30 điểm vẫn trượt đại học: Đâu là nguyên nhân và cách giải quyết thế nào?
Kinhte&Xahoi
Việc nhiều thí sinh đạt 29,5 -30 điểm vẫn trượt đại học sẽ biến kỳ thi khó khăn nhất, quy mô nhất… trở nên vô nghĩa.
Việc học sinh thi đạt 30 điểm vẫn trượt đại học là bất thường. (Ảnh minh họa)
Thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng “sốt xình xịch” về việc thí sinh đạt 29,5 điểm, thậm chí 30 điểm vẫn trượt đại học.
Nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn và nhiều thầy cô cho rằng, rắc rối và bất cập nằm ở “môn chính” và điểm ưu tiên.
Đây chính là điểm bất bình đẳng giữa các học sinh với nhau. Luận bàn về sự bất cập nêu trên, một thầy giáo cho biết: “Về yếu tố khách quan, do dịch Covid kéo dài, các trường không thể tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển, chỉ trông chờ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, việc áp dụng này chính là điểm bất cập. Vì vậy, vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất lớn.
Việc học sinh đạt kết quả 29,5 điểm, thậm chí 30 điểm vẫn… trượt đại học sẽ biến kỳ thi tốt nghiệp, một kỳ thi được tổ chức quy mô nhất, tốn kém nhất, khó khăn nhất trở nên vô nghĩa vì những nghịch lý nêu trên.
Vì vậy, Bộ cần phải rút kinh nghiệm. Đồng thời tăng chỉ tiêu cho các ngành có điểm chuẩn cao trên 30 điểm, để không em nào đạt 29,5 - 30 điểm trượt đại học, tránh những bức xúc tiêu cực không đáng có.
Cô Đỗ Thị Hồng (ở Sóc Sơn, giáo viên đã nghỉ hưu) cho biết: “Cá nhân tôi khi nghe thông báo điểm trúng tuyển của các em vào mỗi trường đại học mà cảm thấy sốc, sốc vì điểm các em quá cao 29, 5 -30 điểm mà vẫn trượt nguyện vọng 1.
Với điểm số này, thực sự các em phải là những học sinh giỏi, rất nỗ lực mới đạt được.
Vì sao lại có chuyện tréo ngoe như vậy? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên, tôi xin phép không luận bàn về nội dung này, vì nhiều báo chí đã nêu.
Vấn đề là giải quyết như thế nào cho các em với số điểm đạt 29,5 - 30 mà không đỗ nguyện vọng nào?
Theo tôi, để không thiệt thòi cho các em thì việc xét tuyển cho các học sinh phải công minh, công bằng, đó là xét theo điểm thực.
"Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung chỉ tiêu cho các trường đại học, sau đó các trường xét điểm thi cũ, điểm thi thực tế chưa có điểm cộng, chưa có ưu tiên. Có như vậy mới tránh được sự bất mãn của một số thí sinh và bức xúc của dư luận…”- cô Hồng phân tích.
Như vậy, câu chuyện lùm xùm về 29,5 -30 điểm vẫn trượt đại học rất cần phía lãnh đạo Bộ lên tiếng để xử lý giải quyết cho các em, tránh những dư âm tiêu cực.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học kinh tế Quốc dân, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, số thí sinh đạt điểm 9, 10 chiếm tỷ lệ rất lớn ở hầu hết các môn Ngữ văn, tiếng Anh, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý. Điều đó cho thấy tính phân loại của kỳ thi chưa tốt.
Kỳ thi THPT được các trường coi trọng, lấy đó làm căn cứ để xét tuyển đầu vào. Nhưng đề không phân loại đúng năng lực thí sinh, để xảy ra tình trạng các ngành học lấy điểm chuẩn trên 30 là nghịch lý, bất bình thường… |
Ly Ly - Pháp luật Plus