Thúc đẩy văn hóa đọc từ chuyển đổi số

21/03/2021 08:26

Kinhte&Xahoi Bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực, dịch Covid-19 cũng tạo những cú hích đổi mới cho các lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Nhiều đơn vị xuất bản, phát hành đã xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để tập trung thực hiện ở thời điểm này. Đây cũng là giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong thời đại số.

Nhiều đơn vị xuất bản đã phát triển sàn thương mại sách trực tuyến để thúc đẩy văn hóa đọc trong thời đại số. Trong ảnh: Độc giả tìm hiểu sách trên sàn thương mại điện tử Book365.vn. Ảnh: Đỗ Tâm

Mệnh lệnh cho sự tồn tại, phát triển

Xuất bản là lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, đồng thời là hoạt động kinh tế - công nghệ. Trước thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, chuyển đổi số đã trở thành mệnh lệnh cho sự tồn tại, phát triển của lĩnh vực xuất bản.

Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông Trần Chí Đạt cho biết, năm 2020, nhà xuất bản tập trung phát triển sàn thương mại điện tử Book365.vn với nhiều tính năng nâng cấp, được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn là nơi tổ chức hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên và một số triển lãm sách trực tuyến. Book365.vn đã thu hút được 107 lượt tham gia của các nhà xuất bản và đơn vị phát hành sách, giới thiệu trên 24.000 tựa sách in và điện tử; đưa 15.000 cuốn sách đến bạn đọc, đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng, trở thành kênh chủ lực phân phối sách của nhiều nhà xuất bản.  

Trong khi đó, Nhà sách Fahasa Vạn Phúc (Aeon Mall Hà Đông, Hà Nội) là một trong những địa điểm triển khai mô hình nhà sách thông minh của Công ty cổ phần Phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh (Fahasa) để độc giả có thể tự tra cứu thông tin, tìm kiếm sách; thanh toán qua hệ thống dịch vụ tự động rất thuận lợi. Công ty phát hành sách này cũng xây dựng trung tâm thương mại điện tử Fahasa.com với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Một loạt nhà xuất bản, đơn vị xuất bản, nhà sách, như Nhà Xuất bản Kim Đồng, Nhà Xuất bản Văn học, Thái Hà Books... cũng hoàn thiện dịch vụ bán sách trực tuyến trên website.

Với 13.000 cuốn sách điện tử có bản quyền thuộc nhiều lĩnh vực, Công ty cổ phần Waka - đơn vị phát hành xuất bản phẩm điện tử hàng đầu Việt Nam cũng xác định, tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo để đóng góp nhiều xuất bản phẩm điện tử hơn, đáp ứng nhu cầu của công chúng. Tương tự, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà Xuất bản Trẻ… sau khi số hóa kho dữ liệu của mình đang đẩy mạnh phát triển xuất bản điện tử.

Chị Trần Thanh Phương (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa) chia sẻ: “Trước đây, vào dịp cuối tuần, gia đình tôi thường đến nhà sách mua sách. Thời gian gần đây, gia đình tôi đã sử dụng dịch vụ mua và đọc sách trực tuyến, vì nó rất thuận tiện, lại có nhiều chương trình giảm giá”.

Phát triển văn hóa đọc

Các đơn vị xuất bản, phát hành, phân phối sách cho rằng, chuyển đổi số là con đường giúp họ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Điển hình như hội sách trực tuyến quốc gia lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam năm 2020, có đến 51% số bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa mua sách, đáp ứng được mong mỏi của nhiều đối tượng độc giả.

Theo Công ty cổ phần Waka, đơn vị hiện có 3,2 triệu người đọc trên các nền tảng ứng dụng, doanh thu tăng trưởng hơn 40% trong năm 2020. Vì thế, đơn vị này đang tăng cường mua bản quyền sách mới và phát triển sách nói. Còn Fahasa đang ứng dụng công nghệ hiện đại để khách có thể đặt hàng trên sàn thương mại điện tử; sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích thói quen, nhu cầu của khách, nhằm giới thiệu những cuốn sách phù hợp...

Để việc chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đồng bộ, hiệu quả, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ cho rằng, các đơn vị xuất bản, phát hành cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin mở, đào tạo nhân lực đáp ứng được yêu cầu mới. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường xử lý hành vi vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản trên môi trường số; quảng bá, xây dựng thói quen tiếp cận tri thức số tới bạn đọc…

Về mục tiêu chuyển đổi số, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã xác định, đến năm 2025 đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử lên 15% số tựa sách được xuất bản hằng năm; doanh thu xuất bản điện tử đạt mức 8-10% tổng doanh thu toàn ngành; tạo điều kiện để 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử; từng bước hình thành chuỗi kết nối giá trị, đưa xuất bản phẩm đến bạn đọc bằng hình thức trực tuyến.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu trên cần hoàn thiện thể chế, tạo dựng hành lang pháp lý, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất bản trên môi trường số phát triển, thu hút các đơn vị công nghệ tham gia hoạt động xuất bản. Cùng với đó, Cục sẽ triển khai giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản theo 3 hướng: Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa xuất bản phẩm; xây dựng nhà xuất bản trọng điểm xuất bản điện tử; hỗ trợ nâng cấp website của các đơn vị xuất bản, phát hành thành sàn thương mại điện tử, tiến tới thí điểm xây dựng mô hình nhà xuất bản số chuẩn quốc tế…

 An Nhi - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đề xuất phát triển đô thị mới tại quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) vừa được Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xin ý kiến, quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất sơ bộ xác định diện tích và các chức năng tại 8 khu vực bãi sông Hồng. Theo đó, thành phố dự tính dành 1.998ha/5.480ha đất khu vực bãi sông để phát triển đô thị mới.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/994089/thuc-day-van-hoa-doc-tu-chuyen-doi-so