bệnh mang đến thách thức lớn song cũng là cơ hội cho cả doanh nghiệp tuyển dụng lẫn ứng viên tìm việc. Dịch Covid-19 chính là liều thuốc cao độ để các doanh nghiệp kiểm tra năng lực nhân viên, chọn lọc người giỏi. Sau khi dịch qua đi sẽ là lúc các doanh nghiệp tìm cách phục hồi mạnh mẽ và thị trường sẽ chứng kiến cuộc tuyển dụng số lượng lớn chưa từng có. “Thị trường công nghệ thông tin thiếu hụt 70.000 - 90.000 nhân sự mỗi năm, hiện lại càng “khát” lao động hơn sau khi nhiều chuyên gia nước ngoài không thể trở lại Việt Nam làm việc và các công ty gia công phần mềm gia tăng đơn hàng từ ngoại quốc. Thị trường thương mại điện tử và tiếp thị số hóa cũng chứng kiến “cú hích” tiêu dùng lớn khi người dân có tâm lý ngại mua sắm nơi đông người, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng tăng cao trong khi nguồn ứng viên còn hạn chế do ngành mới phát triển.”, ông Kazuki Kunimoto cho biết.

Tuy nhiên, việc kết nối giữa người sử dụng lao động và người lao động chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Kinh tế phục hồi phải có thời gian nên xu hướng cầu lao động sẽ tăng nhưng không phải cơ hội cho tất cả mọi người. Do đó, mỗi người lao động phải nỗ lực cao hơn, dù là lao động cũ nhưng phải đáp ứng được yêu cầu mới của sản xuất.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với hơn 10.000 chỉ tiêu, tập trung ở các lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi dịch Covid-19. Đối tượng tuyển dụng tập trung chủ yếu trong các ngành nghề: Kinh doanh, cơ khí điện, điện tử, kế toán, văn phòng, nhân viên kỹ thuật,…



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://laodongthudo.vn/nhu-cau-viec-lam-tang-tro-lai-108411.html/