Chiều 28/9, Hội nghị giao ban quý III/2022 giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP với lãnh đạo quận, huyện, thị xã, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đã báo cáo tình hình thực hiện và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển Khu công nghiệp (KCN), Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn TP.
10 KCN thu hút 711 dự án
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo tại hội nghị
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, đến nay TP có 10 KCN đã thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất 1.347,4ha. Trong đó, có 9 KCN với diện tích 1.270,5ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%; KCN hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1 với diện tích 76,9ha đã hoàn thiện hạ tầng và thu hút được 2 dự án.
Các KCN đã thu hút được 711 dự án đang hoạt động. Trong đó, có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD; 404 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho gần 166.000 lao động với thu nhập ổn định.
Có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại các KCN. Ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN chủ yếu tập trung vào các ngành nghề chính như: Điện - điện tử chiếm 50%; Công nghiệp cơ khí chế tạo 25%; Các ngành công nghiệp khác 25%... Điều này, góp phần thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp đang được ưu tiên của TP.
Đối với việc triển khai CCN, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, tính đến tháng 9/2022, TP đã và đang triển khai thực hiện 105 CCN với tổng diện tích 2.344ha (bình quân 22ha/cụm) và phân bố tại 19 quận, huyện, thị xã.
Trước Nghị định số 68/2017/NĐ-CP có hiệu lực, trên địa bàn TP đã hình thành 74 CCN với tổng diện tích theo quy hoạch 1.896ha. Trong đó có 70 CCN đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch 1.686ha và 4 CCN vẫn đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chưa đi vào hoạt động với diện tích 210,249ha.
Trong 70 CCN đang hoạt động có 49 CCN phù hợp với quy hoạch tiếp tục đưa vào quy hoạch để tiếp tục hoạt động, phát triển và 21 CCN không phù hợp quy hoạch được giữ nguyên hiện trạng để hoạt động, từng bước có lộ trình để chuyển đổi trước năm 2030. Hiện các CCN đang hoạt động ổn định và có xu hướng tiếp tục phát triển, thu hút được 4.169 hộ sản xuất, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh, thu hút gần 80.000 lao động.
Một số ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của các cơ sở sản xuất đang hoạt động tại các CCN bao gồm: Sản xuất vật liệu xây dựng và trang trí nội thất, sản xuất và chế biến thực phẩm (chiếm 14,53%), sản xuất gia công cơ khí (chiếm 20,86%)...
Các KCN,CCN đã “trên bệ phóng” thuận lợi
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN, CCN theo kế hoạch, Ban cán sự Đảng UBND TP đề nghị Thành ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp như: Tập trung đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hà Nội thực hiện rà soát, lập phương án phát triển các KCN, CCN giai đoạn 2021 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của TP theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, TP tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng theo quy định để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN.
TP chỉ đạo Chủ đầu tư, các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào KCN, CCN; Chỉ đạo các Sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác giám sát đầu tư nhằm phát hiện và kịp thời xử lý các sai phạm về đất đai, xây dựng, môi trường…. tạo môi trường đầu tư ổn định, lành mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: Phát triển kinh tế nói chung và hạ tầng phục vụ sản xuất được TP đặc biệt quan tâm, nên việc phát triển KCN,CCN hết sức cần thiết, tạo nguồn thu ngân sách. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2045, thu nhập bình quân đạt 36 nghìn USD/người, như vậy trong 10-15 năm tới cần phát triển hạ tầng sản xuất để đạt mục tiêu đặt ra.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP, trong hơn 10 năm qua việc phát triển KCN,CCN chậm, tuy nhiên sau đại dịch, từ khi bắt đầu phục hồi kinh tế cùng sự chỉ đạo của Chính phủ, Thành uỷ, UBND TP nên các KCN, CCN đã “trên bệ phóng” thuận lợi để phát triển. Sở Quy hoạch Kiến trúc và các Sở, ngành đã và đang tập trung giải quyết các vướng mắc. Trong đó, liên quan vướng mắc giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết còn một só điểm nhỏ liên quan đến di chuyển mồ mả, vì vậy đề nghị các quận, huyện quan tâm để không bị kéo dài.
Huy Dương - TTTĐ