Những việc không nên làm ngày mùng 1 Tết để cả năm may mắn

11/02/2021 10:20

Kinhte&Xahoi Tết là dịp để người Việt đón chào một năm mới với nhiều khởi đầu mới, may mắn. Tuy nhiên nhiều việc không nên làm để tránh cả năm may mắn.

Văn hóa truyền thống Việt Nam đã in sâu vào tiềm thức mỗi người dân từ ngàn đời nay. Tín ngưỡng, không gian văn hóa là món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi con người Việt Nam.Hàng năm, có rất nhiều dịp lễ hội, ngày rằm tháng 7, rằm tháng 8... mỗi ngày lễ là một phong tục lễ nghĩa, văn hóa thờ cúng khác nhau. 

Riêng đối với ngày mùng một Tết cổ truyền là ngày mà người dân Việt Nam ta kiêng kỵ rất nhiều vì nó sẽ ảnh hưởng đến cả 1 năm làm việc.

Theo quan niệm dân gian truyền miệng của người Việt Nam, những việc không nên làm ngày mùng 1 để cả năm may mắn là: 

Xông đất

Xông đất: Miền Bắc gọi là “xông đất”, nhưng miền Trung dùng đúng tên cổ tục này là “đạp đất”. Người Việt quan niệm ngày mồng Một Tết, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi.

Ảnh minh họa

Điều quan trọng nhất khi chọn người xông nhà đầu năm là người vui vẻ, rộng rãi, hạnh phúc thì gia đình được họ “xông” sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới.

Những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông đất ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

Quét nhà, đổ rác ngày mùng 1

Ảnh minh họa

Người xưa cho rằng quét nhà là việc đại kỵ trong ngày Tết nhất là vào ngày mồng 1. Theo quan niệm dân gian, việc quét nhà trong ngày Tết sẽ quét đi theo cả lộc xuân, gia đình sẽ bị xui xẻo. Tục này bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc ghi trong "Sưu thần ký". Theo đó, tục kiêng hót rác trong ba ngày đầu năm do người ta sợ hót mất thần tài ẩn trong đó đổ đi, sự làm ăn sẽ không phát đạt.

Cắt tóc

Theo quan điểm tâm linh của người Việt, cắt tóc hay móng tay, móng chân vào ngày mùng 1 đầu năm sẽ đem lại sự xui xẻo. Bởi tóc hay móng tay, móng chân là bộ phận của con người, không nên cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể trong những ngày đầu năm mới.

Một vài món ăn cần kiêng cữ

Nhiều món ăn của người Việt kiêng ăn vào đầu tháng (từ mùng 1 – 10 âm lịch), đặc biệt là ngày mùng 1 để tránh vận đen như: thịt chó, cá mè, thịt vịt, mực, xôi trắng. Tuy nhiên ở Việt Nam một số vùng không kiêng cữ cho những ngày đầu năm, thậm chí họ còn ăn thịt chó đầu năm mới và coi đó là một điều may mắn, tốt đẹp (điển hình như xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội, cả làng ăn thịt chó ngày mùng 4 tết)

Cho lửa, cho nước

Ảnh minh họa

Ngày mùng 1 Tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình, vì quan niệm lửa là đỏ là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng Một Tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió…

Cũng giống như lửa, nước là một trong những nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ nên người Việt Nam quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi "tiền vô như nước", và được ví như nguồn tài lộc của gia đình. Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự may mắn, mát lành. Cho nên, trước ngày đầu năm mới, nhà nào cũng lo đổ nước đầy bể, dự trữ nước đủ cho sinh hoạt trong những ngày Tết. Cho lửa, nước đầu năm có nghĩa là cho đi may mắn của gia đình.

Không làm đổ vỡ đồ dùng

Vào ngày đầu năm, người Việt đặc biệt cẩn thận trong việc sử dụng đồ đạc, đặc biệt là các vật dụng bằng thủy tinh, sứ dễ vỡ. Văn hóa dân gian truyền thống lâu nay luôn quan niệm việc làm rơi vỡ đồ vào năm mới không những không đem lại may mắn, mà còn tạo nên sự chia cắt, đứt lìa trong gia đình.

Không mặc quần áo màu đen - trắng

Với người Việt Nam, màu đen - trắng tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo màu đen hoặc trắng. Những ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc, tươi trẻ để mong muốn một năm mới may mắn, vui vẻ.

Không vay mượn đầu năm

Ngày đầu năm đều tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ. Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.

Kiêng có tang vào ngày mùng 1

Ngày mồng Một là ngày vui của tất cả mọi người nên những nhà nào có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng ba ngày, nếu có người mất đúng vào ngày mồng Một thì gia chủ sẽ không phát khăn tang ngay mà để sang sáng mồng Hai, còn nếu nhà có người mất vào ngày 30 thì gia chủ thường thực hiện tang lễ trong ngày hôm đó tránh để sang ngày mồng Một. Nhũng gia đình có tang tránh đi chúc Tết, thăm hỏi người khác.

Kiêng mua đồ xui

Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, mua gì đầu năm cũng là một việc rất quan trọng bởi nó là món hàng đầu tiên gia chủ mang về nhà. Món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Món hàng này mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn thực dụng. Đầu năm kiêng mua dao, thớt, chày, cối… Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng 1 với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị.

Đầu năm kiêng mua dao, thớt, chày, cối… Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng Một với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị. 

Không nói điều xui xẻo, gây tranh cãi, bất hòa

Ngày đầu năm là dịp để đón những khỏi đầu mới nên nhiều người tin rằng những lời nói trong ngày đầu năm sẽ ảnh hưởng đến cả một năm sau đó. Bởi vậy, mọi người nên nói những lời tốt đẹp để gặp được nhiều may mắn. Tránh những câu nói xui xẻo như "chết rồi", "hỏng thật"... sẽ khiến vận xui đeo bám cả năm.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, trong những giao tiếp thường nhật, mọi người thường cố gắng giữ hòa khí dù sự việc có khó chịu đến mức nào đi chăng nữa. Người lớn tránh trách mắng trẻ con, mọi người nhường nhịn nhau để một năm luôn vui vẻ, hạnh phúc, êm ấm.

*Thông tin trên bài viết chỉ mang tính tham khảo và chắt lọc từ văn hóa truyền thống của người xưa truyền miệng lại qua các đời và tồn tại đến ngày nay, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh các điều trên là đúng. Nó chỉ là nét văn hóa mang đậm tính nhân văn của dân tộc. Tuy nhiên, "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", chúng ta cũng nên tránh những điều như trên là tốt nhất. 

Linh Chi - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bản lĩnh và quyết tâm mang thương hiệu Hà Nội

Hà Nội cùng cả nước đã đi qua năm kế hoạch 2020, với nhiều thách thức, bất lợi do dịch Covid-19 gây ra. Tuy vậy, nền kinh tế Thủ đô vẫn gặt hái nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tạo dấu ấn trên bình diện quốc gia cũng như trong khu vực. Đó cũng là hành trang để chúng ta bước vào năm 2021, với khát vọng, mục tiêu cao hơn, sự quyết tâm, cải cách, bứt phá mạnh mẽ hơn.

Tập trung người lang thang trên địa bàn Hà Nội

Tập trung người lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội là chính sách nhân văn của thành phố Hà Nội, góp phần trợ giúp, động viên các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn. Trước thềm Tết đến, xuân sang, đối tượng người lang thang nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan chức năng và cộng đồng xã hội.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-viec-khong-nen-lam-ngay-mung-1-tet-de-ca-nam-may-man-d148197.html