Thời cơ vàng cho bất động sản công nghiệp
Kinhte&Xahoi
Cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, xu hướng dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng trên thế giới cùng với thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 đang mang đến cho Việt Nam cơ hội lớn trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới. Đây cũng là cơ hội vàng cho bất động sản công nghiệp Việt Nam trước làn sóng đầu tư này.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển lớn nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất trong khu vực.
Tâm điểm đầu tư
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam đánh giá: Loại hình bất động sản công nghiệp đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Thời gian qua, thị trường bất động sản nói chung chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn ở mức cao.
Nghiên cứu mới đây của Tập đoàn Đầu tư và Dịch vụ bất động sản CBRE cho thấy, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố lớn ở Việt Nam đã tăng cao. Tại khu vực phía Nam, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 80%-90% (giai đoạn 2017-2018, tỷ lệ này khoảng 70%-80%). Tại khu vực phía Bắc, các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh và Hải Dương có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cao nhất, đạt gần 100%; Hưng Yên gần 90%, Hải Phòng 80%...
Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam (đơn vị tư vấn, quản lý bất động sản quốc tế) cho biết: “Chúng tôi đã và đang nhận rất nhiều yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm địa điểm tại các khu công nghiệp. Có nhiều nhóm muốn tìm những quỹ đất diện tích 500-1.000ha để kinh doanh theo quy mô lớn, trở thành chủ đầu tư của cả khu công nghiệp. Một bộ phận khác là các nhà sản xuất muốn đầu tư mở rộng diện tích nhà xưởng...”.
Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam Dương Thùy Dung nhận định: “Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới”. 3 yếu tố chính mở ra cơ hội vàng cho bất động sản công nghiệp tại Việt Nam là: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong tháng 7-2020, tạo sức hấp dẫn với cả các nhà đầu tư châu Âu cũng như nhiều quốc gia khác. Yếu tố thứ hai chính là cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn và chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất sau dịch Covid-19 của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Yếu tố thứ ba là việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo lực kéo thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.
Làm gì để tận dụng lợi thế?
Theo CBRE, với những diễn biến mới nhất của thị trường bất động sản công nghiệp, vấn đề đặt ra là Việt Nam sẽ làm gì để tận dụng được lợi thế của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất. Điều này không chỉ đòi hỏi sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ về các chính sách ưu đãi, quản lý rủi ro và đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, mà còn là sự thích ứng nhanh chóng của các chủ đầu tư.
Nhận định quá trình dịch chuyển các ngành sản xuất trên thế giới sẽ diễn ra sớm nhất từ năm 2021, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương cho rằng đây là lúc doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt hệ thống kho bãi, phục vụ hoạt động lưu trữ, giao - nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng. Về phía Chính phủ, dù đã triển khai hàng loạt chính sách có tính chất định hướng, hỗ trợ như chọn lựa các nhà đầu tư công nghiệp có ngành nghề mang hàm lượng chất xám cao; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ quá trình vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu... thì vẫn cần giám sát tốt các hoạt động này.
Trước làn sóng dịch chuyển sản xuất sắp tới, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn, các địa phương cần nghiên cứu, đưa ra quy hoạch cụ thể, không để tình trạng rầm rộ xây dựng khu công nghiệp theo phong trào.
Nói về việc đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư mới, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp làn sóng chuyển dịch đầu tư trên thế giới, từ đó đề xuất bổ sung quy định nhằm đón cơ hội này. Trong đó, việc sẵn sàng về hạ tầng, mặt bằng phục vụ sản xuất có vai trò quan trọng, để nhanh chóng nắm bắt cơ hội.
Điều này càng được thể hiện rõ khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng đầu tư mới khi các tập đoàn đa quốc gia đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid-19. Thủ tướng cũng yêu cầu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tạo mọi thuận lợi về mặt bằng sản xuất, xây dựng các chính sách ưu đãi cần thiết, hấp dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính và nguồn nhân lực.