Thị trường sôi động ngày cúng ''hóa vàng''

14/02/2021 10:54

Kinhte&Xahoi Hôm nay, ngày mùng 3 Tết, đón bắt nhu cầu cúng “hóa vàng” của nhiều gia đình, tại các chợ truyền thống, hoạt động kinh doanh sôi động hơn với các mặt hàng trái cây, rau xanh, thủy sản… Cùng với đó, tại một số siêu thị đã mở cửa, hàng hóa khá phong phú, trong đó hàng tươi sống được nhiều người dân lựa chọn.

Công tác phòng dịch tiếp tục được siêu thị Aeon Long Biên triển khai nghiêm túc trong ngày mùng 3 Tết.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại một số chợ như Châu Long (Ba Đình), Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng), Gia Lâm (Long Biên)…, hoạt động kinh doanh đã sôi động hơn khi có thêm nhiều tiểu thương mở bán trở lại. Các mặt hàng được bày bán nhiều là hoa tươi, rau củ quả, trái cây, thủy sản… phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm làm lễ "hóa vàng" của người tiêu dùng.

Qua tìm hiểu của phóng viên hôm nay, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống tăng cao hơn so với ngày thường. Cụ thể, giá sườn thăn, nạc vai, thăn, ba chỉ dao động trong mức 200-350 nghìn đồng/kg tùy chợ. Cùng với đó, giá đậu phụ, tôm, bún tươi các loại tăng ít nhiều so với ngày thường, trong đó giá đậu phụ từ 7.000-15.000 đồng/miếng tùy cỡ, bún tươi 15.000-20.000 đồng/kg, tôm sú từ 400-600 nghìn đồng/kg tùy loại. Theo lý giải của các tiểu thương, do đầu năm, nhiều lò mổ, cơ sở sản xuất… chưa hoạt động nên nguồn cung còn thấp, dẫn đến giá cao.

Các mặt hàng trái cây được nhiều người chọn mua khi tới siêu thị.
Rau xanh đầy ắp các kệ hàng.

Trong khi đó, giá thịt bò, cá chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, giá thịt bò thăn 300-350 nghìn đồng/kg, thịt bò diềm thăn từ 220-270 nghìn đồng/kg... Giá cá nước ngọt gần như giữ nguyên, ở mức 70-85 nghìn đồng/kg cá chép, cá trắm trắng; giá cá trắm đen từ 130-200 nghìn đồng/kg tùy loại to nhỏ…

Hôm nay, tuy lượng người tới chợ mua sắm đông hơn do nhu cầu mua đồ tươi sống tăng lên song giá rau củ quả chỉ nhích nhẹ. Theo các tiểu thương, Tết năm nay, thời tiết thuận lợi, nên giá các loại rau củ không tăng nhiều dù nguồn cung chưa tăng. Theo đó, giá rau bắp cải là 15.000 đồng/kg; giá rau muống 12.000 đồng/mớ, rau cần 15.000 đồng/mớ… tăng 3.000-5.000 đồng/mớ. Tuy nhiên, giá rau gia vị biến động mạnh, tăng 30.000 đồng/kg, ở mức 50.000 đồng/kg do nhu cầu cao; giá cà chua là 30.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; nấm kim châm giá 25.000 đồng/gói 2 lạng, gói nhỏ hơn là 15.000 đồng...

Chợ dân sinh ở Hà Nội, mặt hàng rau củ quả được bày bán từ sớm mùng 3 Tết.

Chị Nguyễn Thanh Hà (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) cho biết, hôm nay nhà chị làm lễ "hóa vàng", do đó chị đi mua thêm cá, rau xanh để đổi món cho cả gia đình. Theo chị Hà, nhìn chung giá thực phẩm, hoa tươi, trái cây ổn định, ngoại trừ giá thịt lợn, bún tươi có tăng cao.

Trong hôm qua và hôm nay, một số trung tâm thương mại, siêu thị đã mở cửa trở lại như: Aeon, BigC, Co.opMart, chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K, Family Mart, B’s mart, 24h Cheers.

Có mặt tại trung tâm thương mại Aeon Long Biên, phóng viên ghi nhận không khí mua sắm gần như trở lại bình thường. Hàng hoá bày trên các quầy, kệ khá phong phú, tập trung chủ yếu vào nhóm hàng trái cây, rau củ quả tươi… Giá không tăng, nhiều mặt hàng còn được giảm giá như: Ớt xanh, táo Mỹ, nấm tươi… Lượng người tới siêu thị Aeon mua sắm cũng khá đông. Không khí mua bán tại hệ thống siêu thị BigC cũng nhộn nhịp hơn hai ngày qua.

Cá là mặt hàng có sức mua tăng do người dân có nhu cầu đổi món sau mấy ngày Tết.

Ghi nhận tại các siêu thị, công tác phòng dịch Covid-19 được triển khai nghiêm túc ngay trong những ngày đầu năm. Loa phóng thanh liên tục phát thông tin cảnh báo các biện pháp phòng dịch, nhân viên bảo vệ xịt dung dịch sát khuẩn và đo thân nhiệt tại lối vào. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, hầu hết người dân đều đeo khẩu trang khi mua sắm.

Lam Giang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kinh tế đô thị - động lực phát triển của Thủ đô

Cụm từ “kinh tế đô thị” mới được đề cập trong vài năm gần đây ở Việt Nam, dù nó đã phát triển và thu được những kết quả đáng ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Trong xu hướng hội nhập, Thủ đô Hà Nội cũng đứng trước cơ hội để phát huy tiềm năng sẵn có, đưa kinh tế đô thị trở thành động lực quan trọng cho phát triển.

Bản lĩnh và quyết tâm mang thương hiệu Hà Nội

Hà Nội cùng cả nước đã đi qua năm kế hoạch 2020, với nhiều thách thức, bất lợi do dịch Covid-19 gây ra. Tuy vậy, nền kinh tế Thủ đô vẫn gặt hái nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tạo dấu ấn trên bình diện quốc gia cũng như trong khu vực. Đó cũng là hành trang để chúng ta bước vào năm 2021, với khát vọng, mục tiêu cao hơn, sự quyết tâm, cải cách, bứt phá mạnh mẽ hơn.

Nguồn Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/991168/thi-truong-soi-dong-ngay-cung-hoa-vang