Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền (phải) trao đổi với Thị trưởng Thâm Quyến Đàm Vĩ Trung.
Tại buổi tiếp, giới thiệu sơ lược về tình hình phát triển của Thâm Quyến, Thị trưởng Đàm Vĩ Trung cho biết, đây là thành phố “trẻ” với lịch sử thành lập 43 năm. Từ chỗ là thị trấn nhỏ với khoảng 30.000 dân, ngày nay, dân số Thâm Quyến đã lên tới trên 20 triệu người, đóng góp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ xếp sau Thượng Hải và Bắc Kinh.
Năm 2022, GDP của thành phố đạt 500 tỷ USD, trong khi sản xuất công nghiệp đã vượt Thượng Hải để đứng đầu Trung Quốc. Thâm Quyến cũng là nơi chứng kiến sự ra đời và phát triển của nhiều doanh nghiệp công nghệ cao tầm cỡ, như Huawei, Tencent, hay hãng ô tô BYD…, là địa điểm đặt trụ sở của 11 doanh nghiệp Top 500 toàn cầu.
Đồng chí Đàm Vĩ Trung nhấn mạnh, Thâm Quyến chính là điển hình của thành tựu mô hình phát triển do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây dựng.
Chia sẻ về hợp tác quốc tế, Thị trưởng Đàm Vĩ Trung cho biết, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Thâm Quyến tại ASEAN và quan hệ hợp tác đang trên đà phát triển. Trên cơ sở đó, lãnh đạo thành phố Thâm Quyến mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với các địa phương của Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, công nghệ 5G, xe hơi năng lượng mới (NEV), điện gió, năng lượng tái tạo…
Cảm ơn những chia sẻ của đồng chí Đàm Vĩ Trung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của Thâm Quyến, khẳng định giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như giữa các địa phương hai nước, có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường hữu nghị, hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Hà Nội hiện có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển, với tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7 đến 8% mỗi năm. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, Hà Nội định hướng phát triển các đô thị vệ tinh. Hà Nội cũng có diện tích đất nông nghiệp lớn, nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao…
Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Hà Nội đang thúc đẩy các dự án vành đai, trong đó có đường vành đai 4, tiến tới đường vành đai 5. Đường sắt đô thị cũng là lĩnh vực đang được quan tâm, trong đó có tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hợp tác với phía Trung Quốc.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, Hà Nội đang đối mặt với những khó khăn về cơ sở hạ tầng, môi trường, giao thông… cần sớm có các giải pháp khắc phục. Đơn cử, Hà Nội mới giải quyết được khoảng 30% lượng nước thải, đồng nghĩa việc bóc tách nước mặt và nước thải trên các dòng sông tiếp tục là một mục tiêu quan trọng nhằm đảm bảo môi trường cũng như cuộc sống người dân.
Trên cơ sở đó, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội mong muốn thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, hệ thống hạ tầng cơ sở kết nối giữa khu vực trung tâm và các đô thị vệ tinh… Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng nhấn mạnh, bên cạnh các nguồn lực nội địa, Hà Nội cũng rất quan tâm tới các nguồn lực từ bên ngoài, với mục tiêu cao nhất là phát triển phải song song gìn giữ môi trường.
Cho rằng những lĩnh vực hợp tác mà Thị trưởng Thâm Quyến Đàm Vĩ Trung đề xuất là phù hợp với nhu cầu của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất hai bên nghiên cứu các chương trình hợp tác phát triển dài hạn nhằm tận dụng và phát huy lợi thế của nhau; đồng thời bày tỏ tin tưởng, với tiềm lực và thế mạnh của Thâm Quyến, hai bên hoàn toàn có thể đẩy mạnh hợp tác cùng phát triển trong thời gian tới.
Nhất trí với các ý kiến của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Thị trưởng Thâm Quyến khẳng định các lĩnh vực Hà Nội mong muốn hợp tác đều là thế mạnh của các doanh nghiệp Thâm Quyến. Đồng chí Đàm Vĩ Trung hoan nghênh việc hai thành phố tiến tới xây dựng cơ chế hợp tác, giao lưu hữu nghị.
Hai bên khẳng định tiềm năng hợp tác Hà Nội - Thâm Quyến là rất to lớn.
Tại buổi tiếp, hai bên cũng dành nhiều thời gian trao đổi cụ thể về các khía cạnh hợp tác tiềm năng, trong đó có Khu công nghệ cao Hòa Lạc, dự án đường sắt đô thị, tiến trình chuyển đổi phương tiện công cộng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các loại thân thiện với môi trường, xây dựng sân bay thứ hai… trên địa bàn Hà Nội.
Thị trưởng Đàm Vĩ Trung cho rằng đây là các lĩnh vực mà doanh nghiệp Thâm Quyến đủ khả năng hỗ trợ Hà Nội từ quy hoạch cho tới xây dựng, vận hành, quản lý.
Nguyễn Thúc - Hà Nội mới