Xem nhiều

10 bài học kinh nghiệm từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh

02/11/2021 07:21

Kinhte&Xahoi Những bài học kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19 TP HCM vừa được tổ chức là vô cùng có giá trị.

Hạn chế trong dự báo, xét nghiệm, chích ngừa…

Tại Hội nghị, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc (PGĐ) Sở Y tế cho biết, đợt dịch thứ 4 khởi phát từ cuối tháng 4/2021, với ca nhiễm đầu tiên ở quận Bình Tân. Đến ngày 18/5, TP phát hiện 2 ca nhiễm cộng đồng tại quận 7 và TP Thủ Đức, nhiễm chủng Delta.

Ngày 27/5, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia định phát hiện 3 trường hợp dương tính, truy vết dịch tễ phát hiện các chùm ca liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng (quận Gò Vấp). Từ đó, số ca càng ngày càng cao.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, PGĐ Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

Với các ca nhiễm tại TP HCM từ tháng 3-12/2020, giải trình gen cho thấy đều do các chủng cổ điển gây ra. Còn các ca nhiễm vào tháng 5/2021, xác định do chủng Delta.

Lãnh đạo Sở Y tế nhìn nhận trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, ngành y tế còn nhiều hạn chế trong dự báo, xét nghiệm, điều trị... khiến dịch bùng phát mạnh, nhiều người mắc bệnh và tử vong.

“Hạn chế đầu tiên là công tác dự báo chưa theo kịp diễn tiến thực tế của dịch bệnh”, BS Châu nói. Trước đó biến chủng Delta đã được ghi nhận, cảnh báo tại nơi khác trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia nhưng quá trình phát hiện, dự báo tại TP vẫn chưa theo kịp tốc độ lây lan để có những phương án thực tế đối phó dịch bệnh.

Theo BS Châu, một hạn chế lớn của ngành y tế TP là vấn đề xét nghiệm. Thời điểm đầu dịch, kỹ thuật xét nghiệm RT-PCR là phương pháp chủ yếu để phát hiện, bóc tách F0, ngăn chặn sự lây lan. Tuy nhiên, kỹ thuật này cần thời gian, năng lực xét nghiệm cũng chưa tương xứng với tốc độ lây lan quá nhanh của chủng Delta, làm số lượng ca nhiễm tăng nhanh, dịch lan sâu vào trong cộng đồng.

“Có thời điểm TP lấy mẫu rất nhiều nhưng kết quả trả về khá trễ, làm mất đi ý nghĩa của việc tách F0 khỏi cộng đồng để giảm sự lây lan”, BS Châu chia sẻ.

Chiến dịch tiêm vaccine với quy mô chưa từng có cũng tồn tại nhiều thiếu sót. Việc triển khai tiêm chủng trong thời gian ngắn, huy động đội ngũ từ nhiều nơi nhưng không đồng đều trong khả năng của các đội tiêm. Bên cạnh đó, công tác nhập số liệu chưa đảm bảo, việc tuân thủ giãn cách ở người đến tiêm chưa tốt.

Trong chiến lược điều trị, việc cách ly tập trung toàn bộ F0 ở giai đoạn đầu đã gây quá tải. Trước tháng 7, chủ trương tất cả F0 đều cách ly tập trung. Khi số F0 tăng quá nhanh, TP liên tiếp mở hàng loạt BV dã chiến nhưng không đáp ứng kịp. “Số lượng quá nhiều thì khả năng chăm sóc, phục vụ của nhân viên y tế cũng quá tải. Từ đó xảy ra tình trạng nhiều F0 không được chăm sóc đầy đủ, toàn diện, không phát hiện chuyển viện kịp thời lên tuyến trên”, theo BS Châu.

