Cù Lao Chàm có diện tích khoảng 15,5km2, cách bờ biển Cửa Đại 18 km về hướng Đông – Đông Bắc
Nói không với rác thải nhựa
Là địa bàn du lịch đang được du khách yêu thích, đồng thời lại nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới nên việc bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường là yếu tố quyết định cho sự phát triển của Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An).
Những năm qua, chính quyền xã đảo Tân Hiệp tập trung nhiều nguồn lực và linh hoạt trong các biện pháp chỉ đạo thực hiện để triển khai xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường.
Khởi nguồn từ một phong trào hưởng ứng ngày “nói không với túi ni lông” vào năm 2009, sau 12 năm thực hiện, đến nay Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An (Quảng Nam) là địa phương duy nhất thực hiện thành công “Nói không với túi ni lông” và hiện cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước cam kết nói không với ống hút nhựa.
Các tình nguyện viên nước ngoài tham gia nhặt rác trên đảo
Người dân đồng lòng cùng với chính quyền thực hiện “nói không với túi ni lông” với các hoạt động: phân loại rác tại nguồn, xách giỏ đi chợ, làm phân hữu cơ tại hộ gia đình... người dân, tiểu thương sử dụng các vật liệu sinh thái, thân thiện với môi trường trong đó sử dụng túi giấy, túi lưới, rổ rá để đi chợ; dùng các loại lá như lá chuối, lá môn, lá bàng, các loại lá có trên đảo để gói hàng hóa thay túi ni lông, tất cả đều “Vì một xã đảo xanh - sạch - đẹp”.
Đặc biệt, ý thức chấp hành của người dân được nâng cao, phần lớn hình thành thói quen không dùng túi nylon, không sử dụng giỏ nhựa để đi chợ, thay vào đó dùng các loại túi thay thế để đựng thực phẩm.
Ngoài ra, để làm sạch rác thải khó phân hủy trên đảo, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) kết nối với Công ty TNHH Tư vấn Mãi mãi xanh Labs (Evergreen Labs) phối hợp với chính quyền TP.Hội An, Ban quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng nhau tìm biện pháp xử lý rác bền vững trên đảo.
Cù Lao Chàm trở thành hình mẫu về điểm đến không rác thải nhựa
Từ phong trào đến chiến dịch
Theo chính quyền xã Tân Hiệp, kiên trì làm từng bước, từ vận động, thuyết phục kết hợp xử phạt, người dân cũng được tạo điều kiện để phát triển sinh kế, hướng dẫn làm du lịch đi liền với bảo vệ môi trường cảnh quan.
Các doanh nghiệp du lịch cũng thể hiện trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện, nhắc nhở du khách tham gia, nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong và ngoài thành phố cũng nhiệt tình đóng góp tài trợ các loại túi sinh thái thay thế túi ni lông với số lượng lên đến hàng ngàn chiếc.
Người dân thu gom và phân loại rác trên đảo
Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền tại khu dân cư, Ban Quản lý Khu bảo tổn biển Cù Lao Chàm còn làm việc với chủ ca nô đưa nội dung cuộc vận động không sử dụng túi ni lông vào nội dung hướng dẫn du khách khi bước chân lên đảo, kiểm soát ngay tại điểm xuất bến. Đến nay, người dân trên hòn đảo du lịch này đã nói không với túi ni lông, loại vật dụng tưởng chừng “không thể nào thiếu” này.
Tại Cù Lao Chàm, các loại rác hữu cơ được bỏ vào thùng riêng, TP Hội An tổ chức xe môi trường đi thu gom theo ngày luân phiên, các ngày trong tuần được chia ra và xe thu gom rác cũng có màu nhận diện để người dân nhận biết ngày nào gom rác hữu cơ, ngày nào gom rác thải khó phân hủy. Nguồn rác này sau đó được đưa về nhà máy rác và tiếp tục đi theo quy trình, rác hữu cơ được ủ thành phân để tái sử dụng.
Công tác quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái biển tại Cù Lao Chàm được đánh giá tốt nhất Việt Nam
Để giảm thiếu tối đa rác thải, Ban quản lý khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã thành lập tổ chuyên phân loại, truy tìm nguồn rác thải, từ đó biết được nguồn gốc để đưa ra phương án bảo vệ hữu hiệu.
Trong những năm gần đây, Cù Lao Chàm đã thu hút rất đông khách du lịch, theo đó 85% người dân trước đây làm nghề đánh bắt, khai thác thủy hải sản nay đã chuyển đổi làm du lịch, dịch vụ trên đảo với thu nhập bình quân đầu người vào nhóm cao nhất vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, sau rất nhiều cố gắng, Cù Lao Chàm đã khôi phục và bảo tồn được loài rùa biển quý, theo đó, chính quyền TP Hội An đã chọn phía Đông Bắc đảo Cù Lao Chàm với 30% diện tích là phân vùng nghiêm ngặt biển để thiết lập, quản lý, bảo vệ khu vực sinh sản và sinh cư của rùa biển.
Người dân khai thác thủy sản cũng đã chuyển sang vùng biển khác để rùa có thể từ biển bơi vào đẻ trứng. Đây là một chủ trương thể hiện quyết tâm của TP Hội An trong việc tập trung nâng cao nguồn lực và năng lực cho công tác quản lý, bảo tồn các hệ sinh thái biển trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, đa dạng sinh học tại Cù Lao Chàm.
Cù Lao Chàm có diện tích khoảng 15,5km2, cách bờ biển Cửa Đại 18 km về hướng Đông – Đông Bắc, có hơn 3000 người sinh sống trên đảo, sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, khai thác du lịch tập trung tại khu vực là Hòn Lao. Nằm cuối hạ lưu sông Thu Bồn, Cù Lao Chàm luôn hứng chịu một lượng rác thải lớn trôi theo nước tấp vào đảo, đặc biệt trong mùa mưa lũ. |
Hà My - Đoàn Minh - TTTĐ