Tích cực xử lý những điểm ùn tắc giao thông do rào chắn thi công
Kinhte&Xahoi
Theo thông tin từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và giảm thiểu ùn tắc trên địa bàn, Sở đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an thành phố kiểm tra 37 điểm ùn tắc, xác định các điểm rào chắn thi công dự án làm thu hẹp lòng đường; 10 điểm do hạ tầng chưa đồng bộ; 10 điểm do quá tải kết cấu hạ tầng.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong thời gian vừa qua, đơn vị đã phối hợp với Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội tổ chức kiểm tra, rà soát trên địa bàn thành phố và phát hiện thêm 10 điểm ùn tắc giao thông mới, nâng tổng số điểm nóng về ùn tắc giao thông trên địa bàn lên 37 điểm.
Lô cốt án ngữ giữa đường ở phố Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông, Hà Nội)
Lý giải sự gia tăng của số điểm nóng về ùn tắc giao thông tại Thủ đô, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, ngoài những nguyên nhân chung do lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham giao giao thông của người dân chưa cao, còn do 17 điểm rào chắn thi công các dự án làm thu hẹp lòng đường, 10 điểm do hạ tầng chưa đồng bộ, 10 điểm do quá tải kết cấu hạ tầng.
Những điểm ùn tắc do rào chắn thi công được điểm tên như: Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; Xây cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2; Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; Dự án xây cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; Dự án xây cầu vượt tại nút giao Mai Dịch (chuẩn bị báo cáo UBND thành phố); Dự án hầm chui Kim Đồng.
Sở đã phối hợp các đơn vị liên quan phân luồng phục vụ thi công các dự án, điều chỉnh giao thông tại 5 điểm ùn tắc Trung Văn - Tố Hữu, ngã ba Xa La - Cầu Bươu, Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân; Lãng Yên - đê Nguyễn Khoái.
Đến hết tháng 2, ba điểm ùn tắc đã được xử lý gồm: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Đại La - Trần Đại Nghĩa và Ngã Tư Vọng.
Rào chắn dự án cầu vượt Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch gây ùn tắc giao thông
Nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc, Sở cho biết sẽ tổ chức lại giao thông, phân luồng phù hợp với hiện trạng. Sở cũng phối hợp với chủ đầu tư các công trình đẩy nhanh tiến độ để thu hồi vị trí rào chắn gây thu hẹp lòng.
Với dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, thành phố sẽ phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra biện pháp thi công để có phương án tổ chức giao thông khoa học.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, hết tháng 2, thành phố có hơn 7,8 triệu phương tiện, trong đó ôtô hơn một triệu, xe máy 6,6 triệu, xe máy điện gần 185.000, chưa kể khoảng 1,2 triệu xe từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Hà Nội. Tốc độ gia tăng của phương tiện trung bình 4-5%/năm.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, thành phố có hơn 23.000 km đường bộ, Sở Giao thông vận tải quản lý hơn 2.300 km và UBND cấp huyện quản lý trên 21.000 km. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 10,35%.
Vận tải hành khách công cộng, mạng lưới xe buýt của thành phố gồm 154 tuyến (trong đó 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour). Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 18,5%.
Thời gian tới, nhằm đảm bảo hiệu quả các phương án tổ chức giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Công an thành phố tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ; Tiếp tục phối hợp trong công tác rà soát các bất cập tổ chức giao thông, điểm tiềm ẩn, điểm đen tai nạn giao thông và triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc.
Trong năm 2022, Hà Nội có tổng số 26 điểm đen về tai nạn giao thông. Trong đó có: 18 điểm từ đầu năm theo văn bản số 1857/CAHN-CSGT ngày 5/4/2022; 1 điểm phát sinh tại Thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì; 7 điểm phát sinh theo văn bản số 4927/CAHN-CSGT ngày 5/8/2022. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã xử lý được 23/26 điểm, còn lại 3 điểm đen tai nạn giao thông.
Diệu Linh - TTTĐ