Bán xe đã thế chấp Ngân hàng?
Ngày 02/11/2016, bà Hoàng Minh Tâm và chồng là ông Nguyễn Ngọc Nam đã lặn lội từ Yên Bái xuống Hà Nội để tìm mua một chiếc xe ô tô Mazda CX5 để làm phương tiện đi lại. Thời điểm này do nhu cầu mua xe đi tết của nhiều gia đình nên vợ chồng bà Tâm không thể đặt mua được xe mới trước tết âm lịch. Qua tìm hiểu được biết Showroom Việt Nhật Auto có bán loại xe trên. Vợ chồng bà Tâm đã đến Showroom ô tô Việt Nhật Auto - 79 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội (Việt Nhật Auto) do ông Phạm Văn Xuyên chủ cơ sở kinh doanh để hỏi mua một chiếc xe ô tô Mazda CX5.
Showroom Việt Nhật Auto có địa chỉ 79 Nguyễn Chánh.
Vợ chồng bà Tâm được ông Phạm Văn Xuyên giới thiệu cho chiêc xe ô tô Mazda CX5 màu xanh đen mang biển kiểm soát 30E - 624.50 là một chiếc xe còn khá mới. Theo thông tin ông Xuyên cung cấp cho vợ, chồng bà Tâm thì đây là xe ô tô Việt Nhật Auto đã mua lại hợp pháp từ bà Trịnh Thị Đang, và bà Đang bán xe mới đăng ký vì được tặng và không có nhu cầu sử dụng. Phía Việt Nhật Auto khẳng định xe thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Việt Nhật Auto, không thế chấp, không tranh chấp hay vi phạm pháp luật. Việt Nhật Auto phát giá xe là 1.000.000.000 VNĐ (Một tỷ đồng) và cung cấp cho bà Tâm xem Đăng ký xe, bảo hiểm TNDS xe, Đăng kiểm xe. Tin vào lời quảng cáo “có cánh” ông Xuyên - đại diện cho Việt Nhật Auto nói và do nhu cầu đang cần xe đi tết lại không thể đăng ký mua được xe trước tết nếu mua từ hãng. Vợ, chồng bà Tâm đã chấp nhận mua xe với giá do Việt Nhật Auto đề xuất.
Chiếc xe hơi Mazda CX 5 BKS 30E-624.50 được Việt Nhật Auto 79 Nguyễn Chánh bán cho khách hàng với đăng kí giả.
Để củng cố thêm niềm tin cho hai vợ, chồng bà Tâm, phía Việt Nhật Auto đưa ra mẫu “Giấy mua bán xe” với nội dung cam kết: “Chiếc xe trên là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp duy nhất của bên bán. Trong quá trình sử dụng (tính đến thời điểm trước khi bán xe) bên bán cam kết chiếc xe trên không vi phạm pháp luật trong thời gian đã lưu hành, không cầm cố, không thế chấp và không có tranh chấp với bấy kỳ ai tại thời điểm bán xe, nếu sai bên bán hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sau khi bên bán chuyển giao quyền sở hữu chiếc xe cho bên mua mà vẫn tồn tại những dấu hiệu vi phạm pháp luật phát sinh trước thời điểm bên bán bán xe cho bên mua mà bên bán chưa giải quyết thì bên bán sẽ chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật đối với những vi phạm này và đứng ra giải quyết mọi vấn đề về quyền tài sản của chiếc xe đối với cơ quan pháp luật đồng thời bồi thường mọi thiệt hại về kinh tế bằng giá trị chiếc xe đã bán cho bên mua.”
Tin tưởng vào uy tín của một Showroom lớn tại Hà nội, tin tưởng vào lời cam kết của Việt Nhật Auto trên giấy mua bán xe vợ, chồng bà Tâm đã đồng ý mua chiếu xe Mazda CX5 nói trên. Tại thời điểm giao dịch mua bán xe, vợ chồng bà Tâm được thực hiện phía Việt Nhật Auto giao cho các giấy tờ như: Giấy mua bán xe có chữ ký của ông Phạm Văn Xuyên và đóng dấu của Showroom Việt Nhật Auto, đăng ký xe mang tên Trịnh Thị Đang do Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cấp ngày 28/7/2016, giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS của Chủ xe ô tô số CI16CB0024850, giấy chứng nhận kiểm định ATKT và BVMT.
Vì thời điểm mua xe đã gần đến Tết Nguyên Đán nên vợ chồng bà Tâm chưa yêu cầu Việt Nhật Auto làm thủ tục sang tên cho mình theo quy định. Hơn nữa vì tin tưởng vào ủy tín của Việt Nhật Auto nên hai vợ, chồng bà Tâm đã hoàn toàn yên tâm tình trạng pháp lý của chiếc xe đã mua và yên tâm sử dụng.
