Theo tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cả hai bệnh nhân (38 tuổi và 39 tuổi) đều được xác định ngộ độc do ăn bọ xít và có biểu hiện liệt cơ hô hấp, tiêu cơ vân, tổn thương cơ nặng. Trước đó, ở bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh nhân 38 tuổi có biểu hiện khó thở, phải đặt ống nội khí quản vì suy hô hấp.
Bọ xít được người dân sử dụng làm thức ăn.
Cả hai bệnh nhân đã được điều trị truyền thuốc thải độc, thở máy và may mắn hồi phục, ra viện sau 1 tuần điều trị.
Anh N.T.T (38 tuổi, Hòa Bình) chia sẻ: “Hôm đó, chúng tôi bắt 1 túi bọ xít, ước chừng 7 lạng. Do bọ xít nhỏ nên không thể tính được mình đã ăn bao nhiêu con…”.
Theo cách gọi của anh T, đây là loại bọ xít vải, do thường xuất hiện nhiều trong mùa vải. Hiện, các bệnh nhân cũng đã bắt bọ xít này để gửi lên Viện sinh thái nhằm xác định chính xác tên khoa học của loại côn trùng gây độc.
TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây không phải là lần đầu tiên đơn vị này ghi nhận ngộ độc do ăn bọ xít. Trước đó, năm 2021, cũng tại huyện Lục Thủy (Hòa Bình), anh B.T.K đã bắt nửa cân bọ xít cho gia đình cùng ăn. Kết quả, cả 6 người ăn đều ngộ độc với biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đau mỏi người. Riêng anh K diễn biến nặng nhất, được chuyển tới Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng hôn mê, kích thích, toan chuyển hóa với chẩn đoán suy đa tạng do ngộ độc bọ xít. Xét nghiệm máu cho thấy, trong máu bị nhiễm axit nặng, tổn thương cơ, liệt cơ và suy đa tạng. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực, thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh liều cao, thuốc vận mạch….
TS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, thông tin về độc tố tự nhiên của loại bọ xít này còn rất nghèo nàn. Các loại côn trùng rất dễ gây nhầm lẫn với nhau, trong đó nhiều loại có độc tố nên khi ngộ độc, các bác sĩ cũng gặp khó khăn trong chẩn đoán và cứu chữa. Do đó, người dân không nên sử dụng các sinh vật, côn trùng lạ để bảo vệ sức khỏe.
Thu Trang - Hà Nội mới