Giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua
Ngày 23/3/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Công thương, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, điều hành giá xăng dầu; Bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu phải sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), góp phần cân đối cung cầu phục vụ thị trường trong nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; Kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những vướng mắc vượt thẩm quyền.
Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 160/CĐ-TTg bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tại công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đồng thời, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan chủ động điều hành giá xăng dầu theo thẩm quyền và quy định, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 16/3, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chia sẻ làm rõ hơn về vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu thời gian qua.
Theo lãnh đạo Chính phủ, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là một trong những mặt hàng có tác động rất lớn tới các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát.
Do đó, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, nghị định để quản lý mặt hàng quan trọng này. Hiện có đầy đủ công cụ pháp lý để quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, cho đời sống.
Nhấn mạnh tinh thần điều hành là bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống, giá cả vận hành theo cơ chế thị trường nhưng có kiểm soát, điều tiết của nhà nước để bảo đảm vĩ mô, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có giải pháp đối với cả 3 lĩnh vực là sản xuất, nhập khẩu và phân phối.
Về sản xuất, hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng sản lượng lên 105% và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng cam kết tăng công suất trở lại. Về nhập khẩu, Bộ Công thương đã có văn bản giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
"Về sản xuất và nhập khẩu thì chúng ta đã kiểm soát, bảo đảm cho cơ số dự trữ khoảng 2-3 tháng cho xăng dầu", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho biết, Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ, các cơ quan pháp luật làm rõ việc dự trữ xăng dầu có bảo đảm đúng quy định như trong Nghị định mà Chính phủ đã ban hành hay không.
"Trước việc đóng cửa một số cửa hàng như vậy thì phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm và xử lý cho bằng được", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng làm rõ vấn đề mức chiết khấu xăng dầu bằng 0 giữa một số thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ xăng dầu, một lý do mà các cây xăng đóng cửa.
Về vấn đề điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng cho biết, bảo đảm theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất, kinh tế vĩ mô.
Với tinh thần đó, Chính phủ đã thực hiện một loạt giải pháp như sử dụng Quỹ bình ổn giá, đã có nghị quyết báo cáo cấp có thẩm quyền để giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Bên cạnh đó, nếu giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thì có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng để bảo đảm sao cho sản xuất ổn định, giá cả ổn định.
"Tinh thần là vừa điều hành theo cơ chế thị trường nhưng vừa phải bảo đảm kinh tế vĩ mô, sản xuất, đời sống và an sinh xã hội", Phó Thủ tướng nói.
Hậu Lộc - TTTĐ