Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra việc tiêm vắc xin cho học sinh tại trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, TP Tuy Hòa
Ông Maharajan Muthu - đại diện UNICEF tại Việt Nam bày tỏ: Việt Nam đã trở thành tấm gương trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 suốt hai năm qua, cũng như tỷ lệ bao phủ vắc xin cao thuộc hàng bậc nhất trên thế giới.
"Sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, các cấp chính quyền địa phương cùng với tinh thần đoàn kết của người dân xuyên suốt giai đoạn này sẽ là bài học kinh nghiệm then chốt của thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, đại dịch vẫn chưa kết thúc, do đó vắc xin vẫn là một trong những lựa chọn tốt nhất để giảm tối đa tác động và sự lây lan của dịch bệnh", ông Maharajan Muthu nói.
Tuy nhiên, ôngMaharajan Muthu cũng nhấn mạnh, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng COVID-19 trên toàn quốc ở Việt Nam rất cao, nhưng tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 1 và 2 ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi còn khá thấp.
Nguyên nhân là do nhiều thông tin sai lệch về vắc xin phòng COVID-19 có thể vẫn còn tràn lan trong xã hội, gây ra những lo ngại không đáng có, khiến nhiều người, đặc biệt là cha mẹ, người chăm sóc trẻ trì hoãn tiêm vắc xin cho trẻ em.
Theo ông Maharajan Muthu, Trung thu là thời điểm các gia đình Việt Nam quây quần bên những người thân yêu của mình để đón mùa trăng đẹp nhất trong năm và chia sẻ những điều tốt đẹp, những điều chúng ta biết ơn trong năm qua. Chúng ta, trẻ em và cha mẹ sum vầy để tận hưởng sự kiện tốt lành này và mong muốn sẽ đem lại nhiều may mắn.
"Cùng với Trung thu, một năm học mới đã và đang đến, vậy trách nhiệm của chúng ta, những bậc phụ huynh, làm cha làm mẹ, phải chuẩn bị cho con cái - những người thân yêu của mình như thế nào?", đại diện UNICEF nói.
Ngoài các vật dụng học tập như sách, vở, bút... các bậc phụ huynh nên nhớ trang bị cho trẻ các biện pháp phòng dịch COVID-19 để trẻ đến trường an toàn. Khẩu trang, khử khuẩn và vắc xin là những biện pháp an toàn và hiệu quả giúp bảo vệ trẻ em và tất cả mọi người tốt hơn trước những nguy cơ vẫn còn tồn tại của đại dịch COVID-19.
Đồng thời ông cũng khẳng định, vắc xin nói chung và vắc xin phòng COVID-19 nói riêng đã được kiểm định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho người được tiêm chủng bao gồm cả trẻ em.
"UNICEF, cùng với các đối tác và Bộ Y tế tin rằng tiêm chủng kết hợp với các biện pháp phòng ngừa đã chứng tỏ thành công trong việc giảm đáng kể số ca tử vong, cũng như số ca bệnh nặng", ông Maharajan Muthu bày tỏ.
Cùng với chiến dịch "Vui Trung thu - tựu trường an toàn" được phát động, UNICEF đang phối hợp với Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện chiến dịch 'Hành trình an toàn - Bảo vệ bạn, gia đình và những người thân yêu".
Chiến dịch "Vui Trung thu - tựu trường an toàn" sẽ diễn ra từ nay đến ngày 30/9, cùng với lễ phát động, trong khuôn khổ Chiến dịch Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương, tổ chức hưởng ứng chiến dịch truyền thông.
Các hoạt động như tổ chức truyền thông trên mạng xã hội về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 an toàn và các khuyến cáo trong phòng, chống dịch bệnh, lợi ích tiêm chủng để vận động người dân tích cực, chủ động tham gia công tác tiêm chủng, công tác phòng, chống dịch, thực hiện tốt các khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe bản thân, cộng đồng.
Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, để tiếp tục bảo vệ và duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo trẻ em được đến trường học tập bình thường, an toàn, chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tiêm vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Để chiến dịch đạt hiệu quả và thành công, với phương châm "tiêm vắc xin là nghĩa vụ, là trách nhiệm, là quyền lợi của mỗi người"; "Tiêm vắc xin là để đảm bảo yêu cầu của công tác phòng chống dịch"; Người dân và trẻ em cần được tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều và an toàn.
Phương Thu - Ảnh: Bộ Y tế - TTTĐ