Đại học Giao thông vận tải có 4 phương thức xét tuyển
Cụ thể, Đại học Giao thông vận tải sẽ sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển. Ngày 22/3, Đại học Giao thông vận tải ra thông báo đầu tiên về phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2022 vào 31 ngành đào tạo.
Với cơ sở Hà Nội, trường tuyển 4.150 chỉ tiêu cho các chương trình đại trà, tiên tiến, chất lượng cao và 60 chỉ tiêu cho các chương trình liên kết quốc tế. Tại phân hiệu ở TP HCM, trường tuyển 1.470 chỉ tiêu.
Ảnh minh họa
Đại học Giao thông vận tải sử dụng 4 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng và dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022; Dựa vào kết quả học bạ THPT; Xét kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; Xét tuyển kết hợp thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.0 trở lên và tổng điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT trong tổ hợp đạt 12 điểm trở lên (gồm Toán và một môn khác Ngoại ngữ). Trong số này, phương thức dựa vào kỳ thi đánh giá tư duy là mới so với năm ngoái.
Học viện Tài chính sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực
Trong khi đó, năm 2022, Học viện Tài chính tuyển 4.000 sinh viên, trong đó dành ít nhất 50% để tuyển thẳng và xét học sinh giỏi bậc THPT.
Ngoài tuyển thẳng và xét học sinh giỏi ở bậc THPT (tối thiểu 50%), Học viện Tài chính dành 5% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Số còn lại xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và xét tuyển kết hợp.
Với phương thức xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT, thí sinh được đăng ký vào tất cả ngành học nếu có hạnh kiểm ba năm THPT xếp loại tốt, từng tham gia thi chọn đội tuyển hoặc là thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic, thi khoa học kỹ thuật quốc tế hoặc đoạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia môn Toán, Lý, Hóa, Tin học, Tiếng Anh, Văn.
Thí sinh có học lực giỏi ba năm THPT, trong đó kết quả lớp 12 của mỗi môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển không dưới 7 cũng được xét theo phương thức này.
Nếu chỉ có giỏi hai năm, trong đó có lớp 12, thí sinh cần đáp ứng thêm một trong các yêu cầu: Có giải trong các kỳ thi cấp tỉnh môn Toán, Vật lý, Hóa học, Tin học, Tiếng Anh, Ngữ văn; Có chứng chỉ IELTS tối thiểu 5.5, TOEFL iBT 55, SAT 1050/1600, ACT từ 22 điểm trở lên. Thí sinh học lực giỏi một năm lớp 12 và đạt yêu cầu trên chỉ đủ điều kiện xét tuyển thẳng vào hai ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế.
Dự kiến, thời gian nhận hồ sơ đăng ký theo phương thức này từ ngày 28/5 - 8/6.
Với xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, Học viện Tài chính yêu cầu học sinh đạt tổng điểm ba môn thi thuộc một tổ hợp đăng ký (đã cộng điểm ưu tiên) là từ 19 trở lên đối với chương trình chuẩn và 20 với chương trình chất lượng cao. Mức này cao hơn năm ngoái một điểm.
Ở phương thức kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải có điểm thi hai bài Toán, Văn hoặc Toán, Lý hoặc Toán, Hóa từ 11 trở lên và có chứng chỉ IELTS tối thiểu 5.5, TOEFL iBT đạt 55, Cambridge FCE, SAT 1050/1600 hoặc ACT tối thiểu 22. Trong đó, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ quy đổi sang thang điểm 10.
Một phương thức mới được Học viện Tài chính áp dụng năm nay là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo đó, thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực từ 100 hoặc đánh giá tư duy 25 trở lên sẽ được xét.
Điểm xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực được tính theo công thức:
Điểm xét tuyển = Điểm Đánh giá năng lực * 30/150 + Điểm ưu tiên.
Điểm xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá tư duy được tính theo công thức:
Điểm xét tuyển = Điểm Đánh giá tư duy * 30/40 + Điểm ưu tiên.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lần đầu tiên trực tiếp cộng điểm thưởng
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lần đầu tiên trực tiếp cộng điểm thưởng
Năm 2022, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tuyển sinh bậc cao học đối với người tốt nghiệp đại học loại giỏi ngành phù hợp.
Cụ thể, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển thẳng thí sinh tốt nghiệp đại học chính quy ngành đúng hạng khá trở lên trong thời hạn 12 tháng thuộc các chương trình đào tạo của Đại học Hà Nội như tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao (được Nhà nước đầu tư), các chương trình đào tạo đã được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín (AUN-QA, ABET...) hoặc các tổ chức kiểm định của Việt Nam được Bộ GD&ĐT công nhận.
Thí sinh tốt nghiệp đại học chính quy ngành đúng hạng giỏi trở lên trong thời hạn 12 tháng các chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng được tuyển thẳng.
Ngoài ra, năm nay, trường lần đầu tiên tuyển thẳng thí sinh tốt nghiệp một số ngành đại học chính quy ngành phù hợp hạng giỏi trở lên trong thời hạn 12 tháng.
Với quy định mới, chỉ cần tốt nghiệp loại giỏi, cử nhân ngành Báo chí, Quan hệ công chúng, Truyền thông quốc tế, Truyền thông đại chúng... được tuyển thẳng cao học báo chí (định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng) hay Quản trị báo chí truyền thông.
Cử nhân ngành Văn học, Sư phạm Ngữ văn được xét tuyển thẳng vào cao học ngành Văn học. Cử nhân ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, các ngành Du lịch, Quản trị khách sạn hay Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống đều được xét tuyển thẳng vào cao học ngành Du lịch.
Chính sách tuyển thẳng cử nhân loại giỏi ngành phù hợp được áp dụng cho 44 ngành đào tạo thạc sĩ của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Đây cũng là năm đầu tiên 8 ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội được kiểm định bởi tổ chúc kiểm định quốc tế có uy tín (AUN- QA, ABET...) hoặc các tổ chức kiểm định của Việt Nam được Bộ GD&ĐT công nhận cho phép sinh viên chính quy ngành đúng hạng khá trở lên được xét tuyển thẳng cao học.
Tám ngành đó là Văn học, Tâm lý học, Xã hội học, Chính trị học, Lịch sử, Việt Nam học, Quốc tế học, Lưu trữ học.
Bên cạnh đó, năm 2022, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội lần đầu tiên trực tiếp cộng điểm thưởng nghiên cứu khoa học vào điểm trung bình chung toàn khóa của sinh viên để xét tuyển thẳng.
Còn ở bậc đại học, năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tuyển thẳng thí sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định đặc thù, hướng dẫn tuyển sinh của trường.
Năm 2002, trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) để tuyển sinh cho các trường thành viên. Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 16 đợt thi, trong đó, 2 đợt thi đã diễn ra vào cuối tháng 2 và từ ngày 18 - 20/3.
Ngọc Minh - TTTĐ