Nhà, đất có nguồn gốc gia đình
Phán ánh đến Pháp luật Plus, bà Đỗ Thị Kim Phượng (ngụ phường Tân Định, quận 1, TP HCM) trình bày, 2 năm qua, bà và các thành viên có quyền lợi liên quan liên tục thực hiện khiếu nại hủy quyết định cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), Quyền sở hữu nhà ở (QSHNƠ) và tài sản gắn liền với đất số CH02100 ngày 29/4/2016 do UBND quận Bình Thạnh cấp cho Đình Cẩm Tú (số 125/16/16 Bùi Đình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh).
Theo bà Phượng trình bày và hồ sơ thể hiện, năm 1960, ông Đỗ Văn Dụ (là ông nội của bà Phượng) đã tạo lập gian thờ cúng Tổ nghề thêu trên của gia đình và không cho người ngoài vào thắp nhang (sau này gọi là Đình Cẩm Tú).
Khi ông Dụ qua đời, nhà, đất được ông Đỗ Văn Khuê và bà Từ Thị Tươi (cha, mẹ bà Phượng) tiếp quản, sử dụng. Năm 2003 bà Tươi mất, đến năm 2006 ông Khuê cũng qua đời, nhà đất được giao cho ông Đỗ Văn Nhu (em trai bà Phượng) tiếp quản.
Đình Cẩm Tú - nơi đang xảy ra khiếu kiện.
Tới năm 2013, ông Nhu mất, khu đất trên do bà Đỗ Thị Lữ là chị bà Phượng quản lý. Lúc sinh thời, vợ chồng ông Khuê có 7 người con gồm: ông Đỗ Văn Bích (đã chết, có 4 người con), bà Đỗ Thị Lữ, ông Đỗ Văn Nhu (đã chết), bà Đỗ Thị Kim Liên, bà Đỗ Thị Kim Phượng, bà Đỗ Thị Kim Nga (đã chết) và bà Đỗ Thị Kim Cúc
Trước đó năm 2015, bà Lữ nộp hồ sơ xin cấp Giấy CNQSDĐ đối với Đình Cẩm Tú mà không thông qua các thành viên khác trong gia đình, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi thừa kế của những người liên quan.
Trong quá trình bà Lữ nộp đơn xin cấp Giấy CNQSDĐ, người có quyền thừa kế liên quan đã viết đơn xin ngăn chặn. Dẫu vậy, UBND quận Bình Thạnh vẫn chấp thuận cấp Giấy CNQSDĐ cho Đình Cẩm Tú theo đối tượng là Cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng dân cư.
“Sổ” cấp năm 2016, căn cứ danh sách công bố năm 2017
Liên quan vụ việc, UBND quận Bình Thạnh cho biết: Năm 2015, bà Đỗ Thị Lữ nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy CNQSDĐ đối với Đình Cẩm Tú. Trong hồ sơ bà Lữ trình bày, bà là Trưởng Ban quản trị, đại diện cho Đình Cẩm Tú (theo Biên bản họp Ban quản trị Đình Cẩm Tú ngày 30/06/2013) được UBND phường 24 chứng thực chữ ký ngày 16/04/2014.
Bà Lữ đại diện đứng tên khai trình hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận có sự đồng ý của Ban Quản trị. Nhà đất được sử dụng làm đình ổn định từ đó đến nay và không có tranh chấp.
Văn bản của UBND quận Bình Thạnh trả lời khiếu nại của người dân.
Tuy nhiên, UBND quận Bình Thạnh thừa nhận, ngày 04/4/2014 (trước thời điểm bà Lữ nộp hồ sơ), bà Nguyễn Thị Khánh Linh (vợ của ông Đỗ Văn Nhu, cháu dâu của ông Đỗ Văn Dụ) đã có đơn đề nghị ngăn chặn việc cấp giấy. Sau đó theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, bà Linh đã rút đơn và liện hệ Tòa án để giải quyết.
Ngày 22/10/2015 (sau thời điểm bà Lữ nộp hồ sơ) bà Linh tiếp tục có đơn đề nghị ngăn chặn.
Ngày 16/11/2015, Phòng TN&MT quận Bình Thạnh có văn bản số 1368/TNMT trả lời bà Linh về nội dung khiếu nại. Nội dung văn bản yêu cầu bà Linh nếu có tranh chấp quyền thừa kế liên quan nhà đất trên thì phải liên hệ cơ quan Tòa án xem xét giải quyết, đồng thời cung cấp thông báo thụ lý và văn bản ngăn chặn việc cấp Giấy trên của cơ quan Tòa án cho UBND quận Bình Thạnh.
