16 người được cứu sống nhờ 4 người chết não hiến tạng
Kinhte&Xahoi
Gần 1 tháng, Bệnh viện Việt Đức đã nhận được từ 4 người chết não hiến 4 quả tim, 4 lá gan, 8 quả thận để phục vụ cho các cuộc phẫu thuật ghép.
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, từ ngày 16/5-13/6, có 4 trường hợp chết não và gia đình đồng ý hiến tặng tạng cho y học. Bệnh viện đã nhận được từ 4 người hiến này 4 quả tim, 4 lá gan, 8 quả thận đồng thời lấy giác mạc, mạch máu, gân phục vụ cho các cuộc cấy ghép. Đây là lần đầu tiên trong một tháng, Việt Nam có nhiều người hiến tạng như vậy.
Với nguồn tạng hiến của 4 người chết não, các bác sĩ đã ghép tim cứu sống 4 người bệnh, ghép thận cho 8 trường hợp và ghép gan cứu sống 4 bệnh nhân ở Hà Nội và Huế.
|
Một bệnh nhân được ghép tạng từ người cho chết não. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).
|
GS.TS Trần Bình Giang chia sẻ, trước đây, mỗi khi thực hiện các ca ghép tạng, bệnh viện phải chuẩn bị rất kỹ, bệnh nhân phải nằm viện lâu, thở máy kéo dài, truyền máu truyền dịch. Thời gian gần đây, với sự làm chủ kỹ thuật của các ê kíp, kỹ thuật ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam ngày càng hoàn thiện.
“Gần đây hầu như các trường hợp ghép thận, chúng tôi không cần truyền máu nữa. Ghép gan, số lượng truyền máu cũng rút xuống còn 1-2 đơn vị, thậm chí không phải truyền máu. Thời gian bệnh nhân phải nằm thở máy sau mổ trước đây là khoảng 24-48h, giờ rút xuống còn 3-4 tiếng”- GS.TS Trần Bình Giang cho biết.
Tỷ lệ sống của bệnh nhân sau ghép tạng tiệm cận với tỷ lệ của thế giới
Theo GS.TS Trần Bình Giang, do nhiều người hiến tạng, gần một tháng qua, Trung tâm ghép mô tạng làm việc quá tải. Mỗi ca ghép tạng, bệnh viện huy động khoảng 100 y, bác sĩ làm việc xuyên đêm, triển khai cùng một lúc 5 bàn mổ để lấy tạng và ghép tạng. Một số ca ghép phải thực hiện vào ban đêm và ngày nghỉ.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng cho biết, đến nay Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện hơn 600 trường hợp ghép thận, gần 60 trường hợp ghép gan, 19 trường hợp ghép tim.
“Chúng tôi hoàn toàn phải tiến hành lấy và ghép tạng trong tình trạng cấp cứu, thời gian chuẩn bị rất ngắn, chỉ trong vòng 12h. Khi bệnh nhân có biểu hiện chết não và được gia đình đồng ý là chúng tôi phải triển khai các kíp để túc trực. Thời gian thực hiện ghép thận khoảng 2-3 tiếng, ghép gan 4-5 tiếng”- PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa nói.
Theo PGS Nghĩa, tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân sau ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiệm cận được với tỷ lệ của thế giới. Cụ thể, đối với bệnh nhân ghép thận, tỷ lệ sống sau 1 năm là gần 95%, sau 5 năm là 90%. Đối với bệnh nhân ghép gan, tỷ lệ thấp hơn vì đa số bệnh nhân ghép gan là do ung thư gan. Với bệnh nhân xơ gan, sau khi được ghép người bệnh gần như khỏi hoàn toàn.
Trung bình tỷ lệ sống sau 5 năm ghép gan là 75% và sau 10 năm là 70%. Trong số 19 bệnh nhân ghép tim chỉ có 2 trường hợp đã tử vong, còn lại 17 bệnh nhân vẫn sống sau 8 năm.
Đẩy mạnh chuyển giao ghép đa tạng
Việt Nam đã ghép thận thành công từ năm 1992, ghép gan thành công từ năm 2004, ghép được tim từ 2010, ghép phổi thành công từ người cho còn sống năm 2017 và ghép được phổi từ người cho chết não năm 2018. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tiến hành ghép ruột, tử cung, chi thể, mặt cho người bệnh.
GS-TS Trần Bình Giang cho biết, thời gian qua, Bệnh viện Việt Đức đã ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật ghép đa tạng với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), Bệnh viện 108, Bệnh viện Phú Thọ và đang chuẩn bị triển khai tiếp ở Thanh Hóa.
“Việc phối hợp giữa các đơn vị y tế để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ghép tạng là hướng đi đúng để phát triển ngành y học thời gian tới, mang lại lợi ích cho người bệnh, để họ được hưởng lợi ích của kỹ thuật cao gần nơi họ sống là điều quan trọng”- GS Trần Bình Giang cho biết.
Theo KD&PL