Vừa nghỉ lễ, vừa ôn bài
Trong suốt 3 ngày nghỉ lễ, Nguyễn Tùng Anh ở quận Long Biên (Hà Nội) chỉ ở nhà. Những ngày này, cậu cho phép bản thân được nghỉ và xem tivi nhiều hơn bình thường một chút, còn lại ngày nào cậu cũng dành thời gian tự học khoảng 3,4 tiếng.
“Em tự thấy mình bị hổng kiến thức nhiều do phải học online. Vì thế, khi được đi học trực tiếp, em luôn phải tranh thủ tận dụng thời gian để học bù, nếu không sẽ không theo kịp các bạn. Nghỉ 3 ngày lễ, gia đình em có về quê nhưng em không đi, em ở nhà để tranh thủ ôn luyện”, Tùng Anh chia sẻ.
Nhiều bạn học sinh cuối cấp ở nhà ôn thi "xuyên lễ"
Không riêng gì Tùng Anh, nhiều học sinh cũng đã tận dụng thời gian nghỉ lễ để tranh thủ làm bài tập, đi học thêm và ôn luyện.
Trần Nguyễn Thái An, học sinh lớp 9A4 trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Dịp lễ 30/4 và 1/5, em vẫn ở nhà, vừa nghỉ lễ vừa ôn luyện. Em chỉ dành ra một buổi tối đi ăn với gia đình, còn lại sắp xếp mỗi ngày làm 2 đề Toán, 2 đề Văn và 2 đề tiếng Anh. Sáng 3/5, em đã bắt đầu đi học trở lại. Dù cũng muốn được thư giãn, vui chơi nhưng kỳ thi chuyển cấp sắp đến nên em tranh thủ học, thi xong rồi nghỉ ngơi cho thoải mái”.
Có con chuẩn bị thi vào lớp 10, chị Đinh Thị Hoa ở huyện Đông Anh (Hà Nội) cùng con đặt nguyện vọng, mục tiêu cụ thể. Để đạt kết quả như mong muốn, chị Hoa và con đã thống nhất không đi chơi ngày lễ. Tuy nhiên, chị vẫn sắp xếp để con vừa học, vừa được thư giãn trong khoảng thời gian này.
"Buổi sáng, con không học mà ra ngoài ăn uống, vui chơi. Đến chiều, con sẽ học 2-3 tiếng. Cả nhà tôi cũng không đi chơi đâu xa. Chúng tôi chỉ hoạt động vui chơi gần nhà để con thoải mái tâm lý".
Trong những ngày nghỉ lễ, nhiều gia đình đang có con học lớp 9 cũng không đi du lịch, cố gắng cân bằng việc học và vui chơi của con để con được thư giãn. Nhiều ý kiến cho rằng, học sinh còn cả cuộc đời phía trước để chơi nhưng học, thi chuyển cấp chỉ có giai đoạn ngắn. Vì thế theo họ, 2k7 không nên lãng phí thời gian, thi xong, con có thể chơi thoải mái.
Tìm hiểu các trường để đăng ký thi
Ngoài việc học tập, thời gian này, các bạn 2k7 còn cùng bố mẹ tìm hiểu điểm chuẩn đầu vào của các trường THPT, tính toán điểm qua các kỳ thi khảo sát của mình để lựa chọn trường phù hợp với khả năng.
Trần Nguyễn Thái An cho biết thêm: “Qua các đợt thi khảo sát ở trường vừa qua và cả điểm thi học kỳ II, điểm trung bình các môn của em là 8 điểm. Với số điểm này em thấy cũng có nhiều sự lựa chọn. Vì thế em nguyện vọng 1 em chọn THPT Cầu Giấy, nguyện vọng 2 là THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân) và nguyện vọng 3 là trường THPT Đại Mỗ (Nam Từ Liêm)”.
Được giáo viên và cha mẹ định hướng, nhiều học sinh tự tin vào sự lựa chọn của mình
Vũ Thị Hạnh ở huyện Đông Anh chia sẻ: “Em không tự tin vào sức học của mình, vì 2 lần thi khảo sát vừa qua ở trường em cũng chỉ đạt trên 5 điểm. Sau khi tìm hiểu điểm đầu vào của các trường trong 3 năm gần đây và so sánh với điểm thi khảo sát của em, em thấy có một số trường phù hợp với khả năng của mình. Được bố mẹ và thầy cô định hướng, em đã chọn trường THPT Quang Minh ở Mê Linh là nguyện vọng 1, trường THPT Tiến Thịnh ở Mê Linh là nguyện vọng 2, riêng nguyện vọng 3 em chọn 1 trường thật xa là THPT Nguyễn Văn Trỗi ở Chương Mỹ.”.
Chị Nguyễn Thị Cúc có con thi vào lớp 10 năm nay cho hay: “Để chọn trường THPT, hai mẹ con tôi đã cùng nhau bàn bạc, xem lại điểm chuẩn của các trường trong vài năm gần đây, nhất là năm 2019-2020, Hà Nội tổ chức thi 3 môn. Sau đó căn cứ vào điểm kiểm tra khảo sát của trường, điểm thi học kỳ 2 của con và tham khảo các đề thi của các quận huyện xung quanh để dự đoán khả năng cháu được bao nhiêu điểm, từ đó chọn trường phù hợp với năng lực của con. Tôi cũng bám sát vào định hướng của Sở GD&ĐT Hà Nội về điểm tuyển sinh với các nguyện vọng để lựa chọn trường phù hợp với năng lực, đảm bảo cho con học môi trường công lập mà không phải di chuyển quá xa, lại phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình”.
Đình Trung - TTTĐ