Đến khi F0 được cách ly, điều trị tại nhà kể từ cuối tháng 7, ngành y tế TP bắt đầu bộc lộ những hạn chế từ năng lực y tế cơ sở, không đáp ứng nhu cầu số F0 tăng nhanh. Nhiều F0 tại nhà cũng không được chăm sóc đầy đủ. Hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức khiến F0 quá tải và tăng nguy cơ tử vong.

Một điểm yếu khác là ứng dụng công nghệ thông tin chưa hiệu quả, các phần mềm gặp nhiều trục trặc, từ phần mềm khai báo y tế đến tiêm chủng vaccine..., các ứng dụng chưa kết nối hiệu quả.

BS Châu cho rằng những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, COVID-19 là đại dịch mới, chưa có tiền lệ trên thế giới lẫn Việt Nam, chủng Delta lây lan nhanh, nên chưa ứng xử kịp thời. TP là nơi có dân số lớn, nhiều khu dân cư đông đúc, chật chội, khiến dịch lây nhanh trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, hệ thống y tế cũng chưa dự báo đầy đủ và tổ chức diễn tập chống đại dịch trước đây. Hệ thống y tế cơ sở, y tế công cộng chưa được đầu tư đúng mức, chưa có chính sách thu hút hệ thống y tế tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch còn manh mún, chưa khoa học và chưa đồng bộ.

Những hạn chế trên đã góp phần đẩy TP vào những tháng ngày chống chọi đợt dịch lớn nhất từ trước đến nay. Đỉnh dịch tại TP kéo dài hai tháng, từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 9.

Cấp cứu một F0 tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian đỉnh dịch.

Vaccine là chiến lược lâu dài và hàng đầu

TP đã từng bước khắc phục các điểm yếu, điều chỉnh chiến lược để kiểm soát dịch: Huy động hàng nghìn đội lấy mẫu, nâng công suất xét nghiệm, triển khai 7 đợt xét nghiệm diện rộng; thực hiện chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn; thu dung điều trị F0, mở rộng từ 5 BV ban đầu lên 95 BV điều trị COVID-19; phát túi thuốc, lập các đội phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà; tăng cường cấp cứu và vận chuyển cấp cứu.

Theo BS Châu, TP đã triển khai sử dụng hiệu quả 9 mô hình, gồm tháp 3 tầng điều trị COVID-19 (dựa vào phân mức độ nặng của bệnh nhân); chăm sóc F0 tại nhà; trạm y tế lưu động; tư vấn F0 từ xa qua tổng đài “1022”; hoán cải xe vận chuyển hành khách, xe taxi thành xe vận chuyển người bệnh; chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng; “BV chị em” (các trung tâm hồi sức tuyến cuối được giao nhiệm vụ đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn cho BV tuyến dưới); BV dã chiến 3 tầng; mô hình “H.O.P.E” chăm sóc trẻ em là con của sản phụ Covid-19.

Từ thực tế chống dịch của TP, BS Châu nêu ra 10 bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất, huy động cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ thực hiện hiệu quả chiến lược “mỗi phường, xã, thị trấn là pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ “, trong đó BCĐ phòng chống dịch cấp huyện và cấp xã đóng vai trò quyết định.

Thứ hai, việc xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo dịch, xây dựng các tình huống và kịch bản diễn tập tương ứng từng cấp độ dịch là rất cần thiết và mang ý nghĩa quyết định cho sự chủ động khi ứng phó với dịch bệnh. Cần kịp thời phát hiện các địa bàn có nguy cơ chuyển sang cấp độ dịch cao hơn để chủ động có giải pháp can thiệp. Triển khai xét nghiệm theo hướng trọng tâm, trọng điểm và phải triển khai thần tốc để tách F0 trong ổ dịch, phối hợp linh hoạt giữa PCR và xét nghiệm nhanh, từ đó dập dịch nhanh chóng.

