Cuối giờ chiều 8-8, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng cho biết, tổng lượng mưa từ 7 giờ ngày 7-8 đến 7 giờ ngày 8-8 trên địa bàn Lâm Đồng phổ biến từ 50 - 215 mm. Mưa lớn đã gây thiệt hại về người, nhà ở, vật kiến trúc và hoa màu của người dân.
Nhiều vùng của tỉnh Lâm Đồng ngập sâu trong nước
Tại Đà Lạt, mưa lớn đã làm 11 căn nhà bị ngập nước, trong đó sập tường 3 nhà, 20ha hoa và rau màu, 3.000m2 nhà kính tốc mái... Ước giá trị thiệt hại 5,7 tỷ đồng. Tại huyện Đạ Tẻh, nước lũ gây ngập 113 căn nhà, 57 hộ phải di dời; 767ha cây trồng bị ngập. Nước lũ cũng đã khiến 73 căn nhà ở huyện Cát Tiên bị ngập sâu trong nước; 140ha lúa, 4ha ngô và cà phê của người dân xã Phước Cát bị hư hại.
Tại huyện Lâm Hà, nước lũ dâng cao gây ngập 300ha hoa màu, làm ảnh hưởng 100 hộ dân, hiện đã di dời 30 hộ dân.
Lực lượng Cảnh sát cơ động giúp dân di dời khỏi vùng nước lớn
Đặc biệt, tại huyện Lạc Dương, mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ nước suối Đạ Nghịt dâng cao làm 41 người lao động bị cô lập. Rất may lực lượng chức năng đã tiến hành giải cứu thành công.
Mưa lớn cũng đã làm 65 căn nhà của người dân huyện Lạc Dương hư hỏng, trong đó 15 căn hư hỏng hoàn toàn.
Người dân bắt cá tầm chảy ra ngoài đem ra Đà Lạt bán
Đặc biệt, mưa lớn đã khiến trại nuôi cá tầm tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương bị vỡ bờ, làm khoảng 300 tấn cá tầm chảy thoát ra ngoài theo dòng nước lũ. Ước tính thiệt hại của trang trại này lên tới 52 tỷ đồng.
Ngay khi hay tin trại cá bị vỡ bờ, nhiều người dân trong khu vực đã sử dụng lưới chặn tại các dòng suối để ngăn bắt cá, chở ra Đà Lạt bán. Ban đầu, giá cá tầm chỉ được bán 50.000 đồng/kg, sau tăng lên 100.000 đồng/kg nhưng nhiều người vẫn trực chờ tranh nhau mua.
Người dân tranh nhau mua cá tầm.
Mặc dù có mưa lớn, gây ngập lụt trên diện rộng nhưng tất cả các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mực nước vẫn chưa đạt cao trình. Hiện chưa có thủy điện nào thông báo phải xả lũ.