Triển khai hệ thống xe đạp công cộng: Mảnh ghép xanh hữu hiệu cho giao thông Hà Nội

17/03/2022 19:41

Kinhte&Xahoi Hà Nội đang nỗ lực phát triển hệ thống vận tải công cộng (VTCC), thu hút người dân đến với tàu điện, xe buýt… nhằm giảm thiểu phương tiện cá nhân.

Xe đạp công cộng được sử dụng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Quân

Tuy nhiên, VTCC của Thủ đô lại đang thiếu một mảnh ghép vô cùng quan trọng, đó là phương tiện xanh - kết nối tầm gần, trung chuyển hành khách đến với các loại hình vận tải khối lượng lớn.

Xe nhỏ, vai trò lớn

Anh Lê Huy Hoàng - sinh viên trường Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội chia sẻ: “Tôi đi học bằng xe buýt, nhưng khoảng cách từ nhà đến điểm dừng khá xa, hơn 1km, khi trời mưa hoặc nắng nóng, đi bộ khá vất vả nên tôi chọn đi xe máy luôn”. Anh Lê Huy Hoàng cũng cho hay, tại các điểm dừng chờ thường không có chỗ gửi xe máy, nếu có một loại phương tiện khác để di chuyển từ nhà đến nơi đón xe buýt sẽ tiện lợi hơn rất nhiều.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Phong (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) cho biết, khoảng 6 tháng trong năm, khi thời tiết ôn hòa, anh có thể đi bộ từ nhà đến điểm dừng xe buýt cách đó khoảng 2km để đi làm. Nhưng 6 tháng còn lại, khi quá nóng hoặc mưa rét anh vẫn chọn dùng xe máy vì ngại đi bộ.

Hà Nội hiện có 2.136 chiếc xe buýt hoạt động trên 144 tuyến, cùng với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vừa được đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các loại hình VTCC khối lượng lớn này có hai hạn chế cơ bản.

Thứ nhất là không vào được các ngõ nhỏ, đường hẹp, không ít người muốn tiếp cận được với xe buýt, tàu điện phải đi bộ khá xa, dẫn đến tâm lý ngại ngần, lựa chọn luôn xe máy, hoặc ô tô cá nhân để di chuyển hàng ngày.

Thứ hai là các điểm dừng chờ xe buýt, nhà ga… chưa đáp ứng được nhu cầu đỗ gửi xe của hành khách, và trong bối cảnh quỹ đất đô thị eo hẹp như hiện nay, khả năng đáp ứng sẽ ngày càng khó khăn hơn nữa. Do đó, phương án tối ưu là có một loại phương tiện nhỏ, nhẹ, đảm nhiệm việc trung chuyển hành khách từ khu vực dân cư đến các điểm dừng chờ, nhà ga.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Nguyễn Đình Chiển nhận định: “Giao thông công cộng của Hà Nội còn thiếu một mảnh ghép cực kỳ quan trọng, một mắt xích trong chuỗi vận tải xanh, đó là xe đạp công cộng”. Ông Nguyễn Đình Chiển phân tích, Hà Nội là một đô thị lớn với các cụm dân cư có mật độ dày, đặc biệt trong nội thành, nhà cửa san sát, đường sá nhỏ hẹp. TP đã từng tính tới việc sử dụng xe buýt mini để đi vào tận các ngõ nhỏ, đưa đón người dân, nhưng chưa triển khai được. Trong bối cảnh đó, xe đạp công cộng sẽ phát huy được hiệu quả rất lớn, là phương tiện chính trung chuyển người dân đến với xe buýt, tàu điện.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xe đạp công cộng có những lợi thế rất lớn, có thể nhanh chóng được đón nhận và phổ biến tại Hà Nội. Trước hết đó là loại phương tiện gần gũi với người dân, đã từng được sử dụng trong thời gian dài tại hầu hết mọi gia đình. Bên cạnh đó, xe đạp có thể thuê, không cần lo lắng về nơi gửi, sửa chữa, bảo dưỡng… phù hợp với những quãng đường ngắn một vài cây số sẽ là lựa chọn hàng đầu của dân công sở, học sinh, sinh viên, khách du lịch. Quan trọng hơn nữa, xe đạp là loại hình phương tiện xanh, không gây ô nhiễm môi trường, khi lưu thông ít có khả năng gây áp lực cho hệ thống giao thông đô thị nói chung.

Cần tính toán căn cơ

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện đơn vị đã đề xuất triển khai thí điểm mô hình xe đạp, xe đạp điện công cộng tại các quận nội thành như: Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân… “Việc triển khai dự án Xe đạp đô thị tại TP Hà Nội là cần thiết, vì dự án sẽ đem đến cho người dân Hà Nội một phương tiện thân thiện môi trường, thuận tiện cho việc di chuyển, kết nối đến các loại hình VTCC; kết nối giữa các đô thị, trụ sở, văn phòng” - vị đại diện này nhận định.

