Duy trì và phát triển thị trường tiêu thụ truyền thống
Tại hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020, ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, mùa vải năm nay toàn tỉnh Bắc Giang trồng hơn 28.000 ha vải, ước đạt sản lượng hơn 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khá phức tạp, để chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Bắc Giang đã xây dựng nhiều phương án để đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Xe container chở vải thiều Bắc Giang. Ảnh: VGP.
Về thị trường tiêu thụ, tỉnh Bắc Giang chủ trương "thông thoáng, thuận lợi và linh hoạt", luôn chú trọng cả thị trường nội địa và xuất khẩu, đồng thời luôn quan tâm khai thông các thị trường mới, tiềm năng, có hiệu quả kinh tế cao.
Đối với thị trường nội địa, sẵn sàng ứng phó với mức độ khó khăn của thị trường nước ngoài, tỉnh đã sớm xây dựng kịch bản tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa, thực tế với gần 100 triệu dân đây vẫn là thị trường nhiều tiềm năng.
Ngay từ đầu vụ, tỉnh đã sớm kết nối với các tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, các doanh nghiệp, thương nhân tiêu thụ nông sản trong nội địa như: Aon, Central Group, Mega MarKet, Lotte, Big C, Saigon.coop, Vinmart, Hapro...; đại diện các chợ đầu mối nông sản của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng và các bạn hàng truyền thống; đã liên hệ các nhà máy, cơ sở chế biến đóng hộp, ép nước, sấy khô.
Đến nay, các đối tác là đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp, doanh nhân đã kết nối, ký hợp đồng với các điểm cung ứng trên địa bàn tỉnh và những ngày này vải thiểu sớm đang được tiêu thụ rất thuận lợi.
Mở rộng và khẳng định vị thế của trái vải thiều tại các thị trường lớn, khó tính
Đối với thị trường xuất khẩu, ông Lại Thanh Sơn khẳng định: Thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm khơi thông xuất khẩu vào các thị trường đã hợp tác những năm qua: Mỹ, EU, Hàn Quốc, Úc, Malaysia...
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các hộ trồng vải, cơ sở chế biến sẵn sàng đáo ứng đủ các điều kiện cho thị trường xuất khẩu khác: Nhật Bản, Singapore, Trung Đông, Thái Lan, Canada…
Thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đang tiếp cận thị trường khó tính Nhật Bản.
Năm 2020, thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đã chính thức đạt đủ yêu cầu và tiêu chuẩn bước vào thị trường khó tính Nhật Bản, để dần mở hướng chinh phục các thị trường khác trên toàn thế giới.
Theo những thống kê ban đầu từ các đơn vị chức năng, vụ vải năm nay, tỉnh Bắc Giang sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản khoảng 100 tấn vải thiều tươi của huyện Lục Ngạn bằng đường biển và đường hàng không.
Những lô vải được xuất sang thị trường Nhật Bản đã được đóng hộp nhỏ 200 gram và bày bán tại siêu thị với giá khuyến mãi là 498 yen (giá gốc là 537 yen) - tương đương hơn 100.000 đồng. Như vậy, mỗi ký vải thiều Việt Nam được bán tại Nhật Bản có giá khoảng 180.000 đồng- 270.000 đồng/kg.
Những quả vải đầu tiên được sản xuất đạt đủ tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bước vào thị trường Nhật Bản đã phần nào khẳng định được chất lượng quả vải tại thủ phủ Lục Ngạn và là điểm mốc quan trọng đánh dấu hình ảnh và ghi dấu “giấy chứng nhận uy tín” cho quả vải thiều Lục Ngạn trên xứ sở hoa anh đào.
Chia sẻ về việc đưa quả vải thiều sang Nhật Bản, ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND Tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh:
"Năm nay là lần đầu tiên Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu vải thiều của Việt Nam. Đây là một cơ hội rất lớn cho vải thiều Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng. Và đến bây giờ, quả vải đã lên kệ các siêu thị tại đất nước mặt trời mọc và được thực khách ở đây đánh giá rất cao về chất lượng. Đây cũng là tiền đề cho vải thiều có thể tiếp cận nhiều nước trên thế giới hơn nữa trong các mùa vụ tới"
Theo dự kiến, khoảng 15 - 20 ngày nữa, nông dân Bắc Giang sẽ cơ bản thu hoạch xong vải thiều. Với sản lượng vải đã và đang đáp ững được các thị trường trong và ngoài nước, hi vọng khi kết thúc mùa vụ thì doanh thu của Tỉnh Bắc Giang từ quả vải sẽ đạt cao, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế chung cho toàn tỉnh và mang lại những lợi nhuận cho người nông dân "một nắng, hai sương" chăm sóc quả vải suốt thời gian qua.
Nguyễn Kế