Nước sông Tô Lịch được xử lý bằng công nghệ của JEBO.
Thời gian gần đây, vấn đề về biện pháp làm sạch lòng sông Tô Lịch đang được đông đảo người dân quan tâm, nhất là người dân Thủ đô sinh sống quanh khu vực sông đều kỳ vọng có thể hồi sinh dòng sông chết bao lâu nay.
Cũng đã có nhiều chuyên gia đưa ra ý tưởng, biện pháp, thậm chí UBND TP Hà Nội cũng đã dùng đến công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản, tuy nhiên tất cả các biện pháp đều không cho kết quả khả thi.
Mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam đã nhận được ý tưởng "hồi sinh" sông Tô Lịch của bác sĩ Hoàng Văn Lương, công tác tại Bệnh viện phổi trung ương.
Pháp luật Plus xin trích dẫn ý tưởng của bác sĩ Hoàng Văn Lương: Dòng sông là nơi chứa nước tự nhiên, cũng là nơi chứa nước thải sinh hoạt của dân và của thành phố, vì thế không thể có biện pháp nào hữu hiệu để làm sạch lòng sông và chống ô nhiễm nguồn nước hữu hiệu.
Để có thể làm cho dòng sông không bị ô nhiễm chỉ có thể chúng ta không để nước thải tràn vào dòng sông.
Qua tìm hiểu các cách làm của thành phố, của các chuyên gia trong và ngoài nước về việc làm sạch dòng sông tôi thấy không khả thi.
Bác sĩ Hoàng Văn Lương hiến kế làm sạch sông Tô Lịch.
Sơ đồ mặt cắt ngang dòng sông theo phương pháp xử lý.
Vì vậy tôi đã nghĩ ra cách làm sạch dòng sông và đem lại mỹ quan cho thành phố bằng cách chia dòng sông làm 3 phần, hai phần nhỏ trong cùng như 2 cái rãnh chứa nước thải, phần giữa lòng sông chứa nước mưa, qua đó làm đẹp dòng sông một cách thuận theo tự nhiên nhất.
Chúng ta xây 2 rãnh nước chứa nước thải sinh hoạt hai bên cao hơn mức nước dòng sông cao nhất vào mùa mưa hoặc có thể thấp hơn một chút để nước có bẩn có thể không tràn qua dòng sông chính ( cái này do kỹ sư xây dựng tính toán).
Trên bề mặt rãnh nước ta có thể đặt ghế đá hoặc chậu hoa làm cho cảnh quan đẹp, thân thiện với môi trường.
Sơ đồ mặt cắt dọc dòng sông theo phương pháp xử lý.
Ưu điểm của phương pháp này:
Dễ dàng thực hiện, giá thành rẻ hơn nhiều so với các phương pháp khác. Triển khai nhanh chóng. Thi công thêm các hạng mục, không làm thay đổi kết cấu dòng sông, không phá huỷ các hạng mục nào.
Không làm mất mỹ quan đô thị, không làm mất hệ thống thoát nước đô thị (hơn hẳn làm cống hoặc lấp…). Không làm ảnh hưởng đến điều hoà không khí đô thị.
Tăng thêm chỗ vui chơi, sinh hoạt cho nhân dân, chống ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… Cuối cùng là làm đẹp thành phố.
Nhược điểm:
Làm lòng sông giảm chút ít, nhưng không ảnh hưởng nhiều.
Được biết, sau khi gửi ý tưởng này, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã trả lời bác sĩ Lương và Thành phố sẽ xem xét đề tài này.