Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV đã qua đời
Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, quê ở Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Tính đến ngày 1/9/2016, ông Trần Bắc Hà đã có thời gian làm việc và gắn bó với ngân hàng BIDV 35 năm. Còn tính thời gian ngồi "ghế nóng" trên cương vị Chủ tịch BIDV, ông Hà có thời gian 8 năm, 8 tháng.
Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Trần Bắc Hà được biết đến là một trong những "lão tướng", với nhiều phát ngôn gây chú ý trong dư luận. Ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).
Ngày 29/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng vụ án, ngày 8/1/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/C03-P13 về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Thành, Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.
Theo đó cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định khởi tố đối với bị can Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015, với hành vi sai phạm liên quan đến việc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng.
Đến cuối tháng 3/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét nơi ở, lệnh bắt tạm giam Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà.
Ông Trần Duy Tùng (34 tuổi), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú (trụ sở TP Quy Nhơn) bị khởi tố để điều tra về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Ông Tùng bị khởi tố do liên quan đến các sai phạm tại dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (trụ sở TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư.
Dự án này được triển khai vào tháng 4/2015 và dự kiến đi vào kinh doanh từ năm 2017.
Với quy mô dự án lên tới 254.200 con bò/năm, triển khai trên diện tích 2.163,5 ha ở hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh, tạo việc làm cho khoảng 3.000-4.000 lao động.
Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, dự án không hiệu quả, đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, để lại nhiều hệ lụy. Từ quy mô 254.200 con bò, nay dự án này chỉ còn chưa đầy 1.000 con, tương đương với số bò mà người dân nuôi rải ra. Bên cạnh đó dự án còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
(Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại)