Ông Trịnh Sướng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Mỹ Hưng bị bắt về hành vi buôn xăng giả.
Cho đến hiện tại, dù có thông cáo báo chí chính thức từ UBND tỉnh Sóc Trăng là không có chuyện tỉnh tổ chức đoàn đi Nhật, cử ông Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, kinh phí do Trịnh Sướng đài thọ mà ông này đi với tư cách cá nhân, tự bỏ tiền túi, đúng quy định. Bằng chứng cũng được trưng ra là cái hóa đơn nộp tiền cho công ty du lịch do chính ông Phó ký nộp.
Tuy nhiên, theo điều tra của báo chí thì người của Công ty du lịch cung cấp thông tin chuyến đi này ông Sướng trả tiền toàn bộ. Dù lấp liếm thế nào, cuối cùng sự thật cũng sẽ phơi bày và lúc đó không còn chuyện cải chính suông nữa!
Tiếp tục, báo chí còn lục tìm trong quá khứ chuyện quan chức phụ trách trong lĩnh vực thị trường vay mượn tiền của đại gia này. Doanh nhân Trịnh Sướng không những “đóng góp lớn vào lĩnh vực an sinh xã hội”, “làm tốt nghĩa vụ tài chính” với địa phươg mà còn thực hiện cả nghĩa vụ tài chính với cá nhân và gia đình cán bộ địa phương nữa!
Trước nay, việc doanh nghiệp mời lãnh đạo địa phương đi “học tập kinh nghiệm, tham quan học hỏi” nước ngoài không phải hiếm. Động tác này được tô điểm bởi các mỹ từ “hỗ trợ”, “đài thọ” nhưng thực chất đó là một hình thức hối lộ hợp pháp mà thôi. Nó cũng tương tự như các suất đất hoặc căn hộ “đối ngoại”, những quà biếu giá trị khác như ô tô đắt tiền,... Vì thế, Chính phủ đã “cấm tiệt” việc nhận lời mời của doanh nghiệp đi du lịch nước ngoài.
Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng, “lòng tốt” của các doanh nghiệp khi “hỗ trợ” cán bộ là có động cơ. Đó là mối quan hệ “có qua, có lại”, nói theo cách dân gian là “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” mà ở trường hợp này, “chai rượu” là sự ưu ái, “nâng đỡ không trong sáng”, bỏ qua sai phạm, cấp đất, tạo thế lực trong làm ăn,... Cũng theo cách nói dân gian “ăn gian nó giàn ra đấy”, vụ này khi hạ màn thì bức màn trước đó đã vén lên, phơi bày một sự thật mà ai đó cố tình lấp liếm.
Phaly