Thứ ba, việc cách ly F0 để ngăn chặn lây lan là cần thiết nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung, chỉ cách ly tập trung khi không đủ điều kiện cách ly tại nhà, hoặc người có nguy cơ diễn tiến nặng. Nhiều khu cách ly tập trung với quy mô nhỏ gắn liền với địa bàn cấp xã thì tốt hơn là cách ly tập trung với quy mô lớn cấp huyện hay TP. Dù cách ly tại nhà hay tập trung, phải gắn liền với chăm sóc, điều trị và cung ứng gói thuốc, gói an sinh...

Thứ tư, phát huy chiến lược điều trị theo hai trụ cột, chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng và điều trị tại BV. Huy động mọi nguồn lực để phát huy hiệu quả mô hình trạm y tế lưu động trong chăm sóc F0 tại nhà. Củng cố hệ thống điều trị 3 tầng, triển khai mô hình “BV dã chiến 3 tầng” nhằm chăm sóc tốt nhất cho người bệnh và hạn chế tối đa các nguy cơ khi chuyển viện.

Thứ năm, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho phòng, chống dịch, gồm tăng cường phối hợp kết hợp, quân dân y, y tế công lập và tư nhân, Đông Tây y kết hợp, phát huy vai trò của các cá nhân, DN và tổ chức thiện nguyện. Mỗi quận, huyện phải có kế hoạch phòng, chống dịch chủ động, huy động nguồn nhân lực tại chỗ và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chi viện. TP sẵn sàng hỗ trợ và chi viện nguồn nhân lực chống dịch khi các quận, huyện gặp khó khăn.

Thứ sáu, phát huy sự phối hợp hiệu quả của lực lượng quân đội, công an và ngành y tế trong hỗ trợ cho các địa phương ngay từ đầu về bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội, tổ chức cách ly nghiêm ngặt, chăm sóc và điều trị tại nhà, tại các BV dã chiến cho F0.

Thứ bảy, củng cố và kiện toàn nâng cao chất lượng, hiệu quả y tế cơ sở, hệ thống y tế dự phòng, điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp nhằm thu hút nhân lực, nhất là cho trạm y tế cấp xã.

Thứ tám, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, bảo đảm thu thập, tổng hợp và phân tích dữ liệu chính xác, kịp thời, để từ đó đánh giá cấp độ dịch thường xuyên ở từng địa bàn. Xây dựng nguồn dữ liệu tin cậy, làm cơ sở dự báo để kịp thời khống chế dịch hiệu quả. Triển khai các ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch, phát huy hiệu quả của công nghệ tư vấn, sàng lọc từ xa giúp tạo sự an tâm cho người bệnh và kịp thời kích hoạt hệ thống cấp cứu tại nhà khi người bệnh có dấu hiệu trở nặng.

Thứ chín, vaccine là chiến lược lâu dài và hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh. Ưu tiên tiêm vaccine cho những đối tượng có nguy cơ cao (thai phụ, người trên 50 tuổi, có bệnh nền, béo phì...) và lực lượng tuyến đầu.

Thứ mười, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới trong giám sát, dự báo dịch bệnh, chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng.

TP HCM dự kiến trong tháng 11 và 12 sẽ tiêm vét toàn bộ mũi 1 và 2 vaccine COVID-19 cho người trên 18 tuổi, tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Đồng thời, sẽ tiêm nhắc mũi 3 cho nhóm có nguy cơ cao và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Trong năm 2022, kế hoạch tiêm vaccine của TP sẽ triển khai mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên, tiêm mũi 3 và 4 cho những người đã đủ thời gian theo quy định của Bộ Y tế.

TP đã tiếp nhận 10.917.894 liều vaccine từ Bộ Y tế và 5 triệu liều Verocell từ nguồn tài trợ. Tính đến 28/10, TP có hơn 7,1 triệu người được tiêm mũi 1 và hơn 5,6 triệu người tiêm mũi 2 vaccine COVID-19.

 Nguyễn Hà - Pháp luật Plus 

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/y-te/10-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-tam-dich-tp-ho-chi-minh-d169793.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com