Người dân góp chăn đệm, mũ bảo hiểm… cùng ứng cứu
Sau khi nhận được thông tin vụ cháy vào 24h đêm 13-9 tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, xác định được tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã huy động tối đa lực lượng gồm 10 kíp cấp cứu với hơn 30 cán bộ, nhân viên cùng đầy đủ trang thiết bị sơ cấp cứu lập tức đến hiện trường.
Trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ huy công tác cấp cứu, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Nguyễn Thành Quân chia sẻ: “Thời điểm đó, công việc của chúng tôi diễn ra rất khẩn trương. Nhân viên y tế đã nỗ lực không mệt mỏi, làm việc liên tục xuyên đêm, suốt từ 24h đêm đến 8h sáng nay. Cứ có một bệnh nhân được lính cứu hỏa đưa ra bên ngoài là lập tức được nhân viên của Trung tâm 115 sơ cấp cứu và chuyển đến bệnh viện”.
Đảm nhận công việc cấp cứu người bệnh đến nay đã 13 năm nhưng đây là lần đầu tiên, chị Nguyễn Thị Ngọc Tú, nhân viên y tế của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chứng kiến một vụ cháy gây nhiều thương vong đến vậy.
“Không chỉ cấp cứu những người bị ngạt khí, chúng tôi còn sơ cứu cho những trường hợp bị gãy chân, gãy tay sau khi nhảy từ trên tầng cao xuống để thoát thân. Chúng tôi phải liên tục thay phiên nhau, làm sao để cấp cứu người bệnh được nhanh chóng và kịp thời nhất”, chị Tú nói.
“Khi tiếp nhận 2 thi thể bị ngạt khí, trong đó có một người lớn và một trẻ em, tim tôi như nghẹn lại...”, chị Tú kể lại với phóng viên Báo Hànộimới.
Chị Ngô Thị Tuyết Hạnh, nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cũng xúc động nhớ lại thời khắc cấp cứu cho bệnh nhân tại vụ cháy: “Trong vụ cháy, nhiều người đã ra ban công tìm cách để nhảy xuống. Người dân xung quanh đã mang rất nhiều tấm đệm dày hỗ trợ người dân khi nhảy xuống phía dưới. Nhờ có những chiếc đệm đó mà nhiều trường hợp nhảy xuống chỉ bị thương và được cứu sống...”.
Không chỉ huy động những tấm đệm mút, người dân còn hỗ trợ chăn, mũ bảo hiểm, nước uống… cùng ứng cứu người bị nạn với lực lượng chức năng. Ông Nguyễn Thành Quân cho biết, trong quá trình các lực lượng triển khai cấp cứu bệnh nhân tại hiện trường cũng đã được người dân hỗ trợ hết sức tích cực. Không chỉ cung cấp nước uống cho nhân viên y tế, lính cứu hỏa, người dân còn đưa mũ bảo hiểm để lực lượng chức năng đội khi vào hiện trường và mang chăn quấn cho người bị nạn...
Huy động tối đa lực lượng hỗ trợ
Không chỉ lực lượng cấp cứu, ngay trong đêm, các bệnh viện đã khẩn trương huy động tối đa lực lượng y, bác sĩ để cấp cứu kịp thời người bệnh.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc bệnh viện Đào Xuân Cơ cho biết, ngay sau khi tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên, bệnh viện đã hội chẩn, phối hợp với các chuyên khoa hồi sức cấp cứu, nhi, chống độc…, đồng thời, huy động lực lượng cấp cứu tốt nhất. Các bệnh nhân nhập viện chủ yếu bị ngạt khói, đa chấn thương ở các mức độ khác nhau.
Nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai cung cấp những suất cơm miễn phí cho người bệnh.
“Các nạn nhân đến viện đều trong tình trạng hoảng loạn, nhiều người thân trong gia đình đều nhập viện, không có người chăm sóc. Các bác sĩ chúng tôi đều coi bệnh nhân như người nhà để chăm sóc”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho hay.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết: “Việc cứu chữa người bệnh được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, ngay từ đêm qua, bệnh viện đã huy động lực lượng cấp cứu nhanh chóng, tối ưu nhất có thể, để hạn chế tối đa trường hợp tử vong”.
Hiện tại, các bệnh nhân trong vụ cháy được miễn phí điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ngay trưa ngày 13-9, nhân viên bệnh viện đã mang đến tận giường bệnh những suất cơm nóng hổi cho bệnh nhân.
Tại Trung tâm Nhi khoa của Bệnh viện Bạch Mai, bà T.T.Đ ôm chặt lấy cháu gái 2 tuổi vẫn đang trong tâm trạng hoảng loạn sau vụ cháy xúc động cảm ơn các y, bác sĩ đã tận tình cứu chữa người thân của mình.
Bà Đ ôm cháu gái 2 tuổi vẫn còn hoảng loạn sau khi vụ cháy xảy ra.
Cố kìm nước mắt, bà Đ kể lại, gia đình con gái bà có 5 người, gồm 2 vợ chồng và 3 con. Đêm qua, đang ở quê Hà Nam, bà Đ nhận được hung tin cả nhà con gặp nạn nên vội vàng đến Bệnh viện Bạch Mai.
Theo gia đình bà Đ, khi hỏa hoạn xảy ra, người bố ôm con 2 tuổi nhảy xuống từ tầng 3. May mắn, bé an toàn, còn bố bị gãy tay. Người mẹ đưa 2 con lên tầng thượng (1 bé 8 tuổi, 1 bé 10 tuổi), sau đó cùng chồng nhảy từ tầng 3 xuống. Người vợ bị gãy xương phải và phải phẫu thuật ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
“Cháu trai 8 tuổi đã được lính cứu hoả cứu. Hiện bố và hai con đang được chăm sóc tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, bé gái lớn chưa tìm được” - nói đến đây, bà Đ bật khóc vì lo lắng cho cô cháu gái lớn.
Thu Trang - Hà Nội mới