Người dân phải thật sự là “chiến sĩ”; người dân phải thật sự là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Không phải vì Cao Bằng xa các vùng động lực kinh tế, tỉnh này có đến 300 km đường biên giới chứ không hề ít, giao thông đã kết nối thuận lợi. Thắng lợi của Cao Bằng nhờ chiến lược “phòng dịch từ xa” với phương châm đi trước một bước và cao hơn một mức để không phải chống dịch.
Toàn hệ thống chính trị của tỉnh ngay từ đầu đã kích hoạt đồng bộ phương án phòng dịch từ xa, làm việc tập trung ở mức cao nhất. Nguyên tắc phòng chống dịch của Cao Bằng là siết chặt kiểm soát từ bên ngoài, không buông lỏng quản lý từ bên trong. Từ thời điểm trước mốc thời gian 29/4, khi “làn sóng thứ 4” COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, Cao Bằng đã ra văn bản quy định người dân, cán bộ, công chức trở về từ các địa phương phải được kiểm soát chặt chẽ. Thời điểm đó nhiều ý kiến cho rằng cách làm này là cực đoan nhưng khi nhìn lại nhiều người nhận ra giá trị của việc chủ động phòng chống dịch có ý nghĩa rất lớn.
Các “Tổ COVID cộng đồng” được thành lập ở các xã, phường, thị trấn thực chất, kịp thời tuyên truyền và nắm bắt dịch bệnh ở từng ngõ ngách, từng nhà dân. Ngoài ra, Cao Bằng xây dựng các kịch bản, phương án về cách ly, thu dung và dập ổ dịch để ứng phó với cấp độ, tình huống dịch bệnh có thể xảy ra để tránh bị động. Nhận diện và dự báo trước các nguy cơ để lên phương án, giải pháp, Cao Bằng cho thấy tỉnh này đã vận dụng sáng tạo “sức dân” tạo nên thế trận phòng chống dịch hiệu quả.
Ở phía Nam, An Giang cũng thành công trong công tác phòng, chống dịch nhờ quyết liệt ngay từ đầu. Xin nói thêm, An Giang là tỉnh được xếp vào nguy cơ rất cao. Địa phương này có 100km đường biên giới giáp với Campuchia, phía nước bạn cũng bùng phát dịch bệnh; ở trong nước, TP HCM, Bình Dương, Long An, Tiền Giang… đều diễn biến phức tạp.
An Giang đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ rất sớm, đặt ra mục tiêu bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cùng với đó phải ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài vào. Từ rất sớm, An Giang đã phát động phong trào mỗi tổ dân phố là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trong công tác phòng, chống dịch bệnh thực chất và tự giác.
Bên cạnh bài học thành công của Cao Bằng, An Giang, nhiều nơi vẫn còn chưa chủ động trong triển khai phòng, chống dịch. Chính vì thế, cách đây 2 ngày Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã phải làm việc, kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch với các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, 2 tỉnh dịch đang diễn biến đáng lo ngại.
Để đưa đất nước trở lại bình thường, rõ ràng phải tiếp tục phải thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại cơ sở; xã, phường, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”; người dân phải thật sự là “chiến sĩ”; người dân phải thật sự là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Phòng, chống COVID-19 đang là sự “sát hạch” chuẩn xác về nhiều mặt, trong đó có cán bộ.
Từ Tâm - Pháp luật Plus