Ảnh minh họa.
Để trẻ đỡ nhàm chán, bức bối, nhiều gia đình thường lựa chọn mua bể bơi bằng phao, bằng bạt kích thước nhỏ để trên sân thượng hay trong nhà cho trẻ tắm, bơi lội. Và đã có những tai nạn thương tâm từ sự bất cẩn…
Chết đuối trong… chậu nước
Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một bé trai 11 tháng tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do bị đuối nước khi chơi bể bơi phao tại nhà. Bé trai là N.M.H. cùng anh trai 3 tuổi được gia đình cho chơi bể bơi phao tại nhà với mực nước sâu khoảng 50cm.
Sau khoảng 10 phút không có sự giám sát, gia đình phát hiện trẻ nằm úp mặt xuống đáy bể bơi phao. Khi được vớt lên, trẻ đã có biểu hiện tím tái.
Theo ThS.BS Nguyễn Đăng Quyệt – Trưởng Khoa Hô hấp 2 - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, đuối nước là một trong những tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra tại gia đình và ngoài cộng đồng. Nếu không phát hiện kịp thời, trẻ bị chìm lâu trong nước hoặc nguồn nước bẩn, ngoài hậu quả viêm phổi do đuối nước, trẻ có thể bị suy hô hấp nặng, nhiễm khuẩn nặng, phù phổi cấp, rối loạn điện giải và di chứng thần kinh nếu não bị thiếu oxy kéo dài, thậm chí trẻ có thể tử vong.
Hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, trẻ em vẫn chưa được đến trường, nhiều gia đình sử dụng bể bơi phao tại nhà để giúp trẻ vui chơi, giải nhiệt. Thực tế cho thấy, vì bể bơi mini rất nông và ít nước nên nhiều cha mẹ, người lớn chủ quan vừa trông trẻ vừa nghe điện thoại, trò chuyện, làm việc nhà… dẫn đến bị phân tâm, quên để ý đến trẻ.
“Để có thể giúp bé vui chơi mà vẫn đảm bảo an toàn, người trông trẻ cần giám sát chặt chẽ, không được rời mắt khỏi trẻ để làm công việc khác. Đừng bao giờ được nghĩ rằng trẻ tắm trong những bể bơi mini bằng phao, bạt nhỏ tại nhà an toàn hơn khi đi bơi ở bể lớn, bởi đã có nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước khi tắm bể phao, thậm chí một chậu, thùng chứa nước nhỏ cũng khiến trẻ bị đuối nước.
Bên cạnh đó, gia đình cần trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức cơ bản nhất để tự bảo vệ mình khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên. Đối với trẻ lớn, cần được giáo dục tại trường học và gia đình về các nguy cơ tai nạn thương tích, cách phòng tránh và các bước xử lý khi tai nạn thương tích xảy ra” – ThS. BS Nguyễn Đăng Quyệt khuyến cáo.
Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra tại gia đình là 22,4%
Con số này được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng, giải pháp phòng, chống đuối nước với trẻ em, học sinh” do Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Cục Trẻ em, LĐTB&XH và Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam vào cuối tháng 9/2021. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tính từ 5/2021 đến ngày 20/9/2021 cả nước xảy ra 54 vụ đuối nước làm 89 trẻ tử vong. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng (với 76,6%).
Mặc dù số trẻ em tử vong do đuối nước liên tục giảm qua các năm, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao. Trong thời gian 10 năm, từ năm 2010 tỷ suất trẻ tử vong do đuối nước là 12,7/100.000 trẻ, đến năm 2019, tỷ suất này còn 6,8/100.000 trẻ. Tỷ suất này cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em ở Việt Nam trong độ tuổi từ 2-15. Để kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên tất cả các loại hình tai nạn, thương tích, nhất là tai nạn đuối nước, ngày 19/7/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Chương trình đưa ra mục tiêu, hằng năm giảm 5-10% số trẻ em bị tử vong và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. 15.000 trường học đạt tiêu chuẩn trường học an toàn vào năm 2030. Chương trình cũng phấn đấu có 95% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết các quy định về an toàn giao thông đường bộ, 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn vào năm 2030.
100% nhân viên y tế thôn, bản, nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em bị tai nạn, thương tích năm 2030. Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đề ra một số giải pháp như thí điểm và nhân rộng các mô hình về tư vấn, giáo dục kiến thức, thực hành kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tại cộng đồng, trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.
Thông tin từ Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD-ĐT cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản, chương trình, kế hoạch hành động về phòng chống thương tích, đuối nước cho trẻ em và học sinh; rà soát, sửa đổi tiêu chí, xây dựng mô hình trường học an toàn; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục với mục tiêu mỗi học sinh sẽ vận dụng được kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước trong cuộc sống, để tự bảo vệ bản thân.
“Phải đổi mới công tác tuyên truyền, truyền thông để nâng cao nhận thức cho học sinh và cha mẹ học sinh đối với công tác phòng chống đuối nước vì vấn đề an toàn cho trẻ và giáo dục thể chất cho trẻ em trong giai đoạn mới này đòi hỏi phải đổi mới và có những cách làm mới hơn” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, cần lưu ý sự phối hợp giữa các bên để quản lý học sinh, nhất là trong giai đoạn các em nghỉ dài như dịp hè hoặc để phòng chống dịch như hiện nay, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, trẻ em.
Hồng Minh - Pháp luật Plus