Lâu nay, nhiều người vẫn đang nhầm lẫn và đánh đồng khái niệm trò chơi điện tử (game) được du nhập vào Việt Nam với thể thao điện tử (ESports) cách đây 20 năm. Trước hết phải khẳng định thể thao điện tử là một phần của thể thao số đang phát triển một cách rầm rộ trên thế giới với những quy định chơi chặt chẽ, phát triển thể chất người chơi, được tổ chức nhiều giải đấu quốc tế.
Thể thao số, xu thế mới
Tại Thượng Hải (Trung Quốc) vừa khởi công một trung tâm thể thao điện tử với chi phí xây dựng khoảng 900 triệu USD, với một nhà thi đấu 6.000 chỗ, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023. Với việc 1/5 dân số Trung Quốc hiện nay hào hứng tham gia Esports, người ta đang kỳ vọng biến Bắc Kinh thành “kinh đô của thể thao điện tử” thế giới.
Với việc 1/5 dân số Trung Quốc hiện nay hào hứng tham gia Esports, người ta đang kỳ vọng biến Bắc Kinh thành “kinh đô của thể thao điện tử” thế giới. Ảnh VIRESA
Tại Việt Nam, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (viết tắt VIRESA) được thành lập theo Quyết định số 42/QĐ-BNV ngày 13 tháng 01 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhằm giúp bộ môn thể thao này hướng đến việc chuyên nghiệp hóa theo chuẩn quốc tế.
Chủ tịch VIRESA Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Với nhiều tiêu chuẩn khắt khe, trong hàng triệu trò chơi điện tử trên nền tảng internet, hiện nay, trên thế giới chỉ chọn lựa được khoảng 10 trò chơi được công nhận là bộ môn thể thao điện tử. Có thể kể đến Liên quân Mobile, Liên minh huyền thoại, PUBG Mobile, Fifa Online...ESports luôn đề cao tính kỷ luật, sáng tạo, tư duy logic của người chơi”.
Để trở thành vận động viên ESports không hề đơn giản điều đó, ngoài sức khỏe, độ khéo léo và nhanh hẹn còn cần có tư duy, phản xạ. Phải trải qua quá trình đào tạo chuyên nghiệp, khắt khe từ cấp độ thấp lên cao các vận động viên mới có thể thi đấu quốc tế. Phần lớn các vận động viên đều tập luyện, sinh hoạt tập trung ở “Gaming house” với các giáo án luyện tập căng thẳng không kém các bộ môn thể thao khác như bóng đá, điền kinh, bơi lội.
Đội tuyển 496 Gaming đoạt HCĐ tại SEA Games 30. Ảng GTV
Đổi màu huy chương
Tại SEA Games 30 ở Phillipines, Esports sẽ lần đầu tiên góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất của Đông Nam Á. 6 bộ môn được chủ nhà Phillipines tuyển chọn thi đấu tại SEA Games 30 bao gồm: Dota 2, Liên Quân Mobile, Mobile Legends: Bang Bang, Tekken, StarCraft II và Hearthstone.
Chủ nhà Philippines đã dẫn đầu bảng xếp hạng với 3 tấm huy chương Vàng ở những bộ môn Dota 2, StarCraft 2 và Mobile Legends. Xếp ngay sau là đội tuyển Thái Lan với 2 tấm huy chương Vàng ở bộ môn Liên Quân Mobile và Tekken 7. Đứng thứ 3 là đội tuyển Malaysia với tấm huy chương Vàng nội dung Hearthstone. Và đoàn thể thao điện tử Việt Nam cử các đội tham dự ở tất cả các nội dung thi đấu và giành được 3 tấm huy chương Đồng, xếp hạng thứ 6 chung cuộc.
Mặc dù Esports là một trong 4 bộ môn được bổ sung vào danh sách các môn thi đấu tại SEA Games 31 vào giờ chót, (qua đó nâng tổng số môn thi đấu ở kỳ đại hội lên con số 40) nhưng sự kiến sẽ có khoảng 400 VĐV, HLV đến Việt Nam tham dự các nội dung thi đấu.
Quang cảnh một giải đấu Esports quốc tế. Ảnh DW
Chủ tịch VIRESA Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “Phong trào Esports khu vực ASEAN gần đầy khá mạnh, trong 10 nội dung thi đấu lần này, bộ môn ít nhất có 5 quốc gia, bộ môn nhiều nhất như Liên Minh Huyền Thoại có 10 đội tuyển quốc gia tranh HCV”. Tất nhiên Philippines và Thái Lan vẫn là những đối thủ lớn nhất của chúng ta.
Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam ngoài việc phối hợp với Hà Nội chuẩn bị tốt các điều kiện thi đấu cho các đoàn dự SEA Games 31 còn tích cực tổ chức việc chọn lựa, thành lập các đội tuyển. Với sự chuẩn bị khá sớm cũng như phong trào Esports phát triển tại Hà Nội, TP.HCM và các địa phương gần đây diễn ra khá mạnh VIRESA quyết tâm sẽ có được huy chương vàng tại SEA Games lần này.
Đông Hùng - Theo KTĐT