Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường
Trong ngày đầu tiên (9/8), sau khi UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 2562/UBND-KT về việc siết chặt việc cấp và sử dụng Giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội theo Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 6/8/2021 của Chủ tịch UBND TP, tại nhiều chốt chặn, lực lượng chức năng đã linh hoạt các biện pháp kiểm tra để giảm tránh ùn tắc. Người dân đồng tình, ủng hộ, thực hiện nghiêm quy định.
Siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội, thông tin: "Thành phố quyết định thực hiện tiếp Chỉ thị số 17/CT-UBND đến 6 giờ ngày 23/8/2021.
Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong 15 ngày tiếp tục giãn cách xã hội là phải thực hiện quyết liệt, thực chất hơn nữa. Thành phố tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình có thể áp dụng mức cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ”.
Việc thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, cũng như kiểm soát sự lưu thông của người dân được thực hiện theo nguyên tắc “chỉ ra đường khi thật cần thiết” thì việc áp dụng giấy đi đường là một cách có hiệu quả thực tế.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, cơ bản các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt nhưng vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng giấy đi đường không đúng mục đích, đối tượng; Một số chốt kiểm soát chưa siết chặt việc kiểm tra dẫn đến tình trạng đông người đi lại trên đường, không thực hiện nghiêm việc giãn cách, ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch.
Nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, ngày 7/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Công văn số 2562/UBND-KT về việc siết chặt việc cấp và sử dụng giấy đi đường trong 15 ngày giãn cách xã hội tiếp theo.
Theo quy định tại văn bản 2562/UBND-KT, người tham gia lưu thông phải có giấy đi đường theo đúng mẫu đã được ban hành ngày 29/7 của UBND thành phố. Đồng thời cần phải xuất trình Căn cước công dân / Chứng minh thư nhân dân kèm đó là lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Lãnh đạo thành phố giao UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận giấy đi đường trên nguyên tắc chính quyền cơ sở giám sát chặt chẽ nơi đến trên địa bàn.
Công văn số 2562/UBND-KT cũng nêu rõ: Đề nghị các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương đóng trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị 17/CT-UBND và Công điện số 18/CĐ-UBND, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng công nghệ thông tin để làm việc tại nhà; Chỉ những người được phép mới đến làm việc trực tiếp trong trường hợp thực sự cần thiết như: Trực chiến đấu, trực cơ quan, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cấp thiết khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đoàn thể thuộc thành phố, người đứng đầu có trách nhiệm quản lý chặt chẽ cán bộ, nhân viên, cam kết về việc bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch; Chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên gây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch; Không lập kế hoạch hoạt động; phân công công tác; Cấp giấy đi đường không đúng đối tượng và sử dụng Giấy đi đường sai mục đích.
Đảm bảo hiệu quả giãn cách xã hội
Ngay trong ngày đầu thực hiện siết chặt giấy đi đường, có một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, việc làm này của Hà Nội gây phiền toán cho người dân.
Nhiều người dân vẫn bất chấp lệnh cấm để ra đường mà không có lý do chính đáng
Việc thêm một "giấy phép con" qua cấp phường sẽ dẫn đến người có nhu cầu lưu thông lại phải thêm một bước tập trung ở phường để hoàn thiện giấy tờ. Điều này vừa tăng thêm việc cho phường và cũng sẽ không đảm bảo quy định về giãn cách, phòng chống dịch bệnh khi số người tập trung quá đông vào một thời điểm.
Tuy nhiên, phải thấy một thực tế rằng, trong những ngày giãn cách xã hội của đợt giãn cách đầu tiên theo Chỉ thị 17/CT-UBND mà vào giờ cao điểm đường phố ở Hà Nội vẫn đông người. Nhiều người vẫn ra đường mà không có lý do chính đáng.
UBND TP Hà Nội đánh giá, vẫn còn tình trạng cấp giấy không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, cán bộ đi làm khi công việc chưa cấp bách.
Theo Công an TP Hà Nội, ngày thứ 16 giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 17, tính từ 12 giờ ngày 7/8 đến 12 giờ ngày 8/8, các lực lượng chức năng phát hiện, lập hồ sơ tham mưu chính quyền các cấp xử phạt 1.256 trường hợp vi phạm hành chính trong công tác phòng chống dịch với số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.
Trong đó, 100 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, bị xử phạt 145,5 triệu đồng; 2 cơ sở không chấp hành việc tạm dừng hoạt động kinh doanh, bị xử phạt 22,5 triệu đồng; 1.154 trường hợp (không thực hiện biện pháp cách ly; Tập trung đông người nơi công cộng; ra khỏi nhà khi không cần thiết; Đeo khẩu trang không đúng…) bị xử phạt với số tiền hơn 1.6 tỷ đồng.
Nếu ai cũng tìm đủ mọi cách để ra đường, việc giãn cách xã hội của Hà Nội sẽ thất bại
Mục đích của việc giãn cách xã hội là để giảm các ca nhiễm mới và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, từ khi Hà Nội giãn cách đến nay, mỗi ngày trung bình thành phố vẫn ghi nhận khoảng 69 ca mắc Covid -19 nhưng trong đó có tới 41 ca ngoài cộng đồng. Các ca nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Các chuyên gia về y tế cảnh báo nếu Hà Nội không giãn cách hiệu quả thì tình hình dịch bệnh sẽ rất xấu.
Nếu ai cũng tìm đủ mọi cách để ra đường, việc giãn cách xã hội của Hà Nội sẽ thất bại, đồng nghĩa với việc các ca nhiễm Covid-19 mới sẽ tăng lên một cách nhanh chóng theo cấp số nhân.
Chúng ta đã chứng kiến một TP Hồ Chí Minh với các cấp chính quyền và lực lượng y tế đang quá tải nhưng vẫn ngày đêm căng sức chiến đấu để giành giật lại sự sống cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Chính vì điều đó, Hà Nội đã chấp nhận hy sinh kinh tế trước mắt, tìm mọi cách để ngăn chặn dịch bệnh với quan điểm “tính mạng con người là trên hết”. Tuy nhiên, việc chống dịch thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và sự chia sẻ, đồng cảm của người dân trong những lúc khó khăn này.
Thanh Hà - TTTĐ