6 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ do Covid-19: Cần thiết và kịp thời

03/04/2020 12:05

Kinhte&Xahoi Chính phủ hỗ trợ người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là giải pháp hết sức cần thiết và giúp họ vượt qua khó khăn hiện nay. Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng nêu quan điểm khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị.

 Ông Lê Đình Quảng

Thưa ông, Chính phủ có dự kiến hỗ trợ NLĐ bị mất việc, tạm ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với các mức khác nhau. Ông có ý kiến gì về việc này?

- Khi nghe thông tin Chính phủ sẽ hỗ trợ cho NLĐ, chúng tôi rất mừng bởi đại dịch Covid-19 khiến DN và NLĐ vô cùng khó khăn. Chính sách vừa hỗ trợ cho NLĐ và lại giúp DN vượt qua khó khăn. Chỉ có điều, cách thức thực hiện hỗ trợ. Đối với NLĐ có hợp đồng lao động, việc kê khai danh sách tương đối dễ bởi cơ quan Nhà nước, bảo hiểm xã hội đều nắm được con số. Nhưng hiện nay, có những DN không ký hợp lao động với NLĐ và số người này bị mất việc. Ngoài ra, là các lao động tự do. Những đối tượng này đã về địa phương, vậy phải có cách điều tra, thống kê thế nào để hỗ trợ cho họ, tránh trường hợp người cần được hưởng thì tiền không đến được tay.

Vậy ông có băn khoăn gì không về việc triển khai thực hiện?

- Đây là một chính sách hỗ trợ an sinh rất có ý nghĩa cho NLĐ và DN. Và sẽ có tác dụng to lớn hơn khi nó được triển khai kịp thời, trực tiếp, đúng đối tượng, tránh việc trục lợi chính sách.

Việc kê khai, chi hỗ trợ cho NLĐ có hợp đồng lao động sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn, bởi DN, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, bảo hiểm xã hội đều nắm được con số. Điều đáng quan tâm trong việc tổ chức thực hiện hỗ trợ là với đối tượng NLĐ không có hợp đồng lao động, lao động tự do. Thực trạng hiện nay, có không ít DN không ký hợp lao động với NLĐ và số người này bị mất việc. Ngoài ra, hầu hết lao động tự do khi mất việc họ đã về địa phương, vậy phải có cách điều tra, thống kê thế nào để hỗ trợ cho họ, tránh trường hợp người cần được hưởng thì tiền không đến được tay.

Cùng với việc hỗ trợ của Chính phủ, về phía chủ sử dụng lao động cần phải làm gì để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ?

- Bộ luật Lao động đã quy định rất rõ, các trường hợp phải tạm thời nghỉ việc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, nghỉ việc không do lỗi của bên nào thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Ngoài ra trong thực tế, có rất nhiều NLĐ cùng với chủ sử dụng lao động cùng nhau

tháo gỡ khó khăn. Ví dụ, DN muốn giữ chân NLĐ và NLĐ muốn gắn bó với DN, họ đã thực hiện các cách: NLĐ vẫn làm việc nhưng cho DN nợ lương, NLĐ viết đơn xin nghỉ việc riêng không hưởng lương hoặc xin nghỉ phép.

Như thế, hai bên vừa thực hiện theo quy định của pháp luật và giảm bớt được khó khan cho DN. Một vấn đề nữa là phải tính đến phương án, sau dịch Covid-19, NLĐ quay trở lại lao động sản xuất. Như vậy, bài toán nhân sự cần giải là giữ chân được NLĐ, vừa bảo đảm cuộc sống. Và, thời gian này DN cần đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề cho NLĐ thích nghi với công việc trong bối cảnh mới.

Theo ông, các DN phải làm sao để NLĐ bảo đảm được an toàn khi làm việc, Thủ tướng có yêu cầu giãn khoảng cách?

- Thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức Công đoàn, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các DN được cải thiện khá nhiều. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các điều kiện về bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ tiếp tục phải được bảo đảm. Từ khi mới có dịch Covid-19, chúng tôi đã trực tiếp đến một số DN và nhận thấy các DN rất có ý thức và tuân thủ các khuyến cáo của các cơ quan chức năng về phòng chống dịch Covid - 19 như trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt hàng ngày cho NLĐ. Hiện nay, tùy theo điều kiện cụ thể mà các DN đa có những giải pháp phù hợp để bảo đảm tốt nhất các khuyến nghị của Chính phủ như bố trí đưa đón lao động hợp lý, cải tạo bố trí chỗ ngồi ăn giữa ca cho NLĐ; giãn khoảng cách chỗ làm việc, thực hiện cho nghỉ việc luân phiên, để giãn lao động, bảo đảm khoảng cách thoáng rộng hơn…

Về phía Tổng Liên đoàn có những hoạt động gì để hỗ trợ DN và NLĐ?

- Tổng Liên đoàn đã có nhiều hoạt động chỉ đạo công đoàn các cấp, vận động đoàn viên và NLĐ, chủ sử dụng lao động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch. Tổ chức công đoàn đã cùng NSDLĐ tìm các giải pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho NLĐ; vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng, dịch vụ….

Cùng với việc cho phép các DN gặp khó khăn do Covid -19 được lui thời gian trích nộp kinh phí công đoàn, Tổng Liên đoàn đang tìm mọi nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên công đoàn và NLĐ mất việc gặp khó khăn. Đến nay đã có nhiều LĐLĐ tỉnh thành phố triển khai thực hiện như LĐLĐ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã triển khai hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/người.

Xin cảm ơn ông!

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

"Con sẽ ở nhà" - Cam kết lan tỏa mạnh mẽ

Lời cam kết “Con sẽ ở nhà” kèm những cảnh sinh hoạt, làm việc, vui chơi tại nhà đang được cộng đồng mạng xã hội chia sẻ, lan truyền mạnh mẽ nhằm động viên nhau thực hiện cách ly xã hội, chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Mỗi gia đình là một "pháo đài" chống dịch

Ngày 2-4 là ngày thứ hai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31-3-2020 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc cách ly xã hội trong vòng 15 ngày để phòng, chống đại dịch Covid-19. Ghi nhận của nhóm phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, người dân trên toàn thành phố Hà Nội đã thực hiện khá nghiêm túc. Từ các tuyến phố, đến đường làng, ngõ xóm đều thưa vắng người qua lại, khẩu hiệu “mỗi gia đình là một pháo đài” phòng dịch Covid-19 đã biến thành hành động cụ thể của mỗi người, mỗi nhà.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/6-nhom-doi-tuong-duoc-huong-ho-tro-do-covid-19-can-thiet-va-kip-thoi-379820.html