Đến ngày 02/08/2017 khi bà Tâm và chồng đang lái xe chở con đi khám bệnh thì bị lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Yên Bái dừng xe kiểm tra. Vợ, chồng bà Tâm đã xuất trình toàn bộ giấy tờ xe mà mình có khi mua tại Việt Nhật Auto. Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Yên Bái đã lập biên bản tạm giữ đồ vật, tài sản gồm có: 01 xe ô tô biển số 30E-624.50 nhãn hiện Mazda CX5, 01 Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 288805 do Phòng Cảnh sát giao thông – Công an thành phố Hà Nội cấp, 01 Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuận và bảo vệ môi trường.
Ngỡ ngàng vì tài sản bị công an thu giữ với lý do chiếc xe Mazda CX5 nói trên đã được thế chấp cho ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội và phía ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội đã có công văn nhờ công an Yên Bái hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm tiền vay với tài sản là xe ô tô Mazda CX5 BKS 30E-624.50.
Quá trình làm việc sau đó ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội đã xuất trình 01 giấy đăng ký xe ô tô số 288805, mang tên Trịnh Thị Đang, biển số 30E-624.50 do thượng tá Nguyễn Văn Tòng – Phó trưởng phòng CSGT- Công an thành phố Hà Nội ký ngày 28/07/2016. Điều đáng nói ông Nguyễn Ngọc Nam (chồng bà Tâm) cũng xuất trình được 01 giấy đăng ký xe ô tô số 288805, mang tên Trịnh Thị Đang, biển số 30E-624.50 do thượng tá Trịnh Văn Sỹ – Phó trưởng phòng CSGT- Công an thành phố Hà Nội ký ngày 28/07/2016.
Việt Nhật Auto lừa dối khách hàng?
Để có cơ sở làm rõ, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Yên Bái đã quyết định trưng cầu giám định với giấy đăng ký xe ô tô do các bên liên quan xuất trình. Ngày 07/08/2017, Công an thành phố Yên Bái – tỉnh Yên Bái ra Thông báo số 667/TB về kết luận giám định xe ô tô. Nội dung thông báo thể hiện: “Căn cứ kết luân giám định số 181/KLGĐ ngày 04/08/2017 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Yên Bái đã xác định: Chứng nhận đăng ký xe ô tô số số 288805, mang tên Trịnh Thị Đang, biển số 30E-624.50 do thượng tá Nguyễn Văn Sỹ – Phó trưởng phòng CSGT- Công an thành phố Hà Nội ký ngày 28/07/2016 mà anh Nguyễn Ngọc Nam xuất trình là chứng nhận đăng ký xe ô tô giả được tạo ra bằng phương pháp in mầu kỹ thuật số. Chứng nhận đăng ký xe ô tô số số 288805, mang tên Trịnh Thị Đang, biển số 30E-624.50 do thượng tá Nguyễn Văn Tòng – Phó trưởng phòng CSGT- Công an thành phố Hà Nội ký ngày 28/07/2016 mà Ngân hàng SHB xuất trình là chứng nhận đăng ký ô tô thật.
Thông báo của công an tỉnh Yên Bái về kết quả giám định mẫu đăng kí của xe ô tô Mazda CX5 BKS 30E-624.50.
Sau khi nhận được thông báo trên vợ, chồng bà Tâm xác định mình đã bị lừa do quá tin tưởng vào uy tín của Showroom ô tô Việt Nhật Auto hơn nữa do tin tưởng vào những giấy tờ do Việt Nhật Auto cung cấp cũng như những lời cam kết trong Giấy mua bán xe của Việt Nhật Auto. Vợ chồng bà Tâm đã xuống Hà Nội tìm đến Việt Nhật Auto để làm việc với mong muốn Việt Nhật Auto – một showroom ô tô lớn tại Hà Nội sẽ thực hiện đúng cam kết như đã nêu trong Giấy mua bán xe. Nhưng sau rất nhiều lần lặn lội từ Yên Bái xuống Hà Nội để gặp mặt ông Phạm Văn Xuyên – đại diện và là chủ showroom Việt Nhật Auto, vợ chồng bà Tâm nhận được chỉ là những lời hứa suông không thực hiện.
Đến tận ngày 20/08/2018, trước thái độ cứng rắn của gia đình bà Tâm, Việt Nhật Auto đã có động thái xoa dịu vợ chồng bà Tâm bằng số tiền 300.000.000 VND (Ba trăm triệu đồng). Điều đáng nói phía Việt Nhật Auto đến thời điểm đó mới xuất trình cho vợ chồng bà Tâm được nhìn thấy Hợp đồng mua bán xe ô tô giữa ông Lê Tiến Thạo và bà Trịnh Thị Đang có chứng nhận của Văn phòng Công chứng Nguyễn Văn Thu và Giấy mua bán xe giữa ông Lê Tiến Thạo và ông Lê Ngọc Sơn hoàn toàn không có giấy mua bán xe giữa Lê Ngọc Sơn và Phạm Văn Xuyên. Những giấy tờ nêu trên khi giao dịch mua bán xe tại thời điểm ngày 2/11/2016 Việt Nhật Auto “cố tình che giấu” để lừa dối khách hàng hay vì một lý do “mờ ám” nào khác?
