Xuất khẩu nông sản - bản lĩnh vươn lên

13/02/2021 10:29

Kinhte&Xahoi Năm 2020, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh: Bão chồng lên bão, miền Trung “oằn mình” vì mưa lũ, rồi bệnh Dịch tả lợn châu Phi chưa qua, dịch Covid-19 đã tới… Thế nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào khi nhìn vào con số 41,2 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt được. Đây là kết quả thành công từ những nỗ lực không ngừng của ngành Nông nghiệp, đồng thời cũng khẳng định: Nông nghiệp nước nhà luôn thể hiện được bản lĩnh là một trụ đỡ vững chắc cho ổn định, phát triển kinh tế - xã hội…

Những mặt hàng tỷ đô

Trước hết, 2020 là năm thành công đối với mặt hàng lúa gạo - khi duy trì mức tăng trưởng ổn định trước những chồng chất khó khăn của xuất khẩu nông sản thời Covid-19. Đáng chú ý, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1-8-2020), hạt gạo Việt Nam đã mở thông cánh cửa đến với những thị trường khó tính nhất để định vị thương hiệu và xác lập cơ hội mới.

Ngày 22-9-2020, Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) công bố xuất khẩu 126 tấn gạo thơm sang châu Âu - đây là lô hàng đầu tiên được hưởng thuế suất 0% kể từ khi Hiệp định EVFTA được ký kết. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn không giấu nổi niềm vui: “Tập đoàn đã xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có gạo tới các thị trường lớn trên thế giới, song việc tiếp cận thị trường châu Âu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Có thể nói, Hiệp định EVFTA đã khẳng định vững chắc vị thế của hạt gạo Việt Nam trên một thị trường luôn có sự đòi hỏi khắt khe không chỉ về chất lượng…”.

Trong niềm tự hào “cây lúa Việt Nam”, “hạt gạo Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định: 2020 là một năm khó khăn, với nông nghiệp nước nhà không chỉ là chuyện bão chồng lên bão, thế nhưng ngành lúa gạo đã làm nên một kỳ tích: Tất cả các vụ đều được mùa - được giá. Năm 2020, xuất khẩu gạo cả nước đã lên tới con số

6,5 triệu tấn, tương đương với 3,07 tỷ USD. Trong năm 2020, có những thời điểm giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất thế giới, vượt cả cường quốc lúa gạo Thái Lan. Và điều đáng nói là chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch lớn, xuất khẩu gạo thơm, giá trị cao chiếm hơn 53%. “Hạt gạo Việt Nam đã định danh rõ ràng trên thị trường thế giới trong một năm đầy biến động” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định.

Cùng với lúa gạo, mặt hàng rau quả Việt Nam cũng có những thành công đáng ghi nhận dù phải đối diện với vô vàn khó khăn từ phía thị trường. Thương hiệu và chất lượng rau quả Việt Nam đã được khẳng định tại các thị trường “kỹ tính” châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… Đặc biệt, dù xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm nhưng các thị trường tiềm năng khác đều tăng.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản điểm lại những sự kiện đáng nhớ trong năm 2020: Cuối tháng 6, lần đầu tiên, 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang tổ chức xuất khẩu gần 5 tấn vải thiều sang Nhật Bản bằng đường hàng không. Trong tháng 9, lô hàng đầu tiên gồm 20.000 quả dừa tươi,

12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long đã được xuất sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA bằng đường tàu biển và hàng không. Tiếp đó, tháng 10, Chile thông báo chấp nhận nhập khẩu quả bưởi tươi từ Việt Nam. Rồi đầu tháng 12-2020, lô bưởi tươi 3,6 vạn quả đầu tiên của Bắc Giang xuất sang thị trường Nga… “Tính chung, 11 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu rau, quả đạt 3,01 tỷ USD. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, thành công của rau quả xuất khẩu là rất đáng ghi nhận” - ông Nguyễn Quốc Toản khẳng định.