Theo tìm hiểu, mức giá cho thuê xe đạp, xe đạp điện công cộng tại Hà Nội được đề xuất là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/giờ, và 60.000 đồng/ngày. Hầu hết người dân được hỏi đều cho rằng mức giá này khá hợp lý, tuy nhiên cũng cần có thêm mức giá cho thuê theo tháng đối với người có ý định sử dụng thường xuyên, lâu dài.

Hiện tại đã có 4 quận nội thành hoàn thành bước khảo sát các điều kiện hạ tầng để triển khai thí điểm xe đạp, xe đạp điện công cộng là: Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Đống Đa với 51 vị trí đặt trạm, vận hành 767 xe, trong đó 50% là xe đạp điện. Hai quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đang tiếp tục khảo sát. Mô hình cho thuê xe đạp, xe đạp điện công cộng sẽ được triển khai qua ứng dụng điện tử, người dân có thể tìm kiếm các vị trí và đặt thuê xe, thanh toán qua ứng dụng, rất thuận tiện, dễ dàng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc triển khai mô hình xe đạp, xe đạp điện công cộng là rất hữu ích và cần thiết đối với Hà Nội, phù hợp với chủ trương của TP tại Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND của HĐND TP về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ: “Muốn xe đạp công cộng nhanh chóng phổ biến, chiếm được vai trò lớn trong giao thông đô thị, Hà Nội cần có hàng loạt các biện pháp khuyến khích như: miễn phí cho thuê vỉa hè để đặt trạm, đỗ xe, xem xét miễn giảm các loại thuế phí cho đơn vị triển khai, tuyên truyền sâu rộng đến người dân lợi ích và sự thuận tiện của xe đạp công cộng”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, xe đạp công cộng là mô hình mới hoàn toàn đối với Hà Nội, cần có những tính toán căn cơ ngay từ đầu để duy trì hiệu quả, tránh tối đa những hệ luỵ không đáng có. Ví dụ như việc tính toán cụ thể, chi tiết về số lượng trạm, xe, các vị trí đặt sao cho phù hợp, hiệu quả nhất. Hay như công tác đảm bảo an ninh tại các điểm đỗ xe đạp công cộng, nâng cao ý thức cho người dân khi sử dụng… cũng cần được quan tâm ngay từ đầu.

Anh Bạch Thái Thịnh (Mộ Lao, Hà Đông) chia sẻ: “Nếu có xe đạp công cộng tôi sẽ sử dụng ngay, Ngày thường có thể đi từ nhà đến các trạm xe buýt, tàu điện; ngày nghỉ có thể đi tham quan Hà Nội rất thoải mái. Nhưng đã làm xe đạp công cộng thì phải bất cứ nơi nào cũng có thể thuê được, chứ không chỉ một vài nơi trong nội thành”.

 "Định hướng phát triển phương tiện xanh như xe đạp công cộng là đúng đắn và phù hợp với xu thế chung. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần có khảo sát, tính toán kỹ lưỡng, trước hết là về nhu cầu sử dụng của người dân. TP có thể xem xét hỗ trợ cho giai đoạn thí điểm ban đầu, thậm chí bù lỗ, tương tự như việc trợ giá vé xe buýt, tàu điện mới khuyến khích được các thành phần kinh tế cùng tham gia thực hiện, góp phần xây dựng Hà Nội xanh - văn minh - hiện đại." - Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Nguyễn Đình Chiển

"Xe đạp công cộng sẽ là một trong những phương tiện rất được ưa thích đối với khách du lịch cả trong và ngoài nước khi đến Hà Nội. Chỉ cần các thao tác thuê xe đơn giản, thuận tiện, mức giá hợp lý, có thật nhiều trạm ở khắp TP, chắc chắn mô hình này sẽ thành công, góp phần không nhỏ thu hút khách du lịch đến với Hà Nội." - Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương

 Minh Tường - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: “Mở cửa” có kiểm soát, quản lý hiệu quả, linh hoạt với tình hình dịch

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, đến nay Thành phố đã “mở cửa” trở lại các hoạt động để thích ứng an toàn, linh hoạt nhưng đảm bảo kiểm soát tình hình dịch. Các địa phương cần chủ động hơn nữa, chú trọng công tác phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không được chủ quan lơ là, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Hà Nội sẽ có thêm một phố đi bộ tại Khu đô thị Nam đường Vành đai 3

Theo đề án tuyến phố đi bộ tại dự án Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì), tuyến phố đi bộ mới này có chiều dài 889m, trải dài trên diện tích 13.638m2. Mặt cắt đường rộng 13m, chiều rộng mỗi bên vỉa hè là 3,1m; được bổ sung 2m khoảng lùi nhà phố, tạo ra một khoảng không gian thoáng, kết hợp cây xanh, tiểu cảnh, chỗ nghỉ chân.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/manh-ghep-xanh-huu-hieu-cho-giao-thong-ha-noi.html