Ngày 14/12/2018, khi vợ chồng bà Tâm tiếp tục đến làm việc với Việt Nhật Auto. Nghi ngờ việc showroom ô tô Việt Nhật cố tình bán xe giấy tờ giả cho mình nên toàn bộ cuộc đàm phám giữa gia đình bà Tâm và Việt Nhật Auto đã được ghi hình lại. Điều đáng nói tại buổi làm việc, một đại diện của Việt Nhật Auto có nói: “Nếu tắt định vị xe đi thì xe đã không bị bắt”. Tại sao đại diện của Việt Nhật Auto lại có phát ngôn như vậy? Có hay không việc Việt Nhật Auto đã biết nhưng cố tình bán xe Mazda CX5 giấy tờ giả cho gia đình bà Tâm?
Nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật
Trả lời về vấn đề trên luật sư Nguyễn Quang Dũng giám đốc công ty luật TNHH Đại Kim, đoàn luật sư Hà Nội người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Hoàng Minh Tâm cho rằng vụ việc trên có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 4, điều 174, bộ luật hình sự và hành vi của Việt Nhật Auto có dấu hiệu phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại điều 323, bộ luật hình sự.
Luật sư Nguyễn Quang Dũng giám đốc công ty Luật Đại Kim, đoàn luật sư Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Quang Dũng cho rằng khía cạnh pháp lý là cơ sở để Luật Đại Kim cho rằng hành vi của ông Phạm Văn Xuyên có dấu hiệu của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại khoản 4, Điều 174, Bộ luật hình sự như sau:
Thứ nhất: Ông Phạm Văn Xuyên khi làm việc giao dịch với vợ chồng bà Tâm đã khẳng định: “Chiếc xe trên là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp duy nhất của bên bán. Trong quá trình sử dụng (tính đến thời điểm trước khi bán xe) bên bán cam kết chiếc xe trên không vi phạm pháp luật trong thời gian đã lưu hành, không cầm cố, không thế chấp và không có tranh chấp với bất kỳ ai tại thời điểm bán xe, nếu sai bên bán hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Nhưng thực tế, như trong hồ sơ đã thể hiện, Xe ô tô mang biển số 30E – 624.50 đã được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội và chiếc xe không phải đứng tên ông Phạm Văn Xuyên (Giấy đăng ký xe mang tên bà Trịnh Thị Đang). Đây rõ ràng là biểu hiện của hành vi cung cấp thông tin gian dối được mô tả trong điều luật.
Thứ hai: ông Phạm Văn Xuyên – Đại diện Việt Nhật Auto đã cố tình không thực hiện việc thanh toán lại toàn bộ số tiền mua xe cho vợ chồng bà Tâm. Tính đến thời điểm hiện tại ông Phạm Văn Xuyên – Đại diện Việt Nhật Auto mới thanh toán cho vợ chồng bà Tâm số tiền 300.000.000 VND (Ba trăm triệu đồng). Số tiền còn lại không cam kết và cũng không có biểu hiện cho việc thiện chí thanh toán. Đây có thể coi là biểu hiện của việc có mục đích chiếm đoạt tài sản với giá trị tài sản chiếm đoạt lên tới 700.000.000 VND (Bảy trăm triệu đồng) phù hợp với tình tiết định khung quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174: “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;”
Về hành vi có dấu hiệu phạm Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại Điều 323, Bộ luật Hình sự. Đây là một điểm mà Luật Đại Kim tình nghi do đại diện phía Việt Nhật Auto đã nói trong quá trình làm việc với bà Hoàng Minh Tâm: “Nếu tắt định vị xe đi thì xe đã không bị bắt”.
Luật Đại Kim tự hỏi phải chăng Việt Nhật Auto đã biết tình trạng pháp lý của xe là tài sản đã thế chấp? Phải chăng Việt Nhật Auto đã biết về tình trạng tài sản từ trước nhưng vẫn cố tình bán cho vợ chồng bà Tâm vì nghĩ rằng vợ chồng bà Tâm mua xe về Yên Bái nên sẽ không ai có thể tìm xa như thế? Nếu như những câu hỏi trên được cơ quan điểu tra khẳng định trong quá trình xác minh sự thật của vụ án thì hành vi của Việt Nhật Auto có dấu hiệu phạm Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 323, Bộ luật Hình sự. Do tài sản mà Trịnh Thị Đang bán là đang được thế chấp cho Ngân hàng là tài sản của Ngân hàng. Việc làm giả giấy tờ để mua bán là hành vi chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng. Việt Nhật Auto nếu đã biết tài sản đã thế chấp mà cố tình mua bán trao đổi tài sản của Ngân hàng với giá trị tài sản lên đến hơn 1.000.000.000 VND (Một tỷ đồng) đã có dấu hiệu của hành vi phạm Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 323, Bộ luật Hình sự.
Đã hơn 1 năm kể từ khi chiếc xe bị thu giữ nhưng vẫn chưa hề có kết luận hay một câu trả lời thỏa đáng từ phía cơ quan điều tra. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật, trả lại công bằng cho những người bị hại.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về nội dung trên!
Theo Khoẻ 365/GĐ&PL