“Tôi sai rồi, tôi rất ân hận...”
Đầu tháng 5/2019, một vụ tai nạn nghiêm trọng có nguyên nhân liên quan đến rượu bia đã xảy ra trong hầm Kim Liên (Hà Nội) khiến 2 người phụ nữ tử vong. Lực lượng chức năng xác định, khoảng 12h đêm 30/4/2019, bước sang ngày 1/5/2019, Lê Trung Hiếu (SN 1980, trú tại phố Văn Cao, quận Ba Đình), điều khiển xe ô tô Mercedes màu trắng đến hầm Kim Liên thì đâm vào chiếc xe Honda Vision đi cùng chiều.
Lực đâm quá mạnh khiến 2 phụ nữ đi xe máy là chị Đinh Thị Hải Yến, SN 1976, ở Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và Trần Thị Quỳnh, SN 1976, ở Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội tử vong.
Năm 2019, Lê Trung Hiếu, đã sử dụng rượu bia, gây tai nạn làm 2 người thiệt mạng
Ngay sau khi gây tai nạn, Lê Trung Hiếu đã bị người dân và lực lượng chức năng bắt giữ, đưa về Công an quận Hai Bà Trưng để phục vụ công tác điều tra. Tại cơ quan công an, Lê Trung Hiếu khai nhận tối 30/4, anh ta đi dự họp lớp ở một quán bia trên phố Thợ Nhuộm, sau đó đưa một số người bạn về. Thời điểm xảy ra tai nạn, Hiếu ngồi trên xe một mình. Kết quả kiểm tra cũng như lời khai của tài xế cho thấy, anh ta đã sử dụng bia rượu.
Được biết, kết quả kiểm tra nồng độ cồn tại thời điểm sau khi tài xế Hiếu gây tai nạn cho thấy tài xế này đã vi phạm nồng độ cồn khi đo được 0,751 mg/lít khí thở. Đây là mức vi phạm rất nặng, bởi chỉ cần vi phạm 0,4 miligam/lít khí thở, tài xế điều khiển xe ôtô đã bị xử phạt ở mức cao nhất là 17 triệu đồng.
“Tôi sai rồi, tôi rất ân hận” - Hiếu trả lời tại Cơ quan điều tra (CQĐT). Sau khi thu thập đủ chứng cứ, Cơ quan CSĐT Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ” và khởi tố bị can đối với Lê Trung Hiếu.
Chiếc xe do Hiếu điều khiển gây tai nạn trong hầm Kim Liên
Tại trại giam Thanh Lâm, phạm nhân Nguyễn Hữu Hải hiện đang trải qua những ngày tháng sau song sắt để đền bù sai lầm gây ra sau khi sử dụng rượu bia. Sau khi gây tai nạn, gia đình Hải gần như sạt nghiệp vì bồi thường cho nạn nhân. Cả gia đình chỉ sống bằng nghề làm ruộng nên thu nhập chả đáng là bao. Thế nên, khi Hải gây họa thì mọi tài sản đều “đội nón ra đi” để cứu chữa cho người bị nạn. Ở chiều ngược lại, nạn nhân cũng không qua khỏi, lại phải lo ma chay và chăm sóc con nạn nhân - gia đình anh trở nên khánh kiệt. Hải vào tù, để lại món nợ khổng lồ cho vợ con, gia đình.
Nguyễn Hữu Hải ân hận: “Từ bài học của tôi, tôi mong mọi người tuyệt đối đừng lái xe khi đã uống rượu bia hoặc sử dụng chất kích thích. Tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tai nạn không chỉ làm chết, bị thương người khác mà chính mình phải trả giá đắt”.
Đã uống rượu bia thì không lái xe
Trở lại với trường hợp của phạm nhân Nguyễn Hữu Hải, theo cán bộ quản giáo thì sau khi vào trại, Hải luôn hối hận vì mình đã gây họa cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Anh ta thường ân hận rằng đã hiểu về tác hại của rượu bia nhưng vẫn không chấp hành, dẫn đến hậu quả nặng nề.
Tương tự, Lê Trung Hiếu cũng nói rằng, anh ta đã từng biết vụ tai nạn xảy ra ở đường Láng do người đàn ông say rượu gây ra khiến một chị lao công tử vong. Không ngờ, tai họa cũng đến với mình do uống rượu bia.
Đã uống rượu bia thì không lái xe (Ảnh minh họa)
Như vậy, rõ ràng, những lái xe gây tai nạn đều biết, hiểu tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông nhưng vì vui họ đã không lường được hậu quả khiến bản thân, gia đình chịu nhiều hệ lụy. Không chỉ thế, các nạn nhân của họ còn mất sức khỏe, mất đi cơ hội sống khiến con cái, gia đình của họ mồ côi, gánh chịu đau thương.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, để toàn dân nhận thức tác hại của bia rượu và hạn chế sử dụng, trước hết phải phổ biến tác hại của rượu bia; Thứ hai là giáo dục nêu gương, người ta bảo “thủ trưởng nào phong trào ấy”. Thủ trưởng mà không uống thì nhân viên trong cơ quan cũng sẽ không uống.
Đặc biệt, ông Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta đừng nhầm lẫn chuyện say rượu thì lái xe mới nguy hiểm mà phải khẳng định, đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Theo ông Hùng, Ủy ban ATGT quốc gia mới đây thực hiện một nghiên cứu đối với những người gây tai nạn sau khi sử dụng rượu bia. 70% người lấy lý do rằng đường gần hoặc rất tỉnh táo, tự tin; Chỉ 30% là nhận tôi say xỉn, tôi uống rượu bia gây tai nạn. Do đó trong tổng thể các giải pháp thì xử phạt luôn là giải pháp cuối, biện pháp giáo dục tuyên truyền, chủ động phòng ngừa là mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất.
TS Đỗ Mạnh Hùng, Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt - Đức cho rằng, văn hóa uống rượu bia khi tham gia cuộc vui là truyền thống ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc đầu tiên chúng ta nên giáo dục từ học sinh ngồi trên ghế nhà trường về tác hại của rượu bia. Chúng ta phải hiểu rõ rằng, nếu uống mức độ thì sẽ làm tăng cuộc vui, còn uống quá nhiều thì tác hại đầu tiên thuộc về thể chất của người uống. Rượu bia ảnh hưởng đến gan, thận, nhiễm độc thần kinh, gây ra di chứng, hậu quả nặng nề nếu lạm dụng, sử dụng trong thời gian quá nhiều.
Lưu Thủy - TTTĐ