Trong khi nhiều người vẫn chọn “ngắm trăng qua cửa sổ”, cập nhật tình hình đón Trung thu của mình trên mạng xã hội bằng những bức ảnh hiển thị không gian tĩnh mịch, đơn giản của gia đình với ánh trăng mờ ảo xa xa thì một bộ phận người Hà Nội đã nhào ra đường. Hình ảnh mâm cỗ Trung thu nhỏ xinh trong nhà và vầng trăng cao tít ngoài song cửa đối lập hẳn với khung cảnh chen lấn, đông đúc, nghẹt thở tại một số khu phố trung tâm; Đặc biệt là phố cổ, hồ Gươm, Hàng Mã, nơi nhiều năm qua tập trung những hoạt động đón rằm tháng Tám truyền thống của Hà Nội.
Hình ảnh một bộ phận người Hà Nội lao ra đường đón Trung thu làm phố phường đông đúc, tắc nghẽn rất dễ lây nhiễm, phát tán dịch bệnh
Một bên cho thấy, ý thức của đại bộ phận người dân Hà Nội vẫn rất cao, không nóng vội, không bí bách, không bất chấp. Gần hai tháng giãn cách càng khiến họ thấu hiểu hơn giá trị của bình thường. Để cuộc sống thực sự yên ổn trở lại thì phải sạch bóng F0 trong cộng đồng, phải khống chế được các ổ dịch, phải là đi đến đâu cũng thoải mái, an toàn, đi đến đâu cũng không bị cộng đồng lên án, lo ngại.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh thành khác, những con số tử vong, sự lây lan bùng phát dữ dội mà rất vất vả, khó khăn vẫn chưa dẹp yên được khiến người Hà Nội không muốn điều tương tự xảy ra tại nơi mình đang sống. Gần hai tháng rào ngõ chặn ngách, bế quan tỏa cảng trong không gian hẹp nhất có thể để bảo vệ bản thân và cộng đồng, dù được thành phố hết sức tạo điều kiện nhưng không thể nói là không có ít nhiều bất tiện.
Thấu hiểu điều đó, người Hà Nội không muốn sớm phải quay lại cảnh giãn cách ấy nữa. Họ cũng ngấm và thấm rằng, thà “cẩn tắc vô áy náy” còn hơn là phải chịu đựng những hậu quả nặng nề hơn, trả giá bằng tính mạng bản thân, gia đình và những người xung quanh. Do đó, họ không vội vàng lao ra đường, hạn chế tụ tập đám đông.
Ngay cả tại những con ngõ vùng xanh quen thuộc, biết chắc hai tháng nay mọi người không đi đâu, không tiếp xúc ca bệnh, đều đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine Covid-19 rồi nhưng phần đa người dân vẫn dè dặt, ai ở nhà nấy, có việc gì ra ngõ vẫn khẩu trang kín mít.
Sự cẩn thận ấy không thừa, khi mà trong đợt xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng vẫn phát hiện ra những ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây. Đâu phải sự kiện trọng đại gì trăm năm mới có một lần, trăng tháng Tám năm sau lại tròn, Trung thu vẫn lại về trong tiếng trống ếch, tiếng múa lân rộn ràng nếu dịch bệnh thực sự được khống chế.
Người lớn không biết giữ cho mình, còn không biết giữ cho cả trẻ con
Biết rằng, với nhiều người, hai tháng ở nhà cũng khiến tâm lý muốn “xả hơi” nhưng có nhất thiết cứ phải lao vào chỗ đông như đi hội, như chưa hề có cuộc giãn cách, như dịch bệnh ở tận nơi nào xa xôi? Những hình ảnh được báo chí, mạng xã hội đưa lên trong đêm rằm tháng Tám vừa qua làm đa phần người ngồi nhà tá hỏa, lo ngại, phẫn nộ.
Tài khoản Hiếu Giang không giấu nổi nỗi lo lắng: “Nhìn biển người nô nức hân hoan đổ ra đường vui Tết Trung thu. Bỗng dưng em cảm thấy bầu không khí của những ngày nghỉ Tết Nguyên đán đang cận kề...”. Nhiều người đồng tình với anh, bởi lẽ, nếu chỉ cần người dân sơ sẩy, để tình hình thế này tiếp diễn thì khả năng tiếp tục những đợt giãn cách tiếp theo đến Tết Nguyên đán là điều khó tránh khỏi.
Nếu cứ tiếp tục tiếp diễn những “đêm Trung thu” như đêm qua, chỉ vì chút thiếu kiềm chế của bản thân mà để xảy ra làn sóng dịch bệnh tiếp theo thì là cái giá quá đắt mà chúng ta phải trả.
Tài khoản Pham Thanh Ha đanh thép viết: “Mình chỉ là một công dân bình thường của Thủ đô. Điều mình mong muốn nhất là cuộc sống bình thường. Bởi vậy mình hết sức tuân thủ mọi yêu cầu của chính quyền để mong trở lại cuộc sống bình thường.
Hôm nay, 22/9/2021, mình xin nhờ tất cả các bạn bè trong FB của mình - những ai đã xuống đường vui Trung thu, góp phần tạo nên biển người của phố phường Hà Nội ngày hôm qua: Làm ơn hãy UNFRIEND - UNFOLLOW mình ngay lập tức!