Trong thành công chung của xuất khẩu nông sản Việt Nam không thể không nhắc đến mặt hàng thủy sản với giá trị xuất khẩu năm 2020 lên gần 9,4 tỷ USD... Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản chia sẻ: Nếu như xuất khẩu nông sản quý I chỉ đạt mức tương đương cùng kỳ năm trước thì đến quý II, quý III bắt đầu có sự bứt phá. Năm 2020, mặt hàng gỗ và lâm sản mang về cho Việt Nam khoảng 12,8 tỷ USD; rau quả khoảng 3,35 tỷ USD, hạt điều 3,24 tỷ USD, cà phê 2,66 tỷ USD, cao su 2,38 tỷ USD... Những con số này khẳng định thành công của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường…

Để “trụ đỡ” luôn vững chắc

Nhìn lại thành công trong một năm đầy biến động, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Trong điều kiện sản xuất cũng như thị trường thế giới bị “tê liệt” như năm nay thì đây là sự nỗ lực rất lớn đáng ghi nhận của ngành Nông nghiệp. Đặc biệt, nông sản Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường lớn với những yêu cầu khắt khe… khẳng định vị thế, giá trị tại nhiều quốc gia. Nông sản Việt Nam cũng đã tạo được thế chủ động trong điều tiết thị trường, không phụ thuộc hay bị động vào thị trường truyền thống. Có thể thấy, nông nghiệp Việt Nam đã trải qua một năm “vượt bão, rẽ sóng”, chứng minh rõ vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải: Dư địa từ nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam cho xuất khẩu là rất lớn, đặc biệt là những lợi thế về thuế quan từ Hiệp định EVFTA. Thế nhưng câu chuyện chất lượng, chiến lược kinh doanh vẫn là bài toán cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Là doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho rằng: Dịch Covid-19 đã và đang gây nhiều khó khăn cho việc giao thương. Và trong năm 2021 tới, tình hình thương mại thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tìm ra hướng đi riêng để tạo bứt phá mới. Trong đó, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ là hướng đi bền vững. Tập đoàn Lộc Trời đang triển khai lộ trình hướng tới mục tiêu tiêu thụ

1 triệu tấn gạo thông qua việc xây dựng và phát triển hệ thống 1.000 hợp tác xã liên kết, ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024…

Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã không chạy theo số lượng mà hướng tới việc nâng cao chất lượng, thương hiệu… tìm kiếm các đơn hàng vào những thị trường lớn, giá trị xuất khẩu tăng dù số lượng xuất khẩu giảm. Và trong năm 2021, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung vào 8 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 6 nhóm mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, thủy sản, sản phẩm gỗ.

“Sản xuất nông nghiệp vốn chịu nhiều rủi ro, trong bối cảnh hiện nay, việc chủ động ứng dụng công nghệ, điều chỉnh linh hoạt phương án sản xuất, kinh doanh là hết sức cần thiết. Khi làm tốt điều đó, nông sản Việt Nam sẽ đủ sức “vượt bão” để tiến xa hơn, hiện thực hóa những khát vọng to lớn hơn” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Đỗ Minh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kinh tế đô thị - động lực phát triển của Thủ đô

Cụm từ “kinh tế đô thị” mới được đề cập trong vài năm gần đây ở Việt Nam, dù nó đã phát triển và thu được những kết quả đáng ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới. Trong xu hướng hội nhập, Thủ đô Hà Nội cũng đứng trước cơ hội để phát huy tiềm năng sẵn có, đưa kinh tế đô thị trở thành động lực quan trọng cho phát triển.

Bản lĩnh và quyết tâm mang thương hiệu Hà Nội

Hà Nội cùng cả nước đã đi qua năm kế hoạch 2020, với nhiều thách thức, bất lợi do dịch Covid-19 gây ra. Tuy vậy, nền kinh tế Thủ đô vẫn gặt hái nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tạo dấu ấn trên bình diện quốc gia cũng như trong khu vực. Đó cũng là hành trang để chúng ta bước vào năm 2021, với khát vọng, mục tiêu cao hơn, sự quyết tâm, cải cách, bứt phá mạnh mẽ hơn.

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/991060/xuat-khau-nong-san---ban-linh-vuon-len