Nghị quyết gồm 4 điều, trong đó đổi tên dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022).
Điều chỉnh thời gian trình đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022) sang cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) và kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023), thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023).
Các vị đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với các quan điểm, định hướng lập Chương trình và tiến độ trình Quốc hội đối với các dự án cụ thể trong dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022.
Đồng thời, các ý kiến có một số đề xuất như: Đề nghị đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); sửa đổi Luật Thương mại, Luật Trọng tài thương mại, Luật Việc làm; xây dựng Luật Hiến, ghép mô, tạng, Luật Bản dạng giới và Luật Cấp, thoát nước.
Về dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cần khẩn trương sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để đáp ứng yêu cầu rất cấp bách trong lĩnh vực y tế.
Chính phủ đã có đề nghị đưa dự án luật này vào Chương trình, song qua xem xét thấy rằng nhiều nội dung chính sách lớn của dự án Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.
Tỷ lệ biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Để bảo đảm chất lượng chuẩn bị dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, làm rõ các chính sách, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật này, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình.
Về đề nghị sửa đổi Luật Thương mại, Luật Trọng tài thương mại, Luật Việc làm; xây dựng Luật Hiến, ghép mô, tạng, Luật Bản dạng giới và Luật Cấp, thoát nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi hoặc xây dựng mới các luật này đã được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TƯ của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đôn đốc các cơ quan khẩn trương hoàn thành công tác nghiên cứu, sớm đề xuất việc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các luật này để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bảo đảm đúng yêu cầu, định hướng và tiến độ đề ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến đại biểu, đây là dự án Luật quan trọng, cấp thiết cần khẩn trương xây dựng, ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, bảo đảm quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo đúng tiến độ. Trường hợp dự án được chuẩn bị tốt, ý kiến đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh hơn tiến độ thông qua dự án Luật.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương trình các dự án: Luật về Công tác dân tộc; Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm; Luật về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; luật hoặc pháp lệnh về khu công nghiệp, khu kinh tế; văn bản điều chỉnh về tài sản ảo, tiền ảo, tiền và tài sản mã hóa.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội trong việc đề xuất xây dựng, sửa đổi các văn bản luật nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các nội dung này cần được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất các chính sách cụ thể, đánh giá tác động, lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và lập hồ sơ đề nghị theo quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ghi nhận và chuyển các kiến nghị này đến Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu; trường hợp có đủ cơ sở thì chỉ đạo chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc đưa vào Chương trình.
Phương Thu - TTTĐ