Khi chúng ta không có cùng nhận thức thì không nhất thiết gò ép nhau kết giao bạn bè làm gì.
Hãy nghĩ đến sinh mạng, mồ hôi, nước mắt của những người ngày đêm đang oằn mình chống dịch, trong đó có một phần đóng góp ở yên một chỗ của mình; Hãy tiết chế bớt những nhu cầu của bản thân nghĩ đến cộng đồng nhiều hơn.
Mình chỉ có 1.369 người bạn, được cân nhắc cẩn thận khi kết bạn nhưng cũng sẵn sàng chỉ cần 1, 3, 6 hoặc 9 người bạn có cùng cách nghĩ với mình.
Stop here - Việt Nam nói là làm!”.
Nếu chẳng may trong đám đông mà có F0 thì hậu quả thực sự đáng lo ngại
Nhà báo Ngô Bá Lục cũng lên án gay gắt: “Hà Nội ngày hôm qua vẫn có tới 12 ca mắc… Chúng ta đã thực sự báo động đỏ về sức người sức của, lỡ giặc Covid nó quay lại Thủ đô (mà đúng ra là nó vẫn đang tồn tại ở đây, chỉ là ít thôi, sáng nay cũng vẫn có 1 ca mắc mới) thì chúng ta sẽ làm thế nào khi mọi thứ từ vật chất, sức lực đến tinh thần đều đã cạn???
Nhà em 2 đứa trẻ suốt hơn 2 tháng qua chưa ra khỏi nhà một ngày. Chúng nó là con trai, lại vốn là những đứa trẻ hiếu động, thích thể thao và rất nghịch. Tuy nhiên, chúng ý thức được hậu quả của Covid-19 và vui vẻ chấp nhận ở nhà mà chưa một lần đòi hỏi ra ngoài. Nhà em cũng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng hôm qua vẫn không có mảy may chút suy nghĩ là ra đường đón Trung thu hay xả hơi xả khói gì cả, dù nhu cầu vẫn có. Đơn giản là, chúng ta đang thực hiện Chỉ thị 15, mà trong đó có quy định, tụ tập ngoài trời không quá 10 người và mỗi người phải cách nhau 2 mét.
Vâng, em cũng chả phải thánh thần và nhu cầu được đi chơi, đi dạo là cũng bình thường như bất cứ ai nhưng em đơn giản chỉ là chấp hành Chỉ thị của Chính phủ thôi. Bởi vì, nếu nhà em ra đường tối Trung thu, em chắc chắn 100% rằng nhà em vi phạm chỉ thị. Bởi ai cũng nghĩ như nhà em là sẽ chấp hành tốt nhưng khi cả làng đổ ra đường thì sao mà giãn cách 2 mét được, đến đèn đỏ sao mà thực hiện được việc tụ tập không quá 10 người. Cho nên xác định ra đường nghĩa là vi phạm Chỉ thị 15, nên em lựa chọn ở nhà.
Chúng ta đã quá mệt mỏi vì con Covid-19 này, nó không khác gì bị giặc chiếm đóng vì đúng là mọi sinh hoạt đời sống, tài chính, sức khỏe và ngay cả mạng sống của chúng ta, đều bị con Covid-19 điều khiển, có khác nào thời bị giặc ngoại xâm đô hộ đâu. Thế nên, thành quả chống dịch của chúng ta cũng giống như thành quả cách mạng thời chiến và nó cũng vẫn mong manh và hoàn toàn bị xô đổ bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan”.
Anh nhắn nhủ: “Cho nên, Ý THỨC CON NGƯỜI vẫn là một trong những yếu tố chủ chốt, quan trọng nhất trong cuộc chiến chống đại dịch này. Bởi ngay kể cả khi chúng ta đã tiêm 2 mũi vắc xin thì vẫn có thể bị nhiễm virus và lây cho người khác. Vì thế, ngay cả khi chúng ta đã được trang bị thứ vũ khí mạnh mẽ là vắc xin thì chúng ta vẫn luôn cần phải có Ý THỨC để bảo vệ sức khoẻ bản thân và cộng đồng”.
Mỗi người Hà Nội hãy dùng ý thức của mình để cùng chính quyền chống dịch
Chữ “ý thức” được nhà báo Ngô Bá Lục trân trọng viết hoa, nhấn mạnh nhiều lần. Đó cũng chính là điều mà tất cả chúng ta đều nên suy nghĩ, trân trọng và thực hiện trong lúc này, đừng nghĩ đó là việc của người khác. Mới chỉ ngày đầu tiên mà đã không biết sợ hãi như vậy thì những ngày sau, ngày sau nữa sẽ ra sao? Nếu bùng phát dịch trên diện rộng thì chúng ta sẽ ra sao?
Câu hỏi ấy, mỗi người đều nên tự hỏi mình. Vì cuộc chiến này không của riêng ai, không cho phép ai được đứng ngoài cuộc cũng không cho phép ai được phá hoại thành quả của người khác dựng xây. Vì vậy, mỗi người Hà Nội hãy cảnh giác cao độ, xốc lại tinh thần chiến đấu hơn nữa. Có như thế, ngày chúng ta thoải mái hòa vào cuộc sống bình thường mới thực sự đến gần.
Ngọc Hân - TTTĐ