Bắc Ninh: Công ty Tùng Bách có đang "làm mưa làm gió" ở KĐT Quế Võ

12/10/2018 14:59

Kinhte&Xahoi Chưa hoàn thành xong cơ sở hạ tầng tuy nhiên công ty Tùng Bách đã bán đất nền cho người dân. Thậm chí có thông tin, công ty này còn lách luật bán cả đất nền trong “khu vực cấm”.

Giao đất cho dân khi mọi thứ còn ngổn ngang

KĐT mới Quế Võ, thuộc huyện Quế Võ, Bắc Ninh ban đầu được UBND tỉnh Bắc Ninh chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) theo Văn bản số 1491/CN-XDCB-CT ngày 27/11/2003 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, đến năm 2013 do tình hình bất động sản của đất nước trầm lắng, công ty cũng gặp một số khó khăn nên theo đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 22/08/2013 Công ty Tây Hồ đã tự nguyện giao lại một phần đất dự án.

Được UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép, ngày 12/8/2015 Công ty Tây Hồ ký Hợp đồng số 09/HĐCN về việc chuyển nhượng một phần dự án với Công ty Tùng Bách. Ngày 06/10/2015, UBND tỉnh Bắc Ninh có quyết định số 394/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Công ty Tây Hồ và giao đất cho Công ty Tùng Bách. Tổng diện tích chuyển nhượng là: 281.373,3m2. Còn lại 18 hecta Công ty Tây Hồ đã tiến hành triển khai theo đúng các quy định của UBND tỉnh và pháp luật quy định.

Người dân tự ý chuyển nhượng trái phép khu đất.

Điều đáng nói, ngay sau khi có “trong tay” một phần dự án, năm 2016, Công ty TNHH Tùng Bách đã bất chấp quy định ngang nhiên rao bán đất nền cho hàng trăm người dân khi cơ sở hạ tầng vẫn còn trong tình trạng ngổn ngang.

Tại công văn số 264/UBND – TNMT của UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành ngày 2/2/2016 nêu rõ: công ty Tùng Bách được chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà ở sau khi đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng…Và cũng theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 11 Thông tư số 20/2013/TTLT-BXD-BNV ngày 21/11/2013 hướng dẫn thi hành mọt số điều của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính Phủ cũng nêu rõ: Khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất phải được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, bao gồm: các công trình dịch vụ và các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước) theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân khi đến ở.

Quy định là thế, nhưng trên thực tế, sau hai năm trời một số hạng mục cơ sở hạ tầng của khu đô thị mới Quế Võ vẫn chưa được chủ đầu tư là công ty Tùng Bách hoàn thiện. Mặc dù, điều này luôn được bà Nguyễn Thị Nhung, Phó tổng Giám đốc công ty Tùng Bách khẳng định là đã hoàn thành xong mọi hạng mục.

Đáng nói, trong công văn số 1534/STNMT – CCQLĐĐ của sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh gửi UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 29/8/2018 báo cáo về đầu tư xây dựng tại KĐT Quế Võ. Trong đó một vài hạng mục cơ sở hạ tầng chưa được hoàn thành. Cụ thể, hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy chưa hoàn thành nên không có nước sạch cấp cho dự án. Trạm biến áp đã thi công được 1 trạm trong tổng số 8 trạm biến áp nên không đủ đảm bảo cấp điện cho các tủ điện hạ thế. Hệ thống cáp mạng viễn thông chưa thi công. Vườn hoa cây xanh mới xây dựng được khoảng 4.800m2 trên tổng số 13.770m2. Hiện tại dự án có 1 hồ nước đã đào lòng hồ nhưng vẫn chưa xây dựng kè hồ.

Khi PV có mặt tại dự án của công ty Tùng Bách, thực tế cho thấy, nơi đây vẫn còn chưa thực sự gọn gàng. Nhiều nắp cống vẫn ntoang hoác nằm chỏng trơ giữa đường. Phía bên trên những dãy vỉa hè cỏ mọc um tùm và chưa hề có dấu hiệu của việc thi công. Có đoạn chủ đầu tư chỉ mới tiến hành xếp gạch thành từng đống để chờ thi công bên những trụ móc cột điện cao áp hoen rỉ.

Điển hình của sự nhếch nhác phải kể đến những cột điện được chủ đầu tư “câu tạm” bằng những cây gỗ tạm bợ nằm xen lẫn giữa những hàng cây trơ trọi lá. Những “công trình điện” với những đoạn dây chạy vắt vẻo cao quá đầu người chạy lằng nhằng vào các công trình đã và đang xây dựng chẳng khác nào đường điện vào những công trình lán trại tạm bợ chứ không phải phục vụ cho một khu đô thị mới. Bên dưới là hệ thống thoát nước được công ty Tùng Bách xây dựng nham nhở và vẫn chưa được đậy nắp nằm ẩn hiện dưới những lùm cỏ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho bất cứ người nào đi qua.

