Được biết, Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã họp thống nhất giới thiệu ông Thái Thanh Quý, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh vào chức danh Chủ tịch UBND tỉnh thay thế ông Nguyễn Xuân Đường. Trước đó, tháng 10/2016, ông Thái Thanh Quý giữ chức là Bí thư Huyện ủy Nam Đàn được điều động giữ chức Chánh Văn phòng Tỉnh ủy nhưng chỉ đảm nhiệm chức danh này một năm.
Ông Thái Thanh Quý. Ảnh: Báo Nghệ An.
Nguồn tin từ một cán bộ lãnh đạo tỉnh Nghệ An cho biết: Trong quy hoạch chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 còn có Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, ông Cầu sinh ngày 20/11/1962 nên về độ tuổi bị thiếu gần một năm so với tiêu chuẩn bổ nhiệm. Vì thế, mặc dù đã được quy hoạch nhưng việc có đưa ông Cầu vào danh sách hay không cũng là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Nghệ An cân nhắc.
Dư luận cũng băn khoăn vì phương án nhân sự như trên sẽ mỏng so với đòi hỏi thực tiễn, rất cần bổ sung thêm những cán bộ có thâm niên và có kinh nghiệm, đầy đủ các tiêu chuẩn hơn nữa. Với trường hợp ông Thái Thanh Quý thì ông Quý chưa kinh qua chức danh Quản lý kinh tế.
Ngày 04/8/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 90-QĐ/TW của Bộ Chính trị, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Theo đó, tiêu chuẩn Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải bảo đảm đầy đủ khung tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực: “Có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương và đất nước. Chủ tịch UBND tỉnh cần có năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy, hội đồng nhân dân thành chương trình, kế hoạch của Ủy ban nhân dân và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả”.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh phải có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc quyền và ủy ban nhân dân cấp dưới; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến quản lý nhà nước ở địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh phải có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách phát triển địa phương.
Cuối cùng, người làm Chủ tịch UBND tỉnh phải, đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và kinh qua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một trong các chức danh phó chủ tịch hội đồng nhân dân hoặc phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh trao Quyết định Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cho ông Thái Thanh Quý (bìa trái) vào tháng 9/2016. Ảnh: Báo Nghệ An.
Với những tiêu chuẩn nêu trên, ông Thái Thanh Quý mới kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện nhưng chưa kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong lúc chức danh Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp tỉnh. Còn cương vị Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy thì ông Quý cũng mới chỉ đảm nhiệm chức danh Chánh Văn phòng Tỉnh ủy và Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy một thời gian ngắn và chưa thấy ông Quý có những đóng góp gì nổi bật trên các cương vị này.
Mặt khác, điều quan trọng nhất là tiêu chí am hiểu, năng lực tổ chức quản lý kinh tế đang là vấn đề dư luận băn khoăn. Vị cán bộ nêu trên là người trưởng thành từ công tác Đoàn Đảng, chưa kinh qua điều hành và quản lý kinh tế, trong khi Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, dân số đứng thứ 4 toàn quốc, tình hình tôn giáo rất phức tạp, kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, thu không đủ bù chi (năm 2017 thu 12.030 tỷ đồng, mà chi là 22.755 tỷ đồng), hàng năm tỉnh Nghệ An đang cần trợ cấp của Trung ương khoảng 10.000 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh trao Quyết định Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho ông Thái Thanh Quý (bìa phải) vào tháng 9/2017.
Do đó, tỉnh Nghệ An đang rất cần có người đủ kinh nghiệm, đã từng kinh qua quản lý điều hành hoạt động kinh tế; không nên bổ nhiệm cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn như kết luận của Tổng Bí thư tại Hội Nghị Trung ương 7 Khoá XII.
Trước đó, ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác tổ chức xây dựng Đảng trong 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 cũng khẳng định: “Để cán bộ yếu lọt vào bộ máy thì chúng ta phải trả giá rất lớn. Đối với công tác bổ nhiệm, bên cạnh yêu cầu thực hiện đúng quy trình (điều kiện cần) thì quan trọng nhất là chọn đúng người và thực sự dân chủ trong công tác bổ nhiệm và đúng quy định (điều kiện đủ). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7 của Đảng gần đây cũng nêu rõ: “Bố trí cán bộ không đúng, chẳng những hiệu quả công việc kém mà còn làm cho bộ máy thêm cồng kềnh”.
Mong Thường vụ tỉnh ủy tỉnh Nghệ An sẽ thận trọng và có phương án phù hợp trong việc lựa chọn cán bộ vào vị trí lãnh đạo chính quyền tỉnh nhằm giúp địa phương ổn định và phát triển bền vững.
Theo DV/Lsvn.vn/Hoanhap.vn