Bắc Giang xây dựng 3 kịch bản nhằm tiêu thụ hết 180.000 tấn vải thiều

18/05/2021 11:58

Kinhte&Xahoi UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành kế hoạch với nhiều kịch bản nhằm tiêu thụ 180.000 tấn vải thiều trên địa bàn trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngày 17/5, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 2189/KH-UBND về việc tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Theo thống kê, năm 2021, diện tích vải trên địa bàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020).Trong đó, diện tích vải sớm 6.050 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải chính vụ 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.

Thời gian thu hoạch vải thiều năm nay trên địa bàn tỉnh đầu từ khoảng 20/5 đến 20/7 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ 20/5; vải thiều chính vụ từ 10/6).

Tuy nhiên, tình hình của dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ quả vải thiều nên UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng Kế hoạch tiêu thụ vải thiều.

Sản lượng vải thiều năm nay của tỉnh Bắc Giang ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tiêu thụ vải thiều với 3 kịch bản có thể xảy ra.

Kịnh bản 1: Dịch bệnh covid-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi. Khi đó, mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 50% trong nước, khoảng 90.000 tấn; 50% xuất khẩu, khoảng 90.000 tấn. Kênh tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối trong nước, các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, GO, Lan Chi, Vinmart&Vinmart; các doanh nghiệp chế biến; xuất khẩu; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc, điểm cân nhỏ.

Kịch bản 2: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát. Theo kịch bản này, mục tiêu tiêu thụ 70% sản lượng vải thiều trong nước, khoảng 130.000 tấn; 30% xuất khẩu khoảng 50.000 tấn. Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối; các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống…

Kịch bản 3: Dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa. Khi kịch bản này xảy ra, tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chiếm 90%, khoảng 160.000 tấn; xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn. Tăng cường khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ, nơi nào có quả vải chín trước cần tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm.

Kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối, xác định đây là kênh tiêu thụ trong nước chủ yếu, dự kiến tiêu thụ khoảng 60.000 tấn; các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu; các chợ truyền thống. Tăng cường chính sách hỗ trợ xây dựng thêm các lò sấy, tuyên truyền cho người dân sớm có thông tin về tình hình tiêu thụ quả tươi để kịp thời chuyển một phần sang chế biến sấy khô. Tiêu thụ trên Sàn Thương mại điện tử…

Trái vải thiều Lục Ngạn vang danh cả nước nhờ chất lượng tuyệt vời, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Ảnh N.C

Trao đổi với Pháp luật Plus về việc hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều năm 2021, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn ông La Văn Nam cho hay: "Huyện Lục Ngạn chuẩn bị các địa điểm như: Trang trại, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, các mô hình sản xuất vải thiều tiêu biểu... để đón tiếp các thương nhân, doanh nghiệp, các đoàn khách trong và ngoài nước, các cơ quan thông tấn báo chí đến thăm, khảo sát, tìm hiểu vùng sản xuất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thu mua sản phẩm vải thiều Lục Ngạn. Tập trung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm vải thiều, du lịch miệt vườn mùa quả chín của huyện Lục Ngạn. Liên kết, xây dựng các tour đưa đón du khách đến thăm quan, trải nghiệm du lịch mùa vải chín.

UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền nhân dân xây lò sấy vải với quy mô hộ gia đình, nhóm hộ gia đình. UBND huyện hỗ trợ 2 triệu đồng/lò sấy mới có công suất từ 5 tấn vải tươi/lượt sấy trở lên.

Đối với tiêu thụ vải thiều tươi, tại tất cả các điểm thu mua vải thiều trước khi đóng thùng đưa ra thị trường tiêu thụ sẽ được phun khử trùng, chống dịch bằng dung dịch CloraminB trên sản phẩm và các phụ trợ đóng gói, bảo quản. Trên các thùng vải sẽ có tem dán “Vải thiều đã được kiểm dịch”.

Toàn bộ diện tích vải thiều của gia đình anh Ngô Văn Cường đều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh Hương Giang - Trung tâm khuyến nông huyện Tân Yên.

Để ứng phó với tình hình tiêu thụ sản phẩm trái vải thiều trong tình hình mới, hiện tại toàn xã Phúc Hòa, (Tân Yên) có gần 820 ha, trong đó có 370 ha vải thiều sớm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP tập trung ở thôn Lân Thịnh, Quất Du 2 và Quất Lễ, bình quân mỗi năm sản lượng khoảng 7.000 tấn (xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP).

Đặc biệt, năm 2020, xã có mô hình sản xuất vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản với tổng diện tích là 05 ha, có 11 hộ gia đình tham gia. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên không xuất khẩu được. Năm 2021, huyện Tân Yên tiếp tục chỉ đạo xã Phúc Hòa xây dựng vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc với diện tích là 10 ha. Các gia đình tham gia được tập huấn về quy trình sản xuất của Bộ Nông nghiệp &PTNT, cùng với đó huyện Tân Yên có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hộ tham gia như hỗ trợ chứng nhận lại GlobalGAP, thùng đựng và bao bì sản phẩm.

Trước đó, ngày 5/5/2021, UBND tỉnh có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều tại tỉnh Bắc Giang.

Sau khi nhận được đề nghị từ tỉnh Bắc Giang, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an đã có văn bản đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. Các thương nhân này sẽ được nhận thị thực tại Cửa khẩu Hữu nghị thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Gia Hải - Quang Vũ - Pháp luật Plus

 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hiểu rõ về quyền và trách nhiệm với lá phiếu của cử tri

Cuộc bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã cận kề. Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các yếu tố cần thiết cho cuộc bầu cử, chủ thể quan trọng làm nên thành công và hiệu quả của cuộc bầu cử chính là cử tri.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/bac-giang-xay-dung-3-kich-ban-nham-tieu-thu-het-180000-tan-vai-thieu-d155843.html