Đặc biệt, ngay trong phần đất khu đô thị do Công ty TNHH Tùng Bách quản lý còn xuất hiện một trạm trộn bê tông đang ngày đêm xả nước và bụi bẩn hủy hoại môi trường nghiêm trọng. Chất thải của trạm trộn bê tông này còn được xả thằng ra một bãi đất trống thuộc dự án. Không những thế, tại dự án này, chủ đầu tư cũng đang để một số đơn vị sử dụng đất làm địa điểm bán cọc bê tông, xưởng gỗ…

Liên quan tới hành vi rao bán đất nền của Công ty TNHH Tùng Bách, theo một số luật sư điều này là trái với quy định tại khoản 2 điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai 2013. Bởi quy định điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải.

Công ty TNHH Tùng Bách đã bán đất nền từ năm 2016. Đối với việc để Công ty TNHH Tùng Bách rao bán đất nền khi chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng, dư luận đang hoài nghi có hay không về việc các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh đang “ưu ái” cho doanh nghiệp. Bởi theo điểm a khoản 1 điều 194 Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê đã nêu:  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định của Chính phủ về điều kiện loại đô thị để cho phép chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô sau khi đã hoàn thành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nghĩa vụ tài chính về đất đai”. Trong khi đó, Công ty TNHH Tùng Bách đã ngang nhiên bán đất nền từ năm 2016 cho tới nay mà vẫn không hề bị xử lý ? 

Lách luật để bán đất nền trong vùng cấm?

Ngoài những lình xình trong vụ bán đất nền khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng thì trung tuần tháng 8, tại dự án của công ty Tùng Bách lại xảy ra một sự việc đáng tiếc. Một bé trai 11 tuổi đã chết đuối tại hồ điều hòa nằm trong dự án.

Thông tin mà người dân cho biết, xung quanh hồ điều hòa này không có rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nhung , Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tùng Bách giải thích: Hồ điều hòa này chúng tôi đã hoàn thành từ lâu và đã có biển báo cấm câu cá, cấm bơi lội. Còn về rào chắn an toàn thì không riêng gì hồ điều hòa của chúng tôi xây dựng mà tất cả hồ điều hòa hiện này đều không có rào chắn. Ngay sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã cử cán bộ tới gia đình thăm hỏi và hỗ trợ cho gia đình với số tiền 5 triệu đồng.

Trong một diễn biến khác, theo tìm hiểu, thị trường bất động sản tại Quế Võ một vài năm trở lại đây đang sôi động. Một vài “cò” đất và chủ đất tại Bắc Ninh đã rậm rịch rao bán đất nền thuộc dự án KĐT Quế Võ. không chỉ bán đất nền ở những khu vực được cho phép, mà các “cò” đất còn cho biết thêm: “muốn mua ở đâu cũng có”.

Được biết, trong công văn số 264/UBND-TNMT của UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành đã nêu rõ một số khu vực không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở đối với các lô đất nằm trên các tuyến đường như tuyến đường 36 phía Đông của dư án hướng đi Nhân Hòa  -  Cung Kiệm…

Để nắm rõ hơn vấn đề có hay không việc công ty Tùng Bách bán đất nền trong “vùng cấm”, PV đã vào vai một người đi mua đất và đã tiếp cận được với một chủ đất mà theo như lời giới thiệu thì người đàn ông này có một vài mảnh đất ở tuyến đường 36 phía Đông dự án (khu vực không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây nhà).

Dẫn chúng tôi đến tuyến đường 36, người đàn ông này chỉ tay về miếng đất có diện tích 140m2 nằm sát mặt đường và rao bán với giá 4 tỷ đồng. Người này không quên lý giải với PV rằng vì hiện tại Quế Võ đang trên đà phát triển nên đất ở đây đang “sốt”. 

Tuy nhiên, khi PV ngỏ ý muốn xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người này cho biết, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay vẫn đang đứng tên công ty Tùng Bách, nếu muốn mua đất thì chỉ cần làm "hợp đồng ủy quyền" có công chứng. Điều kiện mà công ty Tùng Bách đưa ra là người mua phải tự xây dựng nhà và khi xây xong thì mới chuyển nhượng “sổ đỏ”.

Theo ý kiến của nhiều luật sư, việc dùng hợp đồng ủy quyền để thay thế hợp đồng mua bán đất là một kiểu lách luật đem lại rủi ro rất lớn cho người mua nhà, bởi: Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên được ủy quyền thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Còn theo quy định tại Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Như vậy, về mặt pháp luật, hai hợp đồng có bản chất hoàn toàn khác nhau, hợp đồng ủy quyền chỉ là nhân danh bên có đất thực hiện việc quản lý, sử dụng đất... mà không thực hiện việc quan trọng nhất là chuyển quyền sở hữu đất ở cho bên mua. Do vậy, việc mua bán nhà đất bằng hợp đồng ủy quyền là không đủ cơ sở pháp lý. Phải chăng đây chính là điểm lách luật của công ty Tùng Bách khi thực hiện bán đất nền trong vùng “cấm”? PV sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những bài tiếp theo.

 

Theo Khoẻ 365/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đô thị thông minh: Động lực đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng một trong những yếu tố vô cùng quan trọng của đô thị thông minh là sử dụng những hiểu biết hiện có, các lợi thế của cách mạng khoa học công nghệ để khai thác mọi nguồn lực trong xã hội một cách hiệu quả nhất vì sự phát triển của thế hệ mai sau.