Tiền Giang: Vào cuộc làm rõ vụ 18 học sinh bị đau bụng và nôn nghi ăn bánh và uống sữa
Kinhte&Xahoi
Sau bữa ăn, giáo viên trường đã phát hiện một số hộp sữa có mùi và kết tủa, trường có tiến hành giữ mẫu tại nhà ăn.
Ảnh: Báo Tiền phong.
Theo thông tin từ Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, ngày 25/11, trường có 641 học sinh bán trú, thực đơn bữa chính gồm: Bò kho và bánh mì, khoai tây chiên. Bữa xế lúc 13h15 gồm Bánh Tipo bánh trứng, bánh phồng tôm, trái cây, sữa Nuvi trái cây lắc hương cam của Công ty thực phẩm Nutifood (TP HCM).
"Sau khi ăn xong bữa xế, đến 13h50, có 1 học sinh bị nôn, đến 14h có tổng cộng 17 học sinh bị nôn ói (có em bị đau bụng). Giáo viên phát hiện một số hộp sữa có mùi và kết tủa, trường có tiến hành giữ mẫu tại nhà ăn."
Sau đó, trường đã đưa các học sinh đến cấp cứu tại Khoa cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa trung tâm để điều trị.
Đến 17h cùng ngày, có 11 em học sinh có sức khỏe ổn định và được xuất viện, còn 6 em phải truyền dịch. Đến 19h15 cùng ngày, 6 em học sinh còn lại cũng đã được xuất viện.
Trao đổi với Pháp luật Plus, đại diện truyền thông Nutifood cho biết, đơn vị đã nắm được nội dung sự việc. Hiện tại chờ kết quả điều tra, giám định của cơ quan chức năng mới xác định được nguyên nhân vụ ngộ độc trên.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Dũng, Trưởng phòng GD - ĐT TP Mỹ Tho, cho biết ngay khi xảy ra sự việc, nhà trường đã nhanh chóng chuyển các em đến bệnh viện theo dõi và điều trị. Đến 18 giờ, sức khỏe tất cả các em đều ổn định.
Thầy Phan Minh Tân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trãi cũng thông tin, hơn 650 học của trường đều uống lô sữa này. Trước khi cho học sinh uống, nhà trường đã kiểm tra sữa còn hạn sử dụng. Tuy nhiên, có một số em uống vào thấy sữa bị chua nên không uống.
Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại khu vực trường học, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành văn bản số 3002/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo.
Công văn yêu cầu, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong các trường học, trong đó nhấn mạnh nội dung “05 chìa khóa để có thực phẩm an toàn” theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Trong đó chú ý nâng cao sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với nhà trường, gia đình trong việc giáo dục, hướng dẫn học sinh thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng thực phẩm an toàn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (thức ăn đường phố tại khu vực xung quanh trường học), bếp ăn tập thể trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sắn có ký hợp đồng với nhà trường.
Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Xuân Thái - Pháp luật Plus