1. Cụ ông 80 tuổi đeo máy thở cổ vũ U22 Việt Nam
Một cụ ông 80 tuổi đang trong giai đoạn hồi sức sau phẫu thuật 10 ngày, còn thở máy nhưng vẫn cố gắng ngồi dậy xem trận chung kết SEA Games 30 và ăn mừng chiến thắng của U22 Việt Nam ngay trên giường bệnh.
Dù không thể ra đường ăn mừng như các cổ động viên khác nhưng ông cụ vẫn theo dõi và cổ vũ các cầu thủ U22 Việt Nam theo cách riêng của mình. Hình ảnh đầy xúc động này khiến nhiều người thực sự ngưỡng mộ tinh thần thể thao của ông.
2. Ông bố Nghệ An khóc tiễn con gái đi lấy chồng
Bố mạnh mẽ lắm, bố luôn là siêu nhân bảo vệ con nhưng cũng có lúc bố yếu lòng, đó là khi chứng kiến đứa con gái bé nhỏ ngày nào đi lấy chồng, làm dâu con người khác.
Được biết cô dâu có hoàn cảnh đặc biệt, xa bố từ nhỏ. 20 năm qua người bố ấp ủ nhiều điều và phải đến khi con gái đi lấy chồng mới dám thổ lộ. Clip chỉ sau chưa đầy một ngày đăng tải đã nhận được hơn nửa triệu lượt xem cùng hàng nghìn bình luận của dân mạng.
3. Câu chuyện xúc động về bà nội 89 tuổi mặc váy cưới
Do hoàn cảnh cha mẹ mất sớm, Tạ Công Bằng và bà nội Nguyễn Thị Dư (89 tuổi) sống nương tựa vào nhau ở mảnh đất sông nước Cà Mau. Ước mơ của bà là được một lần mặc váy cưới nên Công Bằng đã giúp bà nội được thoả ước mong.
Bộ ảnh không chỉ thể hiện niềm lạc quan, yêu đời của cụ bà 89 tuổi mà còn là món quà tình cảm của người cháu trai chỉ còn người thân duy nhất là bà nội.
4. Cô giáo phải chống nạng vẫn vượt biển đi dạy học
Hình ảnh xúc động về cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3 đóng trên đảo Trí Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khiến nhiều người nể phục.
Được biết, cô giáo Huyền bị thoái hóa khớp háng nặng nhưng vẫn cố gắng vượt biển qua đảo dạy học. Đến nay cô Huyền đã có 10 năm giảng dạy tại trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3, cách đất liền gần 1 hải lý.
5. Chàng trai dùng xe ben chở mẹ đi tắm biển
Mùa Vu Lan, câu chuyện một người con chở mẹ đi tắm biển bằng xe ben và câu chuyện đằng sau đã lay động trái tim bao người. Người con trong câu chuyện thơm thảo này là anh tài xế Trần Long Ẩn, ở TP.HCM, chuyên chở vật liệu xây dựng. Cụ bà là mẹ vợ anh 76 tuổi.
Vào cuối tháng 7 vừa ra, anh chở mẹ vợ và con trai từ TP.HCM đi tắm biển ở Vũng Tàu bằng chính chiếc xe ben mình dùng chở hàng mưu sinh hàng ngày, thực hiện mong muốn được đi tắm biển của mẹ. Mẹ anh nói khi nào giàu thì đưa mẹ đi nhưng anh Ẩn không đợi giàu mà thực hiện luôn ước mơ của mẹ.
6. Bức ảnh kỷ yếu “mong bố khỏi bệnh”
Tin vào câu hỏi nhiếp ảnh, nếu viết điều ước lên tờ giấy, điều ước sẽ thành hiện thực, cô học sinh Phương Anh, học sinh lớp 12, trường THPT Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã ước bố khỏi bệnh.
Khoảnh khắc này đã được thợ ảnh Hoàng Đạt ghi lại, chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội và nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
7. Cô gái Ba Na cứu 2 đứa trẻ suýt bị chôn sống
Ở lứa tuổi thiếu niên còn quá nhỏ để hiểu được chuyện làm mẹ là một trách nhiệm lớn đến chừng nào, nhưng Y Byen đã nói với mẹ của mình: “Mẹ ơi, con muốn nuôi em bé”. Bất chấp mọi tục lệ, Y Byen được mẹ cho phép nhận nuôi và đặt tên cho con là Y Song.
Câu chuyện của cô gái Ba Na - Y Byen vào tận quan tài cứu sống đứa trẻ và cưu mang từ năm 16 tuổi gây xúc động mạnh mẽ.
8. Bố tự tay gội đầu cho con gái 26 tuổi
Biết con gái mới mổ không thể tự gội đầu, ông bố sẵn sàng xếp ghế lại để gội đầu cho con. Câu chuyện cảm động về “ông bố của năm” được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người xúc động.
Câu chuyện của bạn Đặng Hạnh (26 tuổi, Tuyên Quang) chia sẻ về bố khi ông tận tình chăm sóc, yêu thương con gái mới phẫu thuật khiến nhiều người ngưỡng mộ, cảm động.
9. Người mẹ trong bức thư viết về người hùng của nữ sinh lớp 7
Cô bé Thiều Thị Vy Anh đã miêu tả mẹ với bao nỗi nhọc nhằn, tảo tần, hy sinh... Người mẹ vì được học ít mà không giảng được cho con những bài toán khó, nhưng vẫn mong con mình sẽ học thành tài…
Vượt qua hàng nghìn bức thư viết về “người hùng của em”, câu chuyện của Vy Anh viết về mẹ trong cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 đã đạt giải nhất cấp tỉnh, chinh phục trái tim của bao người.
10. Thầy cô vượt “cổng trời” đi “gieo chữ” cho học sinh vùng cao
Hình ảnh các cô giáo trường Tiểu học Hra số 2, huyện Mang Yang (Gia Lai) khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ, chân đi ủng để bắt đầu hành trình vượt “cổng trời” đến với cho trò nghèo làng Đê Kôn khiến nhiều người xúc động.
Điểm trường làng Đê Kôn là khó khăn nhất ở Mang Yang bởi đường đi lại vất vả, người dân sống tách biệt, đời sống kinh tế khó khăn. Để lên được điểm trường này, các giáo viên phải vượt qua một con dốc núi dựng đứng dài khoảng 4km.