Diễn ra ngay sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 tập trung vào công tác xây dựng thể chế pháp luật
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về: Tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018; dự án Luật Kiến trúc; một số dự thảo Nghị định của Chính phủ.
Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đôn đốc thường xuyên; các bộ, cơ quan ngang bộ đã có nhiều cố gắng nên việc chuẩn bị các dự án luật cơ bản hoàn thành; nhiều văn bản quy định chi tiết được ban hành đúng thời hạn, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã cho ý kiến đối với 12 dự án luật; tính đến ngày 30/6, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 93/151 văn bản cần ban hành.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng cuối năm 2018, các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ 5 dự án luật; tiếp tục phối hợp chỉnh lý, hoàn thiện 16 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Về xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết, các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 58 văn bản, gồm 11 văn bản nợ ban hành quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực và 47 văn bản quy định chi tiết các luật và nội dung được giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, trong đó có 19 văn bản đã chậm tiến độ, cần phải được ban hành sớm để đáp ứng yêu cầu triển khai thi hành 6 luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7. Tiến hành rà soát, lập danh mục và xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết 7 luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Đồng ý với Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng pháp luật trên tinh thần bảo đảm chất lượng, tiến độ, yêu cầu. Thủ tướng giao Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chủ động, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng pháp luật.
Dự án Luật Kiến trúc được xây dựng (gồm 5 chương, 34 điều) nhằm tạo công cụ pháp lý thống nhất để điều chỉnh cơ bản quá trình phát triển, các hoạt động kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Phát huy vai trò của kiến trúc sư, tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc và xã hội trong hoạt động kiến trúc.
Thảo luận về dự án Luật, các thành viên Chính phủ đã phân tích, đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung lớn của dự án Luật liên quan đến hành nghề kiến trúc sư; chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư; tổ chức hành nghề kiến trúc sư; trách nhiệm quản lý Nhà nước về kiến trúc; thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc; tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động kiến trúc; điều kiện hành nghề của kiến trúc sư…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật (Bộ Xây dựng) tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung vì đây là luật có liên quan đến nhiều luật hiện hành; làm rõ những nội dung còn có những ý kiến khác nhau về vấn đề định hình kiến trúc quốc gia; chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư; đăng ký hành nghề kiến trúc sư; thiết kế mẫu điển hình nhà công cộng và công trình nhà ở nông thôn; công tác quản lý Nhà nước về kiến trúc… Dự án Luật sau khi được tiếp thu, hoàn thiện, tiếp tục trình Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với: Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; đề nghị xây dựng Nghị định quy định quản lý cát, sỏi lòng sông; xử lý số lệ phí lãnh sự tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được để lại cho Bộ Ngoại giao còn dư đến ngày 31/12; xử lý đối với số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước; phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý một số vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2017.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng tiếp thu ý kiến đóng góp đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài; bảo đảm Nghị định được xây dựng theo đúng trình tự, quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính kịp thời, đúng đối tượng, không để thất thoát, lãng phí tiền bạc.
Thủ tướng đồng ý thống nhất thông qua chủ trương cho phép xây dựng Nghị định quy định quản lý cát, sỏi lòng sông.
Về xử lý số lệ phí lãnh sự tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được để lại cho Bộ Ngoại giao còn dư đến ngày 31/12, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao trực tiếp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, trên tinh thần quản lý, chi tiêu chặt chẽ, không để thất thoát, lãng phí.
Về xử lý đối với số kinh phí Tổng cục Thuế đã tạm ứng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế từ năm 2012 trở về trước, Thủ tướng đồng ý để Bộ trưởng Bộ Tài Chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội các nội dung liên quan đến vấn đề này.
Về phương án phân bổ sử dụng nguồn kinh phí còn lại và xử lý một số vướng mắc trong việc chuyển nguồn kinh phí thường xuyên của ngân sách Trung ương năm 2017, Thủ tướng đã chỉ đạo những nội dung cụ thể liên quan đến nguyên tắc, phương án phân bổ; yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đối với nguồn ngân sách này để có khoản dự phòng phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.
Theo KD&PL