Nợ cao gấp 4 lần vốn sở hữu, CC1 vẫn muốn vay hơn 2.600 tỷ từ trái phiếu

06/10/2021 16:43

Kinhte&Xahoi Đang gánh khoản nợ 7.653 tỷ đồng, cao xấp xỉ 4 lần vốn sở hữu, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) vẫn muốn vay hơn 2.600 tỷ đồng trái phiếu để triển khai các dự án điện, bất động sản.

Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (mã CK: CC1) vừa có nghị quyết về phương án phát hành tổng 2.650 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, cảo bảo đảm

Theo đó, trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 10%/năm, kỳ trả lãi 6 tháng/lần, được đảm bảo bằng quyền sở hữu, quản lý vận hành khai thác cao ốc Sailing Tower, được định giá hơn 3.650 tỷ đồng.

Được biết, CC1 còn dùng tài sản nói trên đảm bảo cho khoản vay tối đa 350 tỷ đồng của công ty tại Ngân hàng TMCP Nam Á.

Mục đích phát hành trái phiếu nhằm đầu tư/hợp tác kinh doanh và hợp tác cùng các công ty, dự án bất động sản khác để phát triển nhiều dự án bất động sản, dự án xây lắp, và chia thành 3 đợt phát hành.

Tòa cao ốc Sailing Tower. (Ảnh: Internet)

Đợt 1, CC1 dự kiến huy động 1.000 tỷ đồng để đầu tư dự án Điện gió Hàm Kiệm 2 (400 tỷ đồng) và dự án Chung cư lô số 2 - Giai đoạn 1 tại khu dân cư Hạnh Phúc (600 tỷ đồng).

Đợt 2, công ty dùng 800 tỷ đồng thu được đầu tư thi công xây lắp tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng và qua Thái Bình (250 tỷ đồng) vào làm tổng thầu EPC cho dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch (550 tỷ đồng).

Đợt 3 là 850 tỷ đồng còn lại sẽ dùng thi công loạt dự án bất động sản khác. Trong đó có tổng thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1.

Ngày phát hành dự kiến đối với đợt 1 là 1/10, 31/10 đợt 2 và đợt 3 sẽ vào ngày 30/11. Đơn vị đứng ra sắp xếp thương vụ là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Minh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Tổng công ty Xây dựng số 1 tiền thân là Tổng công ty Xây dựng Số 1 - TNHH MTV, một doanh nghiệp Nhà nước được thành lập năm 1979. Đến ngày 1/11/2016, tổng công ty đã cổ phần hóa chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả của CC1 ở mức 7.653 tỷ đồng

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng năm 2021, CC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.832 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 70 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 92 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù lợi nhuận tích cực song công ty lại đang gặp áp lực về dòng tiền. Trong 6 tháng đầu năm nay, dòng tiền kinh doanh và đầu tư của CC1 đều âm, lần lượt âm 640 tỷ đồng và âm 90,7 tỷ đồng.

Tính tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng tài sản của CC1 ở mức 9.580 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đã chiếm tới 4.154 tỷ đồng; hàng tồn kho 1.494 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, tổng nợ phải trả của công ty ở mức 7.653 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn đã chiếm tới 5.303 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 1.926 tỷ đồng, tương ứng chỉ bằng xấp xỉ 1/4 tổng nợ phải trả.

Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, việc nợ phải trả cao gấp 4 vốn chủ sở hữu có nghĩa nguồn vốn của công ty hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.

Nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.

Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát.

Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỷ lệ hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và ban lãnh đạo chỉ giỏi phân bổ vốn trong rất ít ngành nghề, không lường trước rủi ro sụt giảm.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.

Đồng thời, Vụ Tài chính ngân hàng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật. 

Văn Thành Nhân - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội và tinh thần Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19

Đã 76 năm trôi qua, dư âm chiến thắng của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn vang vọng trong lòng nhiều người dân Thủ đô. Thành công của Cách mạng Tháng Tám cho đến ngày hôm nay vẫn để lại nhiều bài học quý báu, để từ đó, thế hệ sau vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Chung dòng chảy đó, Hà Nội cũng đã linh hoạt vận dụng những bài học từ Cách mạng Tháng Tám trong cuộc chiến cam go không kém trong lịch sử- cuộc chiến với “giặc" Covid-19

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/no-cao-gap-4-lan-von-so-huu-cc1-van-muon-vay-hon-2600-ty-tu-trai-phieu-179521.html