Việt Nam - điểm đến an toàn
Những người làm du lịch thừa nhận, doanh thu của khoảng 85 lượt triệu khách nội địa chưa bằng 19 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Mức chi tiêu cao của khách quốc tế đóng góp lớn vào sự tăng trưởng và phát triển của du lịch Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Kenneth Atkinson cho rằng, chính vì lý do này, Việt Nam cần mở cửa đón được khách quốc tế mới đem lại nguồn thu lớn. Một số thị trường như Australia, New Zealand, Thái Lan theo gợi ý của Kenneth Atkinson có thể đưa vào danh sách để mở cửa sớm.
Du khách tản bộ bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
So với nhiều quốc gia khác, Việt Nam có lợi thế lớn ở điểm đến an toàn. “Việt Nam mới có hơn 300 ca lây nhiễm, tỷ lệ tử vong bằng không. Thành tích này là cơ hội tuyệt vời để quảng bá, tạo ra nhu cầu của du khách quốc tế với du lịch Việt Nam. Chúng tôi tin Việt Nam là thị trường hấp dẫn nếu biết tận dụng hình ảnh này” - Giám đốc vận hành Công ty TNHH Hoiana Steve Wolstenholme đánh giá. Giám đốc khối kinh doanh khách sạn và du lịch của Tập đoàn BRG, Christophe Lajus, cũng đề xuất Chính phủ nên tranh thủ truyền đi thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn, bên cạnh tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn thực sự cho du khách khi tới Việt Nam du lịch.
New Zealand luôn là một trong số quốc gia được nêu gương trong việc truyền thông hình ảnh quốc gia. “Tôi là người New Zealand may mắn có thời gian làm việc ở Việt Nam. Đất nước chúng tôi vẫn có TP bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, trong khi đó Việt Nam đang có uy tín lớn. Tôi muốn nhấn mạnh thông điệp: Việt Nam có hình ảnh uy tín tuyệt vời, các bạn phải tận dụng cơ hội tốt nhất để tạo ra hành lang du lịch an toàn” - đại diện BIM Group nói.
Phối hợp nhịp nhàng
Du lịch vốn là ngành đòi hỏi tính liên kết, liên ngành rất cao. Vì thế, vực dậy ngành du lịch không thể chỉ bằng nỗ lực riêng lẻ mà cần sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của nhiều bộ, ngành. Một trong những yếu tố then chốt là sự trở lại của các đường bay quốc tế khi hội đủ yếu tố cho phép.
Lãnh đạo Bộ VHTT&DL coi hàng không là xương sống trong phục hồi và phát triển du lịch quốc tế. “Chúng tôi luôn trông chờ vào hàng không, vì thế việc cần làm là lựa chọn ra trọng điểm, đối tượng cần hỗ trợ nhất để kiến nghị với Chính phủ” - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng bày tỏ. Đại diện của các hãng hàng không lớn nêu ý kiến, trong lúc chờ đợi thế giới công bố hết dịch Covid-19, các hãng hàng không lên kế hoạch quảng bá và bán vé sớm cho khách nước ngoài.
"Để phục hồi du lịch, cần nhiều việc làm cụ thể như kết nối đồng bộ giữa các địa phương, công ty lữ hành, khách sạn để mang tính cộng hưởng và lan tỏa” - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết. Đồng tình với quan điểm cần sớm liên kết quốc tế để mở cửa đón khách nước ngoài, tuy nhiên nhiều chuyên gia nhấn mạnh cần bảo đảm yếu tố an toàn đồng bộ từ hàng không, lưu trú, vận chuyển tới du lịch.
Du lịch Việt Nam đứng trước thách thức lớn nhất trong hai chục năm trở lại đây, tuy thế cũng là cơ hội để tái cơ cấu và phát triển trở lại. Theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, trong đợt dịch bệnh bùng phát, Tổng cục đã có chiến dịch truyền thông trực tuyến, kết nối với du khách quốc tế.
Sắp tới, Tổng cục thiết lập các kênh trực tuyến giữa du lịch Việt Nam và các đầu mối thị trường nguồn ở quốc tế, trước mắt là ở Nhật Bản. Hệ thống này sẽ cung cấp thông tin, chương trình định kỳ với mục đích chủ động tìm đến người mua thay vì trông chờ họ tự tìm đến.
Việt Nam vừa được Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ là Travel + Leisure bình chọn vào tốp điểm đến hàng đầu thế giới sau dịch Covid-19, bởi lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giá cả hợp lý và đang kiểm soát tốt tình hình dịch. Theo tạp chí này, Việt Nam là quốc gia giàu văn hóa, sôi động với những bãi biển nhiệt đới tuyệt đẹp và ẩm thực đường phố hấp dẫn. |