Tuy nhiên, khi bà Linh liên hệ TAND quận Bình Thạnh lại được thông báo vì đất chưa có chủ quyền nên Tòa không thể thụ lý hồ sơ.
Từ đây, UBND quận Bình Thạnh khẳng định “Bà Linh không cung cấp Thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc thụ lý tranh chấp và văn bản ngăn chặn việc cấp giấy đối với nhà đất nêu trên theo hướng dẫn của Phòng TN&MT”.
Trong khi đó, tại văn bản số 199/UBND-TNMT ngày 17/01/2018 về việc trả lời đơn thư của bà Phượng, UBND quận Bình Thạnh cho rằng “Nội dung đơn (đề nghị ngăn chặn) của bà Linh không nêu hiện trạng nhà đất là đình Cẩm Tú”.
Để xét duyệt hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ, UBND quận Bình Thạnh đã căn cứ vào tường trình của bà Lữ là Trưởng Ban quản trị, đại diện cho Đình Cẩm Tú, được UBND phường 24 chứng thực chữ ký... Tuy nhiên, bà Phượng khẳng định: Ban Quản trị Đình Cẩm Tú do bà Lữ tự ý lập, các anh chị em trong gia đình là người có quyền lợi liên quan không ai hay biết, không ký tên vào biên bản họp ngày 30/6/2013.
Việc cấp Giấy CNQSDĐ cho cộng đồng dân cư Đình Cẩm Tú được UBND quận Bình Thạnh lại giải thích: “Trong quá trình giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận đối với nhà đất số 125/16/16 Bùi Đình Túy, phường 24, UBND quận Bình Thạnh không nhận được đơn tranh chấp liên quan đến nhà đất nêu trên (chỉ đó có đơn ngăn chặn và đã được giải quyết theo quy định).
Đồng thời, theo xác nhận của UBND phường 24, ngày 16/9/2014, ngày 22/9/2014 và ngày 01/6/2015: nhà đất tại số 125/16/16 Bùi Đình Túy do ông Đỗ Văn Dụ xây dựng nhà từ đường Hội thờ thánh Tổ lục nghệ từ năm 1960 (nay được gọi là Đình Cẩm Tú) và sử dụng làm Đình ổn định từ đó đến nay, không tranh chấp”.
UBND quận Bình Thạnh cũng viện dẫn: “Theo danh sách cơ sở tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa đính kèm Văn bản số 4479/UBND-TNMT ngày 19/12/2017 của UBND quận Bình Thạnh: Đình Cẩm Tú là cơ sở tín ngưỡng do họ tộc nghề thêu lập dựng thờ Tổ Lê Công Hành”.
Hiện bà Phượng đã khởi kiện UBND quận Bình Thạnh ra TAND TP HCM yêu cầu Tòa hủy Giấy CNQSDĐ mà đơn vị này đã cấp cho Đình Cẩm Tú.
Bà Phượng cho rằng, thời điểm UBND quận Bình Thạnh cấp Giấy CNQSDĐ cho đình Cẩm Tú là tháng 4/2016, nhưng trong văn bản trả lời lại có căn cứ vào danh sách cơ sở tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa công bố tháng 12/2017, nghĩa là danh sách được lập sau hơn một năm cấp sổ là thiếu thuyết phục.
Được biết, hiện bà Phượng đã khởi kiện UBND quận Bình Thạnh ra TAND TP HCM yêu cầu Tòa hủy Giấy CNQSDĐ mà đơn vị này đã cấp cho Đình Cẩm Tú.
Luật sư Nguyễn Thanh Đình, Trưởng Văn phòng Luật sư Sự Thật và Công lý (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: “Nếu lời trình bày của bà Phượng là đúng sự thật thì việc UBND quận Bình Thạnh cấp Giấy CNQSDĐ gắn liền với tài sản trên đất là trái pháp luật, bởi: Về nguồn gốc là đất gia đình, có quản lý sử dụng ổn định lâu dài, không phải cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (có xác nhận của UBND phường).
Về trình tự: trong quá trình cấp Giấy đã có đơn ngăn chặn (nội dung là đơn khiếu nại), theo Luật thì việc này phải được giải quyết dứt điểm trước khi cấp Giấy. Danh sách cơ sở tín ngưỡng mà UBND quận trả lời ra đời sau khi cấp Giấy chứng nhận.
Trong trường hợp này, bà Phượng và các đồng thừa kế có yêu cầu UBND quận Bình Thạnh hủy Giấy chứng nhận đã cấp là phù hợp với quy định của Pháp luật. Nếu không được chấp nhận họ có quyền đề nghị UBND thành phố xem xét giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề nghị Tòa án hủy Giấy chứng nhận đã được cấp”.
|
Theo Phapluatplus.vn