Du khách tham quan các di tích tại Thủ đô Hà Nội được phát khẩu trang, nước sát khuẩn tay miễn phí nhằm phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Nhật Nam
Khách yên tâm, thoải mái khi đến Hà Nội
Theo kế hoạch, vào cuối tháng 2-2020, anh Kyungmin Song (27 tuổi, du khách Hàn Quốc) sẽ có một tuần khám phá Thủ đô. Do dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc, những người đi từ vùng dịch đến Việt Nam phải thực hiện cách ly y tế để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Vì thế, anh Kyungmin Song phải thực hiện cách ly tại homestay 24B Lý Quốc Sư - nơi anh đặt phòng từ trước. “Hiện tôi đã thực hiện cách ly được 12 ngày theo yêu cầu của Bộ Y tế và thành phố Hà Nội. 12 ngày cách ly quả là quãng thời gian rất dài, song tôi thấy thoải mái vì được chăm sóc, phục vụ tận tình. Mọi nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, giải trí đều được đáp ứng. Việt Nam đã làm rất tốt việc cách ly vì sức khỏe của người dân và du khách. Khi hết thời gian cách ly, nhất định tôi sẽ dành thời gian tìm hiểu đất nước của các bạn”, anh Kyungmin Song chia sẻ.
Mặc dù đến Hà Nội vào lúc thành phố đã ghi nhận các ca nhiễm Covid-19, song đoàn du khách Anh vẫn cảm thấy yên tâm, thoải mái khi tham quan tại đây, bởi các biện pháp phòng dịch được tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc. Ông Chris Holtmann (65 tuổi) cho biết, đoàn luôn nhận được sự chăm sóc chu đáo, sự hướng dẫn ân cần từ các hướng dẫn viên, đội ngũ phục vụ tại khách sạn và các điểm đến. “Chúng tôi ấn tượng về các dịch vụ và cách mà các bạn đang thực hiện để bảo vệ du khách”, ông Chris Holtmann nói. Được biết, khách sạn Matilda Boutique Hotel & Spa (Mã Mây), nơi mà đoàn khách người Anh lưu trú đã ban hành quy định cấm nhân viên tỏ thái độ kỳ thị với khách đến từ quốc gia có dịch. Nhân viên phục vụ được yêu cầu nhắc nhở khách thường xuyên về các biện pháp phòng, chống dịch như xịt khử trùng sát khuẩn tay khi ra, vào khách sạn; đồng thời cung cấp thông tin để du khách đi lẻ tránh đến những nơi có nguy cơ lây nhiễm.
Về phía các đơn vị kinh doanh du lịch cũng đã thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của thành phố. Chị Bùi Hằng, chủ homestay 24B Lý Quốc Sư cho biết, chị luôn yêu cầu nhân viên ứng xử với khách thực hiện cách ly như đối với người thân. Hằng ngày, các nhân viên thay nhau gọi điện động viên, hỏi thăm sức khỏe của khách. Tương tự, anh Nguyễn Tất Thành, chủ khách sạn Sunline (phố Bảo Khánh) cho hay, 3 khách Italia và 1 khách Hàn Quốc vừa thực hiện xong thời gian cách ly 14 ngày tại cơ sở lưu trú của anh. Khách sạn yêu cầu tất cả nhân viên phải thể hiện sự chuyên nghiệp, phục vụ chu đáo để cả khách thực hiện cách ly và khách lưu trú bình thường đều cảm thấy thoải mái, không lo lắng hay cảm thấy mình bị phân biệt đối xử.
Để khách du lịch quốc tế có được sự yên tâm, thoải mái như trên, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, ngành Du lịch thành phố luôn yêu cầu các đơn vị lữ hành, lưu trú, vận chuyển đặt nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho khách lên hàng đầu, ứng xử văn minh, không được có thái độ kỳ thị, bỏ mặc khách. Tất cả cán bộ, nhân viên ở các khu, điểm du lịch đều được trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ và hỗ trợ du khách cách phòng, chống dịch.
Cùng cộng đồng trách nhiệm
Du khách quốc tế đến Thủ đô được hướng dẫn sử dụng và phát khẩu trang miễn phí tại Ga Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cơ sở lưu trú đã chia sẻ khó khăn với du khách, thể hiện trách nhiệm chung tay phòng, chống dịch bằng nhiều hình thức. Homestay 24B Lý Quốc Sư giảm 70% giá thuê phòng cho vị khách Hàn Quốc thực hiện cách ly tại đây. Một số khách sạn lớn như: Pullman, Metropole, Movenpick, La Siesta… có đông khách nước ngoài lưu trú hoặc có khách thực hiện yêu cầu cách ly đã tăng cường trang thiết bị y tế để bảo vệ khách; cung cấp dịch vụ tốt nhất để khách yên tâm khi lưu trú. Chủ homestay 24B Lý Quốc Sư Bùi Hằng cho biết: “Dù cơ sở lưu trú gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi hiểu rằng đây là lúc cần phải chia sẻ với du khách, thể hiện trách nhiệm với công việc chung của thành phố. Đó cũng là cách để khách thêm yêu Hà Nội và trở lại những lần sau”.
Các công ty lữ hành, vận tải của Hà Nội cũng thực hiện giải pháp đồng bộ về phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị lữ hành như Hanoitourist, Vietrantour, Hanoi Redtour… tổ chức khai báo y tế, công khai lịch trình của du khách và yêu cầu tất cả hướng dẫn viên phải theo dõi sát tình hình sức khỏe của khách. Còn các công ty vận chuyển của Hà Nội, như: Xí nghiệp xe buýt Yên Viên (Tổng công ty Vận tải Hà Nội) - đơn vị vận hành tuyến xe buýt hai tầng “Ha Noi City Tour”; các công ty vận chuyển như Minh Việt, Quảng An, Phong Hà… thực hiện nghiêm túc việc khử khuẩn, yêu cầu toàn bộ nhân viên, lái xe đeo khẩu trang khi phục vụ du khách, thường xuyên lau chùi nội thất xe. “Chúng tôi muốn du khách luôn cảm thấy an toàn, hài lòng với dịch vụ của mình. Để làm được điều này, cần có sự chung tay, chia sẻ trách nhiệm của toàn đơn vị”, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist nói.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc các doanh nghiệp, công ty lữ hành cùng nhau chia sẻ khó khăn chung, ứng xử văn minh góp phần tạo niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách là hết sức cần thiết. "Nét văn minh, thân thiện, đạo đức kinh doanh không chỉ thể hiện ở việc giảm giá dịch vụ, mà còn thể hiện qua thái độ phục vụ cũng như những giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch. Đó chính là cách để ngành Du lịch Thủ đô xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy ý muốn quay trở lại của du khách, góp phần giúp du lịch Hà Nội nhanh chóng tìm lại đà tăng trưởng sau khi hết dịch", Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải khẳng định.