6 kiến nghị của Sở Y tế TP HCM nhằm giúp các bệnh viện tự chủ phát triển bền vững
Kinhte&Xahoi
Ngành Y tế TP HCM đã đưa ra 6 kiến nghị nhằm giúp sớm ổn định những khó khăn hiện nay của nhiều bệnh viện công và một số giải pháp quan trọng giúp cho các bệnh viện phát triển bền vững.
Theo Sở Y tế TP HCM, qua đánh giá kết quả sau 20 năm chuyển đổi từ cơ chế hoạt động từ ngân sách sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên của các bệnh viện công lập, ngành Y tế thành phố khẳng định, cơ chế tự chủ trong thời gian qua đã giúp một số bệnh viện công lập trên địa bàn phát triển khá toàn diện về mọi mặt, cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Tuy nhiên, bên cạnh đó không ít bệnh viện gặp khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh viện, nhất là khó khăn trong cân đối chênh lệch thu chi, ảnh hưởng đến phát triển chuyên môn kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và khó nhất là đảm bảo thu nhập chính đáng của nhân viên y tế. Từ đó, khó giữ chân các thầy thuốc giỏi, hiện tượng nhân viên y tế công lập nghỉ việc tăng cao sau đại dịch COVID-19...
Đây cũng là nhận định quan trọng đầu tiên giúp các nhà hoạch định chính sách và những ai đang tham gia công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành Y tế phải suy nghĩ và đề xuất các kiến nghị để bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách để giúp các bệnh viện đang gặp khó khăn có cơ hội phát triển bền vững.
Sau 20 năm chuyển đổi từ cơ chế hoạt động từ ngân sách sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, nhiều bệnh viện vẫn còn gặp không ít trở ngại (Ảnh minh họa)
Nhận định thứ hai chính là chính cơ chế tự chủ đang vận hành trong thời gian qua đã làm xuất hiện các khoảng cách ngày càng rõ nét giữa các bệnh viện công lập với nhau. Trong đó, khoảng cách về thu nhập chính đáng của nhân viên y tế công lập ngày càng rõ nét và ngày càng cách biệt có thể dẫn đến tình trạng mất công bình về thu nhập giữa các nhân viên y tế công lập, cho dù nhiệt huyết và sức lao động là như nhau.
Nhận định thứ ba là bài học kinh nghiệm của các nước về đổi mới quản trị bệnh viện công lập theo hướng tự chủ, đó là đổi mới cơ chế tự chủ tài chính gắn liền với đổi mới cấu trúc bộ máy quản lý bệnh viện. Việc đổi mới mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện sẽ giúp các nhà quản lý chính xác hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của bệnh viện nhờ có các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư,…
Trước các nhận định trên, sau khi tổng kết, đánh giá quá trình tự chủ của các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế do các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý bệnh viện của ngành Y tế thành phố thực hiện, Sở Y tế TP HCM đã báo cáo và kiến nghị lãnh đạo thành phố một số nội dung nhằm giúp sớm ổn định những khó khăn hiện nay của nhiều bệnh viện và sớm có một số giải pháp quan trọng giúp cho các bệnh viện phát triển bền vững.
Sở Y tế TP HCM đã đưa ra 6 kiến nghị nhằm giúp sớm ổn định những khó khăn hiện nay của nhiều bệnh viện
Các kiến nghị cụ thể đó là: Kiến nghị thành phố duy trì cơ chế hỗ trợ nguồn ngân sách bổ sung cho quỹ cải cách tiền lương đủ để thực hiện Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND đối với các bệnh viện gặp khó khăn về chênh lệch thu chi, giúp cho nhân viên y tế an tâm công tác và các bệnh viện ổn định lại trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn sau đại dịch COVID-19.
Bộ Y tế sớm ban hành cơ chế chính sách trong xây dựng kết cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) theo hướng tính đúng, tính đủ, bổ sung tiền thuế đất vào giá dịch vụ KCB. Trong thời gian chờ bổ sung thì ngân sách hỗ trợ các bệnh viện công lập đóng khoản tiền thuế đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Thành phố có cơ chế hỗ trợ các bệnh viện công lập được phép tự tổ chức cung ứng các dịch vụ tiện ích phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh trong khuôn viên của các bệnh viện như: Bãi giữ xe, căn tin,… Bệnh viện tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này (bao gồm cả hình thức tự tổ chức thực hiện hay đấu giá thực hiện).
Thành phố xem xét và thí điểm cơ chế về điều tiết quỹ phát triển sự nghiệp trong khối các bệnh viện công lập, giữa các bệnh viện có số dư cao ngoài nhu cầu phát triển của bệnh viện và bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn có nguồn trích lập thấp, không đủ đáp ứng yêu cầu phát triển cơ bản của bệnh viện.
Thành phố thành lập Hội đồng Tư vấn tự chủ bệnh viện giúp hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của các bệnh viện, đồng thời tham mưu lãnh đạo thành phố các giải pháp giải quyết các vướng mắc liên quan đến hoạt động của các bệnh viện.
Cuối cùng, ngành Y tế TP HCM kiến nghị thành phố có cơ chế chính sách cho phép ngành Y tế triển khai thí điểm chuyển đổi mô hình cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng với loại hình tự chủ của bệnh viện. Cụ thể như Hội đồng Quản lý 2 cấp thay vì chỉ có Ban Giám đốc bệnh viện như hiện nay (có thể chọn Bệnh viện Mắt triển khai thí điểm mô hình này sau khi đã thí điểm thi tuyển chức danh Giám đốc bệnh viện).
Trọng Vũ - TTTĐ