Với những biện pháp quyết liệt và đúng đắn Việt Nam đang ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19
Chủ động, quyết liệt ngay từ đầu
Dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn đang lây lan với tốc độ nhanh chóng ra khắp thế giới với số trường hợp mắc và tử vong không ngừng gia tăng. Tính tới ngày 19-3, đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm này đã xuất hiện tại 177 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 220.000 người mắc bệnh, 8.978 người tử vong và gần 7.000 người khác đang trong tình trạng nguy kịch. Đã 3 tháng kể từ khi Trung Quốc chính thức công bố các ca mắc Covid-19 đầu tiên tại thành phố tâm dịch Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.
Nhìn ra thế giới mới thấy những nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã mang lại kết quả đáng ghi nhận thế nào. Gần 2 tháng trôi qua kể từ khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên là người trở về từ thành phố Vũ Hán, Việt Nam tính tới ngày 19-3 mới ghi nhận 76 trường hợp nhiễm bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong, thuộc nhóm những quốc gia và vùng lãnh thổ có ít người mắc và không có người tử vong trên thế giới hiện nay. Kết quả trên càng đáng ghi nhận khi chúng ta là một trong những quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc lục địa sớm ghi nhận trường bệnh nhân Covid-19, đồng thời Việt Nam có giao lưu đường không, đường bộ, đường biển cùng rất nhiều đường mòn, lối mở với quốc gia tâm dịch. Điều đó đã cho thấy việc giảm thiểu một cách thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay là kết quả của những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ và đúng đắn.
Ngay khi trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại nước ta được xác nhận, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công bố dịch bệnh trên toàn quốc để áp dụng các biện pháp thích đáng nhằm phòng chống một cách có hiệu quả nhất. Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ công bố một dịch bệnh truyền nhiễm kể từ khi Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm có hiệu lực thi hành từ năm 2007, điều mà người đứng đầu Chính phủ nước ta chưa lần nào công bố dịch cho dù đã xảy ra các dịch cúm H1N1 hay đại dịch Ebola khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã sớm vào cuộc với sự quyết tâm và hành động quyết liệt rất cao.
Với phương châm và nguyên tắc xuyên suốt “Chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị nước ta đã cùng “xung trận” với quyết tâm bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh cũng như trường hợp tử vong. Trên thực tế, Việt Nam đã triển khai đồng bộ ở mức độ cao để phòng chống dịch, thực hiện cách ly đối với tất cả những người nhiễm, nghi nhiễm và người đến từ vùng dịch; xây dựng các bệnh viện dã chiến, các trung tâm cách ly... Việc toàn bộ các trường học trên cả nước cho học sinh nghỉ học được xem là biện pháp hiệu quả để phòng tránh dịch Covid-19 lây lan.
Nhằm hạn chế tối đa mầm bệnh Covid-19 từ bên ngoài, chúng ta đã tạm dừng cấp thị thực cho công dân các nước có dịch. Mới đây nhất, ngày 19-3, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã quyết định tạm dừng tất cả các chặng bay quốc tế tới ngày 30-4-2020 để phòng chống đại dịch Covid-19. Để phòng chống dịch ở mức độ cao nhất có thể nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, chúng ta chấp nhận những thiệt hại về kinh tế.
Thế giới đánh giá cao các biện pháp của Việt Nam
Cộng đồng thế giới thời gian qua đã ghi nhận và đánh giá cao các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã đánh giá cao sự vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt của Chính phủ Việt Nam. WHO ấn tượng sự hợp tác của toàn thể người dân Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện lòng tin của người dân, toàn xã hội với công tác này. Công tác cách ly, khoanh vùng dập dịch tại Việt Nam đã được thực hiện tốt, điển hình là ở Vĩnh Phúc vừa qua và phố Trúc Bạch (Hà Nội) hiện nay, không thấy sự xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân vì cách ly.
Đại diện WHO cũng bày tỏ ấn tượng về 2 chiến lược mà Việt Nam đang thực hiện là “4 tại chỗ” và nguyên tắc cách ly. Nguyên tắc “4 tại chỗ” được WHO đánh giá rất cao, thay vì chuyển bệnh nhân từ tuyến dưới lên tuyến trên, điều trị ngay tại cơ sở, không phải vận chuyển, lại có đội phản ứng tại chỗ và điều này rất hiệu quả. WHO khuyến khích Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt chống dịch như hiện nay, thậm chí áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa; rà soát lại các kế hoạch và kích hoạt cần thiết khi dịch bệnh lây lan rộng.
Điều phối viên Liên hợp quốc Kamal Malhotra cũng đánh giá rất cao nỗ lực cũng như các biện pháp mạnh mẽ, chủ động mà Việt Nam đang thực hiện để chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng. Ông cho biết, Liên hợp quốc đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu chống dịch Covid-19 của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.
Thể hiện trách nhiệm quốc tế, Việt Nam cùng với việc ứng phó đại dịch Covid-19 để đảm ban an toàn, chữa trị cho người dân của mình cũng tận tâm trong việc bảo đảm an toàn và chữa chữa trị cho công dân các nước khác mắc bệnh khi tới Việt Nam. Đại sứ Anh Gareth Ward ngày 17-3 đã làm clip tiếng Việt cảm ơn Việt Nam hỗ trợ công dân, du khách Anh, trong đó mong muốn được gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả y bác sỹ, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam đã giúp hỗ trợ những công dân Anh trong thời gian qua. Rất nhiều du khách Anh cũng đã bày tỏ lòng biết ơn đối với Việt Nam về sự hỗ trợ tận tình, chu đáo.
Trong nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng đạt được những thành tựu ban đầu đáng ghi nhận, trong đó nghiên cứu sản xuất thành công bộ sinh phẩm chẩn đoán xét nghiệm (bộ kít) SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19. Ngoài phục vụ công tác chống dịch trong nước, hiện đã có 20 quốc gia đàm phán mua bộ kít này của Việt Nam. Dù đang kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng chúng ta cũng tuyệt đối không chút chủ quan, lơ là, trái lại luôn lường trước những tình huống khó khăn, xấu nhất. Hiện chúng ta đã hoàn thành xây dựng các kịch bản chống dịch với 5 cấp độ, trong đó cấp độ cao nhất là dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng với trên 3.000 đến 30.000 người mắc.
Thể hiện sự sẵn sàng chống dịch cao độ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết Hà Nội đã lường tới phương án cách ly cả phường, cả quận để chống dịch bệnh. Với quyết tâm cao độ cùng các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, chúng ta có niềm tin tiếp tục ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19.