380 người Trung Quốc đánh bạc tại Our City: Nhiều “lỗ hổng” trong quản lý người nước ngoài

30/07/2019 11:02

Kinhte&Xahoi Như tin đã đưa, sau vụ việc hơn 380 đối tượng người Trung Quốc vận hành hệ thống đánh bạc bằng hình thức công nghệ cao tại khu đô thị Our City trên đường Phạm Văn Đồng (quận Dương Kinh), dư luận thấy rằng công tác quản lý địa bàn, quản lý người nước ngoài tại thành phố đang có “lỗ hổng”. Điều đó đòi hỏi cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn ở lĩnh vực này để thành phố không trở thành điểm hoạt động của tội phạm quốc tế.

Nhiều vụ việc tinh vi, phức tạp

Vào 14 giờ ngày 27-7, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chủ trì phối hợp Công an thành phố Hải Phòng đột kích đường dây vận hành hệ thống đánh bạc qua mạng tại khu đô thị Our City trên đường Phạm Văn Đồng ( phường Hải Thành, quận Dương Kinh) do người Trung Quốc cầm đầu. Sau 2 ngày tập trung cao nhân lực, thiết bị cơ quan chức năng mới hoàn thiện bước đầu việc lấy lời khai đối tượng và kiểm đếm tang vật.

Quản lý chặt địa bàn giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện hoạt động vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, đối tượng người nước ngoài.

Tại đây, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 380 người Trung Quốc tham gia tổ chức, điều hành các website hoạt động đánh bạc trực tuyến với các hình thức như: cá cược thể thao, dự đoán kết quả xổ số, đánh số lô đề… Theo tính toán, số tiền giao dịch qua đường dây đến khi bị phát hiện hơn 3 tỷ Nhân dân tệ (khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng). Cơ quan công an thu giữ gần 2.000 điện thoại di động thông minh, 533 máy tính và nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Chứng kiến lực lượng chức năng phong tỏa nghiêm ngặt khu đô thị Our City trong sáng 28-7, một người dân bán tạp hóa cạnh khu đô thị này cho biết: cách khoảng 1 tháng, một nhóm người Trung Quốc được đưa đến khu đô thị để ở. Tuy nhiên, nhóm người trên hoạt động gì trong các căn nhà, khách sạn tại đây thì không ai biết. Phần lớn những người này là thanh niên và rất ít khi ra ngoài, thỉnh thoảng mới có người đến một số cửa hàng mua đồ ăn, nước uống.

Chủ tịch UBND phường Hải Thành (quận Dương Kinh) Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, đến trước thời điểm cơ quan chức năng triệt phá đường dây vận hành hệ thống đánh bạc tại khu đô thị Our City, chính quyền địa phương được thông tin tại đây có 27 người quốc tịch Trung Quốc đăng ký tạm trú tại 1 khách sạn trong khu đô thị này. Từ nhiều năm nay, công tác quản lý khu đô thị thuộc cơ quan chức năng của thành phố, chính quyền địa phương rất khó để tiếp cận thông tin.   

Theo đại diện lãnh đạo Công an phường Hải Thành (quận Dương Kinh), công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài tại khu đô thị Our City gặp nhiều khó khăn, phức tạp, có nhiều đầu mối cùng tham gia như: Ban quản lý Khu kinh tế; Công an thành phố, Sở Ngoại vụ thực hiện… dẫn đến tình trạng “nhìn nhau”. Thực tế, người nước ngoài sinh sống trên địa bàn phường nhưng chính quyền, công an khu vực, tổ dân phố không nắm rõ họ là ai, ở đến khi nào và đến để làm việc gì...? Việc khai báo thông tin doanh nghiệp thực hiện trên môi trường mạng, trực tiếp với Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh tạo nhiều thuận lợi đối với doanh nghiệp nhưng gây khó đối với an ninh cơ sở. Hơn nữa, do quy định của Chính phủ việc tổ chức thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp không được thực hiện nhiều lần trong năm tạo kẽ hở để các đối tượng lợi dụng.

Mới đây, tại cuộc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng về việc “thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài tại Hải Phòng, giai đoạn 1-1-2015 đến nay, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, việc khai báo thông tin về người nước ngoài của các doanh nghiệp chưa kịp thời. Tình trạng lao động nước ngoài lao động “chui” dưới hình thức đi du lịch, sau đó ở lại làm việc không phép diễn ra… Trong khi đó, việc tiếp cận, kiểm tra trường hợp này không hề đơn giản, chưa kể việc bất đồng ngôn ngữ gây khó khăn cho việc quản lý lao động nước ngoài. Trong khi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài và Bộ Luật Lao động chưa thống nhất về thời gian lao động gây nhiều khó khăn trong giải quyết thẻ tạm trú.

Chính từ kẽ hở, rào cản này, các đối tượng người nước ngoài lợi dụng hoạt động vi phạm pháp luật. Thời gian qua các cơ quan chức năng thành phố phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội trên địa bàn. Như, vào năm 2013, các đơn vị nghiệp vụ công an thành phố bắt giữ 4 đối tượng người Trung Quốc thuê khách sạn Lạc Long, ở phố Bạch Đằng (quận Hồng Bàng) để thực hiện hành vi sử dụng thẻ tín dụng giả rút tiền tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố với số tiền gần 4 tỷ đồng. Năm 2014, Công an thành phố kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra Công ty TNHH Huge Gain-holdings Việt Nam chủ đầu tư là Trung Quốc, có trụ sở tại Khu công nghiệp Đồ Sơn (phường Ngọc xuyên, quận Đồ Sơn) bắt giữ 5 đối tượng liên quan đến hành vi sản xuất và nhập lậu CD, VCD, DVD có nội dung đồi trụy…
 
Phối hợp đồng bộ các đầu mối

Trong thời gian từ năm 2013 đến hết 2018, Công an thành phố kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 367 vụ việc người nước ngoài vi pham pháp luật Việt Nam. Từ con số này và qua vụ việc xảy ra tại khu đô thị Our City, dư luận cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như người nước ngoài đến thành phố liên tục tăng là điều đáng mừng. Song, vấn đề quản lý người nước ngoài cần được tăng cường hơn, trên các lĩnh vực như: lưu trú, hoạt động kinh doanh, hoạt động du lịch cũng như các hoạt động khác. Cơ quan chức năng nên có những đợt tổng kiểm tra, rà soát các đầu mối quản lý người nước ngoài, ngăn chặn, phòng ngừa để thành phố không trở thành điểm hoạt động của tội phạm nước ngoài.

Đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (PC02- Công an thành phố) cho biết: việc xử lý vi phạm đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, do một số trường hợp thường có thái độ bất hợp tác. Đối tượng vi phạm cố tình không xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc lợi dụng khác biệt ngôn ngữ để né tránh cơ quan chức năng. Cùng với đó, các chế tài về xử lý hành chính người nước ngoài trong thời gian qua như lập biên bản vi phạm, buộc xuất cảnh… chỉ mang tính tạm thời, không xử lý triệt để vấn đề.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, công tác đấu tranh với tội phạm người nước ngoài tại các địa phương, nhất là khu vực phíaNamđược đẩy mạnh. Theo dự báo, nhiều đối tượng người nước ngoài lợi dụng địa bàn thành phố Hải Phòng để ẩn náu, thực hiện hành vi phạm pháp. Để chủ động phòng ngừa, công an các đơn vị, quận, huyện triển khai nhiều kế hoạch chuyên đề, chủ động nắm tình hình, xây dựng các phương án phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hành vi phạm tội liên quan đến người nước ngoài. Cụ thể, các đơn vị tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự trên địa bàn nhằm rà soát, phát hiện các đối tượng người nước ngoài đang ẩn náu, trốn truy nã hoặc chờ cơ hội thực hiện hành vi phạm tội. Đồng thời, khuyến cáo người dân và các cơ quan, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác, tránh để các đối tượng người nước ngoài lợi dụng, lôi kéo tham gia hoạt động phạm tội.

Hải Phòng đã và đang là “đất lành” thu hút đầu tư nước ngoài, khách du lịch đến tham quan, làm ăn, sinh sống. Để thành phố tiếp tục là điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp, người nước ngoài nhưng công tác quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài không bị xem nhẹ, buông lỏng là vấn đề đòi hỏi các cấp chính quyền thành phố và ngành chức năng sớm tìm giải pháp phù hợp, để thành phố thực sự là điểm đến thân thiện và an toàn./.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỷ lệ lao động là người nước ngoài làm việc trong các khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn thành phố tăng nhanh qua các năm (từ 710 trường hợp năm 2015 lên 3.035 trường hợp đến hết 6-2019). Tính đến 30-6-2019, có 261 doanh nghiệp, nhà thầu trong các khu công nghiệp, khu kinh tế có sử dụng lao động là người nước ngoài, chủ yếu là lao động Trung Quốc (1.396 người), Hàn Quốc (954 người) và Nhật Bản (359 người)…

(Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại)

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Trên nóng, dưới phải nóng theo

Phiên họp thứ 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng diễn ra mới đây để sơ kết 6 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng tiếp theo của năm 2019. Rất đáng chú ý là bên cạnh những đại án mà dư luận quan tâm được đưa ra xét xử hoặc khẩn trương điều tra, truy tố thì việc khắc phục những yếu kém trong công tác thanh tra hay hoạt động tố tụng được đẩy mạnh và mang lại kết quả.

Theo Báo Hải Phòng/ Pháp luật Plus