Bài toán an toàn hành lang đường sắt Thủ đô: Đã đến lúc phải “giải đến nơi đến chốn”
Kinhte&Xahoi
Thành phố Hà Nội có 6 tuyến đường sắt với tổng chiều dài hơn 162km đi qua 18 quận, huyện với 545 vị trí giao cắt, trong đó 182 vị trí đường ngang hợp pháp và 363 lối đi tự mở. Với chiều dài như vậy, hàng nghìn hộ gia đình, người dân vẫn đang hàng ngày, hàng giờ sống bên cạnh hành lang đường sắt với nỗi lo mất an toàn rình rập. Vì vậy, bài toán an toàn hành lang đường sắt vẫn đang được chính quyền thành phố Hà Nội và các ngành chức năng đi tìm lời giải phù hợp, hiệu quả và thấu đáo nhất.
Bài 1: Ám ảnh những vụ tai nạn đường sắt thương tâm
Mặc dù những năm qua, dư luận đã nhiều lần phản ánh, chính quyền thành phố và ngành chức năng cũng đã thực hiện hàng loạt giải pháp nhưng những vụ tai nạn giao thông đường sắt không đáng có vẫn xảy ra trên địa bàn Hà Nội.
Tai nạn đường sắt vẫn diễn biến phức tạp
Chúng ta vẫn còn rùng mình khi nhớ đến vụ tai nạn thương tâm xảy ra giữa 7/2021, tại Km20+715, khu vực chợ Tía qua địa bàn xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Theo thông tin cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Tín (Hà Nội), vụ tai nạn xảy ra vào lúc 19 giờ 44 phút ngày 13/7, chị Nguyễn Thị Hồng Q (SN 1990, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và con trai là bé N (khoảng 3 tuổi) vừa bước xuống xe buýt rồi đi ra phía đường ray thì tàu hỏa SE8 đầu máy 968 chạy hướng Sài Sòn - Hà Nội chạy tới va chạm khiến cả hai nạn nhân tử vong.
Hiện trường vụ tai nạn tàu hỏa đâm vào ô tô chở học sinh chiều 29/9/2020 khiến 6 học sinh bị thương
Trước đó, vào cuối tháng 6/2021, tại lối đi tự mở Km36+60, đoạn giao nhau giữa huyện Phú Xuyên (Hà Nội) - Đồng Văn (Hà Nam) hai thanh niên đi xe máy băng qua đường không quan sát đúng lúc tàu SE4 đi qua. Hậu quả vụ tai nạn khiến 1 người tử vong, 1 người bị thương.
Hay như vụ tai nạn chiều 29/9/2020, tại Km19+475 đường Phú Diễn (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), tàu hàng mang ký hiệu 3606 đã va chạm với xe ô tô mang biển kiểm soát 29B-170.51 chở 48 học sinh tiểu học. Hậu quả của vụ va chạm khiến 6 học sinh ngồi trên xe ô tô bị thương. Nguyên nhân được xác định là do tài xế thiếu quan sát khi đi qua nút giao giữa đường sắt với đường dân sinh nên đã bị tàu hoả chở hàng đâm vào hông xe. Theo đánh giá từ phía lực lượng công an, vị trí xảy ra tai nạn là lối vào tổ dân phố Miêu Nha, từ lâu đã được kiến nghị lắp barie và đèn, còi cảnh báo nguy hiểm.
Đến nay, người dân sống tại khu tập thể ga Cầu Bây (Long Biên, Hà Nội) vẫn kinh hoàng khi kể về vụ tai nạn xảy ra vào cuối năm 2020. Một người đàn ông băng qua đường ray đi vệ sinh bị tàu đâm tử vong ngay tại chỗ. Tại khu vực này, nhiều vụ tai nạn đường sắt đã xảy ra. Dù nhìn thấy tàu sắp đến nhưng một số người dân vẫn cố tình băng qua đường ray để sang đường. Chị Thu Hằng sống ở khu vực này chia sẻ, nhà chị đã từng bị tàu hỏa đâm sập cổng khi tàu bẻ lái tránh va chạm với một người dân băng qua lối đi tự mở sang đường.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 9 tháng năm 2021 (tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/9/2021), toàn quốc xảy ra 54 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 43 người, bị thương 13 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 22 vụ (giảm 28,95%), giảm 14 người chết (giảm 24,56%), giảm 6 người bị thương (giảm 31,58%).
|
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, mặc dù tai nạn giao thông đường sắt đã giảm sâu về cả ba tiêu chí so với những năm trước nhưng nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt vẫn tiềm ẩn khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Ai cũng biết tàu hỏa lao với tốc độ rất nhanh trên đường sắt dành riêng và bắt buộc mọi người phải nghiêm túc dừng xe tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ khi có tín hiệu đèn hay thanh chắn được các nhân viên hạ xuống mỗi khi có tàu đi qua. Điều đó không chỉ là bảo vệ an toàn cho chuyến tàu mà còn đảm bảo an toàn cho chính người tham gia giao thông. Tuy nhiên, tình trạng một bộ phận người dân thiếu ý thức, cố tình lách vào các khe hở hay tự ý đẩy rào chắn ra để băng qua đường sắt dù tàu đang đến gần vẫn ngang nhiên xảy ra khiến nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt càng trở nên phức tạp hơn.
Hiểm họa từ những lối đi tự mở
Thời gian qua, dù các cấp, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp song Hà Nội vẫn chưa thể xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt, vốn tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn giao thông. Trong số 25 vụ tai nạn đường sắt năm 2020 thì có tới 10 vụ tai nạn xảy ra tại các lối đi tự mở.
Theo đánh giá, nguyên nhân là do tại nhiều lối đi tự mở mặc dù đã được rào thu hẹp nhưng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhỏ vẫn cố tình lách qua, thậm chí phá bỏ hàng rào để đi qua.
Dọc theo tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận Hà Nội), dễ dàng thấy nhiều lối đi tự mở qua đường sắt. Từ số 114 đường Ngọc Hồi (quận Hoàng Mai) đến số 360 đường Ngọc Hồi (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) có hai chục lối đi tự mở qua đường sắt. Ngoài các lối đi tự mở dẫn vào các ngõ của khu dân cư còn có nhiều lối đi thẳng vào 1-2 hộ dân.
Chị Nguyễn Thị Hằng, người dân sinh sống tại khu vực đường Ngọc Hồi cho biết: “Thỉnh thoảng vẫn có người chết do va chạm với tàu hỏa. Nguy hiểm đấy nhưng dân ở đây chỉ nhắc nhau cẩn thận hơn thôi, mấy ngày họ lại quên ngay sự việc ấy. Tôi sống ở đây lâu rồi nên cũng thành quen, không thấy sợ gì cả. Mấy hàng quán này là chỗ người dân quanh khu vực Ngọc Hồi đua ra để mua bán thức ăn hàng ngày. Thi thoảng thấy có đơn vị chức năng đến dẹp nhưng hôm sau lại thấy người dân dừng ở địa điểm bán hàng khác dọc tuyến này”.
Chỉ một đoạn đường khoảng 200m nhưng có tới 4 - 5 lối đi tự mở. Mỗi cửa hàng tự mở lối riêng nhằm thuận tiện cho việc buôn bán. Đây là khu vực có đường sắt đi qua trên đường Ngọc Hồi, đối diện ngã tư nhìn sang Trung tâm thương mại huyện Thanh Trì
Bên cạnh đó cũng phải kể đến sự chủ quan của những người dân sinh sống ở hai bên đường tàu cũng như ý thức chấp hành và giữ gìn an toàn hành lang đường sắt nói chung. Chị Phạm Thu Hà, chủ một cửa hàng kinh doanh trên đường Ngọc Hồi cho biết, người dân ở đây nắm chắc giờ tàu chạy và khi tàu đến sẽ nghe còi hú báo hiệu nên nhiều khi chủ quan.
Nhiều người dân sinh sống gần đường sắt tại Long Biên, Hà Nội cũng cho biết, họ đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn thương tâm. Có những vụ tai nạn, tàu gần đi đến mà người dân vẫn ngồi trên đường ray, cho đến khi người dân và nhân viên gác chắn hét lớn "tàu đến" thì họ mới giật mình chạy ra.
Tương tự, trên địa bàn huyện Thường Tín, các xã “nổi tiếng” với nhiều lối đi tự mở qua đường sắt phải kể đến: Minh Cường có 51 lối đi, Văn Tự có 25 lối đi, Tô Hiệu có 23 lối đi... Chị Nguyễn Thùy Linh (ở phố Ga, huyện Thường Tín) cho biết, nhiều nhà dân nằm ngay sát hành lang an toàn đã tự ý tháo thanh chắn bảo vệ đường sắt để mở lối đi thẳng từ quốc lộ vào nhà mình cho tiện. Nhiều người kinh doanh bày bán hàng hóa lấn chiếm hành lang đường sắt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho khách đến mua hàng.
Bà Nguyễn Thị Thương (ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) cho biết, các lối đi tự mở tại vị trí Km2+355 và Km21+125 trên tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển, đoạn qua khu vực gia đình bà sinh sống, được cắm biển cảnh báo và chôn cột bê tông, rào chắn thu hẹp lối đi nhưng đã bị một số người phá dỡ để tiện đi lại.
Theo thống kê của ngành đường sắt tính đến hết năm 2020, toàn thành phố Hà Nội còn 340 lối đi tự mở qua đường sắt. Trong đó nhiều nhất là huyện Thanh Trì với 83 vị trí; Thường Tín 82 vị trí; Đông Anh 38 vị trí… Do đó, nguy cơ xảy ra tai nạn từ những lối đi này luôn hiện hữu
(Còn nữa)
Ánh Dương - TTTĐ