Đầu bếp nổi tiếng Bobby Chinn trên Fanpage của mình gần đây đã có bài viết gây xúc động: “Khi nghĩ đến người Việt Nam, tôi luôn cúi đầu với sự tôn trọng hết mực (…) Những người trong bức hình dưới đây đều là các tình nguyện viên ở nơi bố tôi đang được cách ly tập trung. Họ không có giường và thậm chí phải ngủ trên đường, trên vỉa hè. Đó là sự cống hiến”.
Bức ảnh được Bobby Chinn đính kèm trong bài viết khiến nhiều người rơi nước mắt vì xót xa. Đó là bức ảnh ghi lại giấc ngủ vội vàng của lực lượng hậu cần trong khu ký túc xá ĐHQG TPHCM.
Khi lượng người về nước và buộc phải cách ly tập trung ngày một đông, khối lượng công việc của lực lượng hậu cần tại các khu cách ly lại một nhiều thêm.
Chuẩn bị nơi ở sạch sẽ, cung ứng thức ăn, nhu yếu phẩm, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu… Tất cả đều phải thực hiện một cách nhanh chóng, nhịp nhàng, cẩn trọng mà vẫn luôn niềm nở, tạo sự thoải mái nhất cho những người được cách ly. Họ được gọi là “những người hùng thầm lặng” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 gian truân này.
Thế nhưng, áp lực lên họ dường như vẫn chưa dừng lại. Những dòng người vẫn tập nập đổ về tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người thân tại các khu cách ly.
Tại KTX Đại học Quốc gia ở Thủ Đức (TPHCM), hoạt động tiếp tế rầm rộ với hàng dài xe ô tô, xe gắn máy, chen chúc, đứng san sát nhau với hàng loạt các vật dụng từ bánh kẹo, trái cây, đồ ăn vặt, chăn mền, quạt máy... Dưới tiết trời nắng gắt của phương Nam, cảnh tượng này khiến người ta không khỏi cảm thấy “nghẹt thở”.
Ở Hà Nội, tình hình cũng không khác là bao. Các loại đồ tiếp tế liên tục được gửi vào khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội).
Bộ phận phục vụ công tác hậu cần trở thành anh chị giao liên, thoăn thoắt chạy qua, chạy lại chuyển đồ, không quản ngại khuân vác cả hành lý cồng kềnh. Họ không hề kêu ca, phàn nàn, than vãn.
Đành rằng, sự lo lắng của gia đình, người thân, sự sốt ruột của các bậc làm cha làm mẹ là dễ hiểu, nhưng nhìn lại nỗi vất vả, hi sinh của các tình nguyện viên, các chiến sĩ tuyến đầu… thực sự không đành lòng.
Mỗi người tham gia cách ly trải qua 14 ngày là để đảm bảo an toàn cho bản thân, cho chính gia đình cũng như đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng chung.
14 ngày có thể không ngắn ngủi, nhưng những con người trong lực lượng tiên phong chống dịch, họ sẽ vẫn phải đeo bám cuộc chiến này cho đến khi dịch kết thúc, chưa biết sẽ bao lâu, bao xa.
Cho nên, đảm bảo cả sức khoẻ và tinh thần cho lực lượng hậu cần cũng là để đảm bảo cho cuộc chiến chống dịch trong điều kiện “trường kỳ” được thành công.
Người viết hoàn toàn thông cảm với tâm lý của các gia đình có con em, người thân trong diện cách ly. Sự động viên và chia sẻ là cần thiết. Thế nhưng, lo lắng đến mức mang cả tiệm bách hoá vào phòng cách ly thì thực sự là thái quá!
Theo khẳng định của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, trong thời gian cách ly 14 ngày, bên cạnh việc theo dõi sức khỏe, người cách ly luôn được đảm bảo đầy đủ các yêu cầu thiết yếu như nơi ở, các vật dụng vệ sinh cá nhân, suất ăn được cấp tận phòng cách ly 3 bữa mỗi ngày với khẩu phần ăn đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trong suốt quá trình cách ly. Nên việc tiếp tế “quy mô lớn” như vừa qua là không cần thiết.
Chưa kể, việc tập trung tiếp tế không chỉ gây mất trật tự, an ninh mà còn đi ngược với thông báo của Chính phủ về việc hạn chế tập trung đông người. Việc tụ tập đông người sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh Covid-19 và sẽ khiến cho việc phòng chống dịch bệnh thêm khó khăn.
Ở Hà Nội, Chủ tịch UBND TP - ông Nguyễn Đức Chung cũng lưu ý rằng, những món đồ không được khử khuẩn khi gửi vào trung tâm cách ly sẽ rất nguy hiểm. Do đó, Hà Nội đề nghị các đơn vị quản lý không tiếp nhận những món đồ này và yêu cầu các gia đình cũng không tiếp tế nữa.
100.000 đồng/ngày từ ngân sách để chi cho mỗi người cách ly, thiết nghĩ cũng đâu quá ít ỏi?
Bản chất sự quan tâm người thân là tốt, nhưng đôi lúc sẽ là vô cảm và kém nhân văn khi tạo gánh nặng cho người khác. Nếu về được Đất Mẹ là bình an, thì xin hãy cứ bình tĩnh, tin tưởng